Đòn thuế quan của Mỹ và giải pháp của Ấn Độ
Chuyến ngoại giao mềm của ông Vance
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đang có chuyến thăm Ấn Độ. Trong bối cảnh khả năng tăng thuế quan đang hiện hữu, các cuộc đàm phán trong khuôn khổ chuyến thăm dự kiến sẽ đầy căng thẳng. Tuy nhiên, cùng đi với ông Vance trong chuyến công du này còn có các thành viên trong gia đình và họ dành thời gian để thăm các di tích văn hóa nổi tiếng của Ấn Độ, góp phần giảm áp lực của các cuộc đàm phán thương mại. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ kỳ vọng chuyến thăm của ông Vance sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện giữa Ấn Độ và Mỹ.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đến Ấn Độ cùng vợ là bà Usha Vance, một người theo đạo Hindu có cha mẹ gốc Ấn Độ cùng ba người con và một số quan chức trong chính quyền Mỹ. Bà Usha là người phụ nữ gốc Á và theo đạo Hindu đầu tiên đảm nhận vai trò Đệ nhị Phu nhân Mỹ.
Ngay sau khi đến New Delhi, gia đình ông Vance đã đến thăm đền Akshardham – một ngôi đền Hindu nổi tiếng. Trong hành trình chuyến thăm lần này, họ cũng thăm đài tưởng niệm Taj Mahal và pháo đài Amer từ thế kỷ 12, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Ấn Độ đang tìm cách tránh mức thuế cao mà chính quyền Trump đe dọa áp đặt trong bối cảnh các chính sách này đang thúc đẩy quá trình tái định hình thương mại toàn cầu. Vì vậy, chuyến thăm bốn ngày tới Ấn Độ của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhận được sự chú ý và kỳ vọng của người dân Ấn Độ.
"Thật may mắn cho người dân địa phương khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đến thăm Agra. Ông ấy có thể sẽ đến thăm Taj Mahal vào ngày 23/4. Điều này sẽ tạo ra những tác động khá tốt đối với mức thuế quan của Mỹ áp đặt lên Ấn Độ. Chúng ta có thể tìm ra một số giải pháp có thể tốt cho Ấn Độ."
Người dân địa phương, Sunil Srivastava
Chuyến thăm kéo dài bốn ngày của ông Vance đến Ấn Độ chủ yếu mang tính cá nhân, nhưng ông đã có cuộc gặp Thủ tướng Narendra Modi tại dinh thự Thủ tướng ở New Delhi. Văn phòng Thủ tướng Modi cho biết trong một tuyên bố rằng, hai nhà lãnh đạo đã “xem xét và đánh giá tích cực tiến trình hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực”. Họ cũng “hoan nghênh những tiến bộ đáng kể” trong quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại dự kiến giữa hai nước. Nhà Trắng cũng ra tuyên bố cho biết Phó Tổng thống Vance và Thủ tướng Modi đã “đặt ra lộ trình cho các cuộc thảo luận trong tương lai.” Đây là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đang tiến triển, dù vẫn còn xa mới đạt được thỏa thuận cuối cùng. Các quan chức trong chính quyền Trump cũng đã gặp gỡ các đối tác Ấn Độ, thể hiện mức độ cam kết cao giữa hai bên.
Thủ tướng Narendra Modi tiếp đón gia đình ông Vance trong bầu không khí thân tình và đã tặng những chiếc lông công cho các con ông. Tuy nhiên, với sự khó lường của Tổng thống Trump, cấp trên của ông Vance vẫn chưa thể khẳng định liệu những hình ảnh mang tính biểu tượng này có thực sự báo hiệu rằng chính quyền Trump sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thương mại hay không.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Ấn Độ và một số nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của ông Vance tại Ấn Độ là dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định tiếp tục thúc đẩy tiến trình hướng tới thỏa thuận thương mại song phương, vốn đã được Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi vạch ra khi nhà lãnh đạo Ấn Độ tới thăm Washington vào tháng Hai vừa qua.
Dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ Narenđra Modi, quan hệ kinh tế Ấn Độ - Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc, nổi bật là sự phát triển nhanh chóng của thương mại và đầu tư, hợp tác công nghệ cao và năng lượng. Đây là những kết quả tiếp nối sự phát triển quan hệ Ấn Độ - Mỹ từ “đối tác chiến lược” thành “đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện”. Bước phát triển mới trong hợp tác kinh tế hai nước mở ra những cơ hội mới cho mỗi nước, cũng như sự tăng trưởng chung của khu vực và toàn cầu. Kể từ khi nhậm chức năm 2014 đến nay, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã thực hiện sáu chuyến thăm Mỹ, góp phần gia tăng mức độ gắn kết giữa Ấn Độ và Mỹ. Đặc biệt, chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Ấn Độ Modi đến Mỹ vào tháng 6 năm 2023 được coi là bước ngoặt mang lại động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Ấn Độ - Mỹ.
Đối với Ấn Độ, lợi ích trong hợp tác thương mại với Mỹ là rõ ràng. Ấn Độ là bên xuất siêu trong quan hệ thương mại với Mỹ. Vì vậy, hợp tác thương mại với Mỹ mang lại cho Ấn Độ cơ hội ổn định nền kinh tế trong nước, thúc đẩy sự phát triển cân bằng của hoạt động ngoại thương.
Quan hệ thương mại Mỹ - Ấn Độ dưới áp lực thuế quan
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực đưa mối quan hệ với Mỹ trở thành trụ cột trong chiến lược đối ngoại của mình. Tuy nhiên, khi ông Trump quay trở lại cương vị tổng thống, Ấn Độ lại rơi vào tình thế bấp bênh. Dù ông Trump từng ca ngợi vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Modi, nhưng ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính phủ Ấn Độ vì mức thuế cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường này. Giống như tất cả các quốc gia khác trừ Trung Quốc, New Delhi tạm thời cũng chưa phải chịu mức thuế quan đối ứng của Mỹ trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, thời gian đang cạn dần. Nếu không đạt được thỏa thuận trước khi thời hạn này kết thúc, Mỹ đe dọa sẽ nâng mức thuế áp dụng với hàng xuất khẩu của Ấn Độ từ 10% lên 26%.
Các mức thuế quan mà Mỹ đe dọa áp đặt có thể gây thiệt hại 33 tỷ USD cho thị trường xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ, đồng nghĩa với mức thiệt hại gần 1% GDP. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại của Ấn Độ, trong lúc cử tri cũng như phe đối lập đang theo dõi chặt chẽ xem Thủ tướng Modi có thực hiện được các cam kết về việc làm hay không.
Ở thời điểm hiện tại, ông Modi gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc nhượng bộ các yêu cầu từ phía ông Trump. Trước đây, tổng thống Mỹ từng gọi Ấn Độ là “vua thuế quan”, điều này không hoàn toàn sai, bởi Ấn Độ hiện áp dụng một số rào cản thương mại cao nhất tại châu Á. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Washington gần đây, ông Modi đã tìm cách cải thiện tình hình bằng cách hạ thuế một số hàng hóa Mỹ, cam kết xử lý vấn đề nhập cư bất hợp pháp, và đưa ra các kế hoạch tăng mua năng lượng cũng như thiết bị từ Mỹ. Hiện tại, Nga là nhà cung cấp chính trong cả hai lĩnh vực này cho Ấn Độ, và Mỹ từ lâu đã muốn thay thế vị trí đó.
"Ấn Độ đã xử lý vấn đề thuế quan một cách khôn ngoan trong một thời gian dài. Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Donald Trump đã quyết định vào tháng 2 sẽ ký một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tăng cường hợp tác. Điều này sẽ giúp Ấn Độ và Mỹ thực hiện giao dịch dễ dàng và suôn sẻ hơn. Nó cũng sẽ giúp thương mại hai chiều đạt 500 tỷ đô la, tức là gấp hai lần rưỡi so với giá trị hiện tại."
Ông Piyush Goyal - Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ
Kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Ấn Độ đã vượt 190 tỷ USD vào năm 2023, đưa Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, vượt qua cả Trung Quốc. Hai nước cũng đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng kim ngạch này lên hơn 500 tỷ USD vào năm 2030.
Một chính sách đối ngoại và kinh tế nhất quán sẽ giúp ích rất nhiều. Chuyến thăm của ông Vance mở ra nhiều cơ hội để mang lại tính ổn định cho một mối quan hệ vốn thường xuyên biến động. Một thỏa thuận thương mại chính thức sẽ có lợi cho cả hai bên, nhưng Ấn Độ cũng muốn thấy Mỹ sẵn sàng mở rộng hơn cơ hội tiếp cận thị trường cho người dân và doanh nghiệp Ấn Độ. Đây từ lâu là ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ, dù vẫn là vấn đề nhạy cảm về chính trị đối với ông Trump.
Về lĩnh vực quốc phòng, có nhiều lựa chọn khả thi. Nhà Trắng có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt và cấp phép xuất khẩu vũ khí, công nghệ cho các đồng minh và đối tác đáng tin cậy như Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ có thể điều chỉnh lại ưu tiên trong ngân sách quốc phòng trị giá 78 tỷ USD của mình để mua thêm vũ khí và công nghệ từ Mỹ. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác, nhưng không phải lúc nào cũng chấp nhận theo điều kiện của người khác.
Căng thẳng thương mại hiện tại giữa Mỹ và Ấn Độ không phải là mới nhưng thể hiện một mô hình đan xen hợp tác và tranh chấp thỉnh thoảng lại nổ ra. Năm 2019, Ấn Độ đã áp đặt thuế trả đũa đối với 28 sản phẩm của Mỹ, bao gồm hạnh nhân, táo và các sản phẩm thép, trực tiếp đáp trả mức thuế 25% của Mỹ đối với thép và 10% đối với nhôm. Lịch sử các biện pháp trả đũa có đi có lại này cho thấy lý do tại sao cả hai bên hiện đều bị thôi thúc tránh một cuộc chiến thương mại leo thang.
Ấn Độ định hình lại xuất khẩu
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hoãn áp thuế đối với hầu hết các quốc gia trong 90 ngày đã tạo cho Ấn Độ không gian để thăm dò các thị trường khác. Đồng thời với việc đàm phán một thỏa thuận thương mại với Washington, New Delhi cũng đang tích cực đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu của mình để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, quốc gia chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Nguy cơ bị áp thuế cao đang thúc đẩy các nhà xuất khẩu hàng dệt may, hàng kỹ thuật, đồ điện tử, đá quý và đồ trang sức của Ấn Độ phải xem xét lại các chiến lược của họ để duy trì khả năng cạnh tranh.
Ngành công nghiệp đá quý và trang sức trị giá 32 tỷ đô la của Ấn Độ đang tận dụng thời gian tạm dừng 90 ngày để đánh giá lại mức độ phụ thuộc vào Mỹ và tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình. Nhiều nhà xuất khẩu đang để mắt đến các thị trường như UAE, Mỹ Latinh và Ả Rập Xê Út để bù đắp nếu họ mất doanh số bán hàng tại Mỹ.
Tính đến năm 2023, quy mô ngành dược phẩm của Ấn Độ ước tính vào khoảng 55 tỷ đô la và giá trị xuất khẩu toàn cầu là 27 tỷ đô la. Đã đến lúc các công ty dược phẩm Ấn Độ phải nhìn xa hơn thị trường Mỹ khi chính quyền Trump đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu dược phẩm. Động thái này sẽ phá vỡ vị thế thống lĩnh của Ấn Độ trên thị trường Mỹ, nơi nước này cung cấp hơn 45% thuốc gốc.
"Các nhà sản xuất từ Ấn Độ sẽ phải tìm kiếm những hướng đi khác và chúng tôi sẽ phải tập trung vào các quốc gia khác vì chúng tôi đang cung cấp cho toàn thế giới. Một phần ba số thuốc trên thế giới là từ Ấn Độ. Vì vậy, đây cũng là dịp để chúng tôi cân bằng lại, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm những hướng đi mới."
