Xã Đông Anh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Đông Anh được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số các xã: Cổ Loa, Đông Hội, Mai Lâm (huyện Đông Anh); phần lớn diện tích, dân số các xã: Uy Nỗ, Việt Hùng, Dục Tú, Xuân Canh, thị trấn Đông Anh; một phần diện tích tự nhiên các xã: Vĩnh Ngọc, Tiên Dương, Liên Hà, Tàm Xá (huyện Đông Anh).
Lý do lấy tên xã mới là Đông Anh bởi Đông Anh là một vùng địa lý, lịch sử, văn hóa có vị thế hết sức đặc biệt của Thủ đô Hà Nội, ở trung tâm châu thổ sông Hồng. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Đông Anh theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) là phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Đông Anh.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Đông Anh
Xã Đông Anh giáp các phường: Bồ Đề, Việt Hưng, Hồng Hà và các xã: Phù Đổng, Thư Lâm, Vĩnh Thanh, Phúc Thịnh của thành phố Hà Nội.
Xã Đông Anh có diện tích tự nhiên là 48,68 km²; Quy mô dân số là 118.183 người; trong đó:
- Xã Cổ Loa (Huyện Đông Anh): Diện tích: 8,43 km²; quy mô dân số: 21.103 người
- Xã Mai Lâm (Huyện Đông Anh): Diện tích: 6,18 km²; quy mô dân số: 14.999 người
- Thị trấn Đông Anh (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,56 km²; quy mô dân số: 4.184 người
- Xã Uy Nỗ (Huyện Đông Anh): Diện tích: 6,13 km²; quy mô dân số: 15.911 người
- Xã Việt Hùng (Huyện Đông Anh): Diện tích: 5,43 km²; quy mô dân số: 12.042 người
- Xã Vĩnh Ngọc (Huyện Đông Anh): Diện tích: 1,50 km²; quy mô dân số: 4.086 người
- Xã Dục Tú (Huyện Đông Anh): Diện tích: 7,20 km²; quy mô dân số: 16.508 người
- Xã Xuân Canh (Huyện Đông Anh): Diện tích: 5,11 km²; quy mô dân số: 10.953 người
- Xã Liên Hà (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,50 km²; quy mô dân số: 1.228 người
- Xã Đông Hội (Huyện Đông Anh): Diện tích: 7,25 km²; quy mô dân số: 16.428 người
- Xã Tiên Dương (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,32 km²; quy mô dân số: 663 người
- Xã Tàm Xá (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,07 km²; quy mô dân số: 78 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Đông Anh
Xã Đông Anh nằm ở phía Bắc của Thủ đô, là điểm giao thông kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc thông qua các tuyến đường quốc lộ 3, đường 5 kéo dài và cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Với lợi thế về vị trí địa lý cùng tiềm năng phát triển đa ngành, xã Đông Anh có điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ đô thị và logistics.
Xã Đông Anh là vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Đặc điểm kinh tế xã Đông Anh
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Thương mại - dịch vụ phát triển nhờ hệ thống chợ truyền thống, trung tâm thương mại và lợi thế kết nối hạ tầng với các khu dân cư, khu đô thị mới. Ngoài ra, xã có tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử với di tích Cổ Loa, làng nghề và lễ hội truyền thống.
Công nghiệp - xây dựng: Trên địa bàn có Cụm công nghiệp Dục Tú gắn với làng nghề Dục Tú chuyên sản xuất sắt, thép.
Nông nghiệp chuyển dịch sang mô hình công nghệ cao, tập trung vào lúa chất lượng, rau an toàn, hoa cây cảnh.
Một số địa phương như Cổ Loa, Xuân Canh, Dục Tú có truyền thống sản xuất nông nghiệp, làng nghề như đúc đồng, chế tác gỗ, trồng hoa - cây cảnh.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Đông Anh
Xã Đông Anh là vùng đất cổ, nằm trong khu vực trung tâm của kinh đô Cổ Loa - thủ đô đầu tiên của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương (thế kỷ thứ 3 TCN). Đây là một trong những cái nôi văn hóa quan trọng nhất của người Việt cổ, gắn liền với truyền thuyết nỏ thần, Mỵ Châu - Trọng Thủy, phản ánh chiều sâu văn hóa địa phương. Trong đó, Thành Cổ Loa là một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ quan trọng, được xếp hạng là Khu di tích Quốc gia đặc biệt.
Các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp Quốc gia như đình, chùa, miếu Lại Đà (1989); đền Lê Xá (1992); đình Thái Bình, chùa Diên Phúc (1992); đình và chùa Phúc Hậu (1994); đình và chùa Đông Trù (1995); đình và chùa Dục Tú (1995); đình và chùa Lý Nhân (1995); chùa, đình và đền Hội Phụ (1996); đình và đền Xuân Trạch (1996); đình và chùa Mạch Tràng (1997); đình Lỗ Giao (1998); đình Gia Lộc (1999); đình và chùa Xuân Canh (2000); đình Thạc Quả (2011); đền Tó (2019)…
Về giáo dục, hiện nay, xã có 06 trường THCS (Cổ Loa, Mai Lâm, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Đông Hội); 06 trường tiểu học (Cổ Loa, Mai Lâm, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Đông Hội); 07 trường mầm non (Tàm Xá, Cổ Loa, Mai Lâm, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Đông Hội). Toàn bộ hệ thống trường học từ mầm non đến trung học cơ sở được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy và quản lý giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về y tế, xã có 06 trạm y tế (Cổ Loa, Mai Lâm, Vĩnh Ngọc, Dục Tú, Xuân Canh, Đông Hội). Hệ thống y tế cơ sở được tổ chức đồng bộ, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các trạm y tế được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong y tế.
● Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Đông Anh: Số 66 đường Cao Lỗ, xã Đông Anh (địa chỉ cũ: Số 66 đường Cao Lỗ, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Anh: đồng chí Nguyễn Anh Dũng
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đông Anh: đồng chí Nguyễn Văn Thiềng
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Anh: đồng chí Đào Duy Tùng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây