Kỳ vọng hoà bình ở lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục Sinh

Giữa lúc giao tranh tại Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tuần qua đã bất ngờ tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài 30 giờ nhân dịp lễ Phục Sinh theo Chính thống giáo.

Dấu hiệu thiện chí hay khoảng lặng tạm thời?

Theo thông báo chính thức từ Điện Kremlin, lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 22h ngày 19/4 đến 4h ngày 21/4 (giờ Việt Nam), đúng vào thời điểm lễ Phục sinh - một trong những dịp lễ quan trọng nhất đối với cộng đồng Chính thống giáo tại Nga và Ukraine. Phía Moscow nhấn mạnh rằng đây là “cử chỉ thiện chí nhân đạo”, nhằm tạo điều kiện cho người dân hai bên có thể cử hành nghi lễ tôn giáo trong an toàn.

“Xuất phát từ mục đích nhân đạo, Nga tuyên bố ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh. Tôi đã ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động quân sự trong khoảng thời gian này. Chúng tôi hy vọng phía Ukraine cũng sẽ tuân thủ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, ông Valery Gerasimov, ngay sau đó đã chỉ thị cho toàn bộ các đơn vị chiến đấu nghiêm chỉnh chấp hành lệnh ngừng bắn, đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng để “đáp trả mọi hành vi khiêu khích”.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky không bác bỏ khả năng ngừng bắn, nhưng tỏ rõ sự thận trọng. Ông tuyên bố mọi sáng kiến hòa bình “phải xuất phát từ thiện chí thực sự”. Ông cũng đề xuất kéo dài thời gian ngừng bắn, thay vì chỉ giới hạn trong 30 giờ, đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn diện có sự giám sát quốc tế.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hàng loạt vụ giao tranh đã được ghi nhận. Nga cáo buộc Ukraine tiến hành hơn 1.300 cuộc tập kích, bao gồm pháo kích, tấn công bằng UAV cỡ nhỏ và tấn công tầm xa vào các vị trí quân sự tại Donetsk cũng như các vùng biên giới ở Bryansk, Kursk và Belgorod. Phía Nga cho biết, những đòn tấn công này gây thương vong cho dân thường và thiệt hại cho một số cơ sở hạ tầng dân sự. Ngược lại, Ukraine lại cho rằng Nga “giả vờ tuân thủ lệnh ngừng bắn” khi vẫn triển khai UAV cảm tử và pháo kích dọc chiến tuyến. Theo Tổng thống Zelensky, Nga đã pháo kích vào các vị trí của Ukraine hơn 900 lần, cũng như tiến hành khoảng 46 “chiến dịch tấn công” trong khoảng thời gian thực thi lệnh ngừng bắn, với điểm nóng là các khu vực Pokrovsk và Siversk.

Đây không phải lần đầu Nga tuyên bố ngừng bắn đơn phương. Trước đó, vào tháng 1/2023, Moscow từng đề xuất ngừng bắn một ngày dịp Giáng sinh, nhưng đã bị Kiev và các nước phương Tây bác bỏ. Khi đó, giới phân tích coi đây chỉ là “khoảng dừng chiến thuật” để tái bố trí lực lượng. Lần này, lệnh ngừng bắn dài hơn 30 giờ được đưa ra trong bối cảnh thông tin từ chiến trường vẫn còn nhiều hỗn loạn.

Trong bối cảnh cuộc chiến đã bước sang năm thứ tư, mỗi cơ hội ngừng bắn dù nhỏ đều mang ý nghĩa chiến lược và biểu tượng. Tuy nhiên, với căng thẳng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và mức độ ngờ vực giữa hai bên vẫn rất cao, giới chuyên gia cho rằng, lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh lần này có lẽ vẫn chỉ là một quãng nghỉ ngắn, hơn là khởi đầu cho một tiến trình hòa bình dài lâu. Đến nay, cả Nga và Ukraine đều không ra tuyên bố về việc gia hạn lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh.

Giải mã lệnh ngừng bắn lễ Phục sinh của Nga

Việc Nga tuyên bố ngừng bắn 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh Chính thống giáo, dù ngắn ngủi, vẫn thu hút sự chú ý lớn của dư luận thế giới. Giới phân tích phương Tây nhận định, đây không đơn thuần là cử chỉ nhân đạo hay quân sự, mà là một động thái ngoại giao táo bạo, một thông điệp chính trị gửi tới Mỹ và các đồng minh châu Âu, đồng thời là một thách thức lớn đối với khả năng tổ chức và phản ứng chiến thuật của Ukraine.

Lệnh ngừng bắn bất ngờ được Tổng thống Nga Putin công bố nhân ngày lễ Phục sinh của Chính Thống giáo. Thời điểm công bố được các nhà phân tích đánh giá là khôn khéo, cho thấy Nga chủ động nắm bắt cơ hội “ghi điểm” trên bàn cờ ngoại giao. Dù thời hạn chỉ kéo dài 30 giờ, tuyên bố của Tổng thống Nga Putin được giới quan sát coi như một nhượng bộ mang tính biểu tượng, qua đó củng cố hình ảnh Moscow là bên đề xuất hòa bình.

“Lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh của Tổng thống Vladimir Putin là một tín hiệu cho thấy người Nga đã sẵn sàng cho hòa bình còn người Ukraine thì không. Đề xuất này là một động thái tuyệt vời của Nga”.

Tiến sỹ Gilbert Doctorow, Đại học Columbia, Mỹ

Lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục Sinh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio cùng lên tiếng yêu cầu các bên trong xung đột Ukraine cần thể hiện sự nghiêm túc trong việc tìm kiếm hòa bình.

“Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên xung đột khiến mọi thứ trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ từ bỏ vai trò trung gian. Nhưng hy vọng là chúng tôi sẽ không phải làm vậy. Tôi phải thấy được sự nhiệt tình, nghiêm túc của các bên muốn chấm dứt cuộc chiến này”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo các chuyên gia, Nga hiểu rõ rằng nếu Mỹ rút khỏi vai trò trung gian, Moscow không chịu tổn thất đáng kể về mặt quân sự, trong bối cảnh Nga đang chiếm ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, về mặt chính trị, nếu ông Trump đổ lỗi cho Moscow vì thiếu thiện chí, điều này có thể làm chậm quá trình cải thiện quan hệ song phương. Vì vậy, lệnh ngừng bắn 30 giờ được xem như một “cử chỉ ngoại giao tinh tế” đủ để giữ Tổng thống Trump lại bàn đàm phán, thay vì thể hiện một sự nhượng bộ thực chất.

“Nga không hành động một cách ngẫu hứng. Lệnh ngừng bắn tạm thời này là một món quà từ Tổng thống Nga Vladimir Putin - đồng thời cũng là một thông điệp gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump: rằng Moscow nghiêm túc trong việc chấm dứt chiến sự, nhưng điều đó phải diễn ra theo cách mà Nga mong muốn”.

Ông Larry Johnson, Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ

Bình luận với hãng tin Sputnik, ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh của Tổng thống Putin thể hiện rõ mong muốn của Nga là chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tạo cơ hội để Tổng thống Mỹ Trump thúc đẩy tái lập quan hệ ngoại giao với Moscow.

"Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn xúc tiến mọi việc. Điều này làm tăng mong muốn của ông Trump trong việc đổi mới mối quan hệ ngoại giao giữa Nga - Mỹ và cuối cùng công nhận Nga là đối tác chiến lược bình đẳng”.

Ông Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ

Có chung quan điểm, bà Maria Snegovaya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, động thái này cho thấy, Tổng thống Putin đang cố gắng gửi thông điệp tích cực tới Washington, vào thời điểm Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo Washington sẽ “rút lui” khỏi các nỗ lực hòa giải.

Một số ý kiến khác đánh giá, việc Nga chủ động đưa ra thời gian ngừng bắn ngắn trong dịp lễ lớn, sau khi từ chối lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn toàn diện mà phía Mỹ đề xuất, có thể là phép thử phản ứng từ các bên liên quan trước khi mở rộng cánh cửa đàm phán.