Ông Amit Bajaj, nhà sản xuất thuốc
Mặc dù Mỹ vẫn là thị trường chính, nhưng những diễn biến này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi giá trị và khám phá các thị trường thay thế. Các khu vực như Liên minh Châu Âu, Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Trung Đông mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn nhờ khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng tăng đối với thuốc gốc chất lượng cao. Các nhà phân tích cho rằng, thông qua việc triển khai các công nghệ dược phẩm và nghiên cứu, Ấn Độ có thể thiết lập vị thế vững chắc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phòng ngừa rủi ro từ thuế quan tại thị trường Mỹ.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, các thị trường xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ cũng đa dạng đáng kể và Mỹ chỉ chiếm 18% lượng hàng xuất khẩu trong giai đoạn 2023-2024.
Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng có một lợi thế: quy mô thị trường nội địa lớn không chỉ cung cấp các đầu ra sẵn có cho hàng hóa mà còn bảo vệ các doanh nghiệp khỏi những cú sốc kinh tế toàn cầu, mà một báo cáo của Moody's cho biết có thể thúc đẩy sự thay đổi sản xuất dài hạn.
Ngoài ra, Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong những năm đại dịch, đưa ra các ưu đãi tài chính cho các nhà sản xuất điện thoại di động, phụ tùng ô tô và các sản phẩm khác. Đến nay, nhiều gã khổng lồ công nghệ của thế giới như Foxconn, Apple đã có mặt tại Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này hiện đang mở rộng thị trường xuất khẩu ra các nước khác ngoài Mỹ.
Mặc dù, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Ấn Độ trả đũa thuế quan của Mỹ, nhưng hiện tại Ấn Độ đã áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn, đặc biệt là khi xét đến thặng dư thương mại hàng hóa đáng kể của họ với Mỹ, đối tác xuất khẩu hàng đầu của mình trong những năm gần đây. Ví dụ, vào năm 2024, Ấn Độ có thặng dư thương mại là 45,7 tỷ đô la với Mỹ.
Cùng với các quốc gia khác trên thế giới đang tìm cách ứng phó với các mối đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ấn Độ đã áp dụng lập trường không đối đầu, cân bằng giữa các nhượng bộ có chọn lọc với sự thận trọng để bảo vệ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và tránh phản ứng dữ dội từ các nhà sản xuất trong nước. Chuyến đi kết hợp công tư của Phó Tổng thống Vance cho thấy cả hai bên đều đã cẩn trọng và khôn khéo để đạt được mục tiêu của mình.


Tiền vệ Hendrio được đồn đoán sẽ gia nhập CLB Port ở giải Vô địch Quốc gia Thái Lan (Thai League) sau khi chia tay Nam Định.
Manchester City sắp bước vào trận đấu giành vé dự UEFA Champions League mùa sau với đối thủ trực tiếp Aston Villa. Với những thống kê từ quá khứ, The Citizens có thể tự quyết định được số phận của mình.
Năm 2025, giữa những biến động, thách thức và hy vọng, đội tuyển cử tạ Việt Nam vẫn nỗ lực viết lại hành trình sức mạnh của mình qua các giải quốc tế sắp tới.
CLB Barcelona sẽ tiếp tục được chơi trên sân nhà để tiếp đón Mallorca ở trận đấu sớm nhất tại khuôn khổ vòng 33 La Liga.
Burnley và Leeds United cùng thắng ở vòng 44 giải hạng Nhất, qua đó đủ điểm để giành suất lên chơi ở Ngoại hạng Anh mùa 2025-2026.
Bóng đá nữ Việt Nam sẽ là chủ nhà tại ba giải đấu quan trọng trong năm 2025: vòng loại Giải vô địch nữ châu Á 2026 (bảng E), Giải vô địch U19 nữ Đông Nam Á và vòng loại Giải U20 nữ châu Á 2026.
0