“Quyết định ngừng bắn trong dịp lễ Phục sinh sẽ là phép thử đối với sự chân thành, ý chí và khả năng của Ukraine trong việc tuân thủ các thỏa thuận, cũng như tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng Ukraine. Về phần mình, chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại và hoan nghênh nỗ lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các quốc gia thành viên BRICS và tất cả những ai ủng hộ một giải pháp hòa bình, công bằng cho cuộc khủng hoảng này”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong khi đó, hãng tin CNN của Mỹ nhận định, thời điểm bất ngờ, thời gian ngắn ngủi và tính chất đơn phương của lệnh ngừng bắn lần này từ phía Nga đã khiến Ukraine bị động và không kịp trở tay. Việc đột ngột dừng chiến sự theo tuyên bố của Nga được xem là một thách thức lớn về mặt hậu cần đối với lực lượng Ukraine, do một số vị trí tiền tuyến đang diễn ra giao tranh ác liệt vào thời điểm lệnh ngừng bắn được ban hành. Bên cạnh đó, thông tin sai lệch khiến binh sĩ bối rối về cách thức thực hiện lệnh, cách phản ứng khi lệnh bị vi phạm và cả cách hành xử khi thời hạn kết thúc.

Con đường hòa bình gian nan

Bất chấp những lo ngại về tiến trình đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần này. Tờ New York Post dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết, cả hai bên sẽ trình bày "đề xuất cuối cùng" trong khuôn khổ đàm phán do Washington làm trung gian trong vài ngày tới nhằm hướng đến một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Diễn biến này xảy ra vào thời điểm chính quyền Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine, với lí do Washington còn nhiều vấn đề toàn cầu khác phải lo và họ đã mệt mỏi với những gì đã diễn ra ở Ukraine.

Chấm dứt xung đột ở Ukraine là một trong những cam kết từ khi còn tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, với tuyên bố có thể đạt được điều đó chỉ trong 24 giờ. Thế nhưng, sau 3 tháng nhậm chức, chính quyền Trump mới chỉ đàm phán được lệnh ngừng bắn một phần trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn.

Hôm 11/3, Ukraine đã chấp thuận đề xuất ngừng bắn do Mỹ đưa ra. Các bên sau đó đồng thuận nguyên tắc về một thỏa thuận giới hạn, tập trung vào lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa bao giờ được thực thi đầy đủ do những tranh cãi kéo dài về các điều khoản cụ thể. Việc ngừng giao tranh ở khu vực Biển Đen cũng nhanh chóng thất bại sau khi Nga yêu cầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào các tổ chức tài chính trong nước để đổi lấy một thỏa thuận hàng hải.

Trong bối cảnh bế tắc, Washington bất ngờ điều chỉnh chiến thuật. Ngày 16/4, Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên Steve Witkoff đã đến Paris để tham vấn với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đây, Mỹ đã đệ trình bản dự thảo khung cho một thỏa thuận hòa bình tới cả Nga, Ukraine và các đồng minh châu Âu. Mặc dù nội dung bản dự thảo chưa được công bố chi tiết, nhưng giới ngoại giao nhận định đây là nỗ lực nhằm "quốc tế hóa" tiến trình đàm phán.

Một đề xuất gây tranh cãi trong dự thảo là kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế tại Ukraine. Theo Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg, Ukraine có thể được chia tách tạm thời như “Berlin sau Thế chiến II”, với sự hiện diện của lực lượng đồng minh châu Âu không bao gồm quân đội Mỹ ở phía Tây, trong khi quân đội Ukraine tuần tra một vùng đệm phi quân sự rộng khoảng 30 km giữa hai vùng kiểm soát. Ông Kellogg khẳng định đây không phải là hình thức chia cắt Ukraine, mà chỉ là phương án tạm thời sau khi đạt được ngừng bắn.

“Chúng tôi đang thảo luận về khả năng tiến tới một lệnh ngừng bắn trong tương lai gần. Đó là lý do chúng tôi trở lại London trong tuần này, để thực sự hoàn tất các điều khoản. Tôi tin rằng có những cơ hội lớn. Tổng thống Trump đã dành hơn 90 ngày để giải quyết cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Tổng thống đang hướng đến các giải pháp thực chất. Lệnh ngừng bắn mà chúng tôi đề xuất là một lệnh ngừng bắn toàn diện bao gồm trên biển, trên không, trên bộ và cả trong lĩnh vực công nghiệp, kéo dài ít nhất 30 ngày. Điều đó sẽ đặt nền móng cho một thỏa thuận hòa bình lâu dài”.

Ông Keith Kellogg, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine

Bất chấp những tuyên bố lạc quan từ chính quyền Trump, các nhà phân tích cho rằng lập trường của Moscow và Kiev vẫn còn “cách biệt sâu sắc”, đặc biệt về vấn đề lãnh thổ. Điện Kremlin khẳng định, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải công nhận thực tế mới với các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập; đồng thời yêu cầu Ukraine trung lập về mặt chính trị. Tuy nhiên, những điều này trái ngược với tầm nhìn hòa bình của Kiev.

Theo truyền thông Mỹ, Nhà Trắng dường như đang có một kế hoạch khác để đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Hãng tin CNN dẫn lời một nguồn thạo tin tiết lộ rằng, chính quyền Trump sẵn sàng công nhận chủ quyền của Nga với bán đảo Crimea như một phần trong đề xuất của Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Theo New York Post, một phương án đang được cân nhắc là Washington có thể đề xuất một số nhượng bộ kinh tế với Nga nếu đạt được lệnh ngừng bắn. Các biện pháp này bao gồm nới lỏng lệnh trừng phạt và thậm chí hủy bỏ lệnh đóng băng tài sản của Nga hiện đang bị phương Tây kiểm soát.

Chiến lược của Tổng thống Trump đối với cuộc xung đột tại Ukraine đang bước vào một thời điểm then chốt, khi tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến kéo dài đang rơi vào bế tắc. Trong những tuần tới, thế giới sẽ chứng kiến liệu chiến lược đàm phán cứng rắn và mạo hiểm của ông chủ Nhà Trắng có thể thúc đẩy các bên nhượng bộ hay không. Dựa trên những diễn biến hiện tại và lập trường của các bên liên quan, giới phân tích đưa ra một số kịch bản chính có thể xảy ra trong thời gian tới: đó có thể là một đột phá ngoại giao thực sự, với các nhượng bộ lẫn nhau, hoặc một thỏa thuận tạm thời kéo dài tình trạng đình chiến mà không giải quyết triệt để các vấn đề cốt lõi; Mỹ có thể giảm dần vai trò và để châu Âu dẫn dắt quá trình hòa bình; hoặc viễn cảnh xấu hơn là đàm phán có thể thất bại, khiến xung đột leo thang trở lại. Dù kết quả như thế nào, điều không thể phủ nhận là con đường dẫn đến hòa bình cho Ukraine sẽ còn đối mặt với không ít gian nan.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chính phủ Anh đang triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất thuốc nổ RDX trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về sự phụ thuộc vào nguồn cung quân sự từ Mỹ, tờ The Times đưa tin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/4 đã chính thức phê duyệt Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện với Iran, sau khi Quốc hội Nga bỏ phiếu thông qua.

Một máy bay Airbus A330 của hãng Delta Airlines chở 282 hành khách vừa bị cháy động cơ tại Sân bay Quốc tế Orlando, bang Florida (Mỹ), hành khách đã được sơ tán khẩn cấp bằng máng trượt.

Chính phủ Mỹ vừa công bố mức thuế mới áp dụng đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Campuchia và Thái Lan.

Cử tri Australia đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử liên bang vào sáng 22/4, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là tới ngày bầu cử toàn quốc vào 3/5.

Vatican thông báo Giáo hoàng Francis đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi, sau khi chịu đựng nhiều căn bệnh trong suốt 12 năm tại vị.