Bang California tuyên chiến thuế quan của Tổng thống Trump
Trong một động thái pháp lý chưa từng có tiền lệ, Thống đốc bang California Gavin Newsom cùng Tổng chưởng lý Rob Bonta hôm 16/4 đã chính thức khởi kiện chính quyền của Tổng thống Donald Trump vì chính sách thuế quan mới. Vụ kiện mở ra một mặt trận chính trị – pháp lý mới giữa tiểu bang có nền kinh tế lớn nhất nước Mỹ và Nhà Trắng, với những hệ lụy có thể lan rộng từ phòng họp doanh nghiệp đến tòa án liên bang và bàn đàm phán quốc tế.
Vì sao California khởi kiện?
Bang California từ lâu đã là một trung tâm thương mại toàn cầu, với các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ tại Thung lũng Silicon, nông nghiệp xuất khẩu và dịch vụ sáng tạo. Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới của ông Trump – với mức áp thuế cao áp dụng rộng rãi lên hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc – đang gây ra những hệ lụy kinh tế nghiêm trọng cho tiểu bang.

Phát biểu tại buổi công bố vụ kiện, Thống đốc Gavin Newsom nêu rõ: “Các mức thuế quan bất hợp pháp của Tổng thống Trump đang gây hỗn loạn cho các gia đình, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế California — đẩy giá cả tăng cao và đe dọa việc làm. Chúng tôi hành động để bảo vệ các gia đình Mỹ. Không thể để tình trạng hỗn loạn này tiếp diễn”.
Tổng chưởng lý bang California Rob Bonta cho rằng, việc chính quyền Trump viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế (IEEPA) để áp đặt thuế là “lạm quyền”. IEEPA vốn được thiết kế để ứng phó với các đe dọa an ninh quốc gia, nhưng ông Trump lại sử dụng nó để biện minh cho hành động áp thuế, lấy lý do thâm hụt thương mại là một "tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Ông Bonta khẳng định: “Việc Tổng thống áp thuế quan một cách hỗn loạn và tùy tiện không chỉ tạo ra bất ổn nghiêm trọng mà còn là hành động vi phạm pháp luật”.
Vụ kiện lần này không chỉ phản ánh mâu thuẫn chính sách, mà còn là kết quả của một quá trình căng thẳng tích tụ giữa bang California và chính quyền Trump. Trong nhiều tháng qua, ông Newsom đã nhiều lần kêu gọi Nhà Trắng hỗ trợ thiên tai mà không được hồi đáp, đồng thời công khai chỉ trích chính sách nhập cư và môi trường của Tổng thống. Việc mở ra một mặt trận pháp lý mới về thương mại tiếp tục khoét sâu thêm ranh giới giữa tiểu bang "xanh" lớn nhất nước Mỹ và Nhà Trắng.

Doanh nghiệp ủng hộ thầm lặng, phản ứng dè dặt
Dù các ngành công nghiệp tại California – từ công nghệ, nông nghiệp đến vận tải – đều có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan, các tổ chức doanh nghiệp lại phản ứng rất thận trọng. Không có tiếng nói đồng thanh ủng hộ mạnh mẽ nào từ cộng đồng doanh nghiệp ngay sau tuyên bố kiện tụng của bang.
Phòng Thương mại California, một trong những tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng nhất tiểu bang, im lặng trước vụ kiện. Trong khi đó, các nhóm như Hiệp hội các nhà bán lẻ California, Goods Movement Alliance hay Hiệp hội trồng nho rượu vang đều chọn cách chỉ trích cả hai phía, thậm chí phê phán tiểu bang vì các chính sách nội bộ gây chi phí cao cho doanh nghiệp.
Bà Rachel Michelin, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ California, nhận định: “Những gì tiểu bang đang làm với các doanh nghiệp cũng giống như những gì Tổng thống Trump đang làm – đó là tăng chi phí”.

Tuy vậy, một số nhóm đã ngầm ủng hộ vụ kiện. Ông Mike Jacob – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Thương mại Thái Bình Dương – cho biết tổ chức này sẵn sàng cung cấp tài liệu và hỗ trợ pháp lý cho bang: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, ngành hàng hải và các đối tác trong vận chuyển hàng hóa sẵn sàng hỗ trợ để bảo vệ cơ sở hạ tầng, việc làm và nền kinh tế của chúng ta”.
Sự dè dặt của giới doanh nghiệp phản ánh tình thế khó xử: vừa lo ngại chính sách liên bang, vừa không muốn đối đầu với một Tổng thống đang tìm cách tái khẳng định quyền lực hành pháp trong một nhiệm kỳ đầy tranh cãi.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Vụ kiện sẽ được xét xử tại tòa án liên bang. Trọng tâm là xác định liệu Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế (IEEPA) có cho phép Tổng thống đơn phương áp thuế mà không thông qua Quốc hội hay không? Nếu tòa tuyên rằng hành động của ông Trump vượt thẩm quyền, đây sẽ là một phán quyết lịch sử, giới hạn lại quyền lực hành pháp trong thương mại quốc tế.

Đáng chú ý, California không đơn độc trong hành động pháp lý chống lại cuộc chiến thuế quan của chính quyền Trump. Một nhóm doanh nghiệp Mỹ hôm 14/4 cũng đã đệ đơn kiện riêng; nhiều bang khác như New York, Washington được dự báo có thể sẽ gia nhập, tạo thành liên minh pháp lý đa bang chống lại chính sách thuế quan hiện tại.
Mặt khác, không chỉ dừng ở pháp lý, Thống đốc bang California Newsom đang tìm cách xây dựng “liên minh chiến lược” với các quốc gia đối tác, khuyến khích họ không đánh thuế trả đũa vào các mặt hàng chủ lực của California như rượu vang, hạnh nhân, phim ảnh. Song song đó, ông cũng phát động chiến dịch thúc đẩy du lịch và thương mại để bù đắp thiệt hại tiềm tàng từ chính sách của ông Trump.
Tác động đến chính sách thương mại của ông Trump?
Nếu tòa án xác định rằng việc dùng Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế (IEEPA) để áp thuế là vượt quyền, phần lớn các mức thuế quan mới sẽ mất cơ sở pháp lý. Điều này có thể làm suy yếu đáng kể chiến lược bảo hộ thương mại mà ông Trump đang theo đuổi trong nhiệm kỳ thứ hai.
Ngay cả khi vụ kiện chưa được xét xử xong, việc bị thách thức bởi bang đông dân và giàu có nhất nước Mỹ sẽ khiến Nhà Trắng phải cân nhắc lại nhịp độ và cách thức thực hiện thuế quan. Việc một bộ phận doanh nghiệp không đồng lòng cũng là một tín hiệu cảnh báo cho đội ngũ hoạch định chính sách ở Washington.

Vụ kiện của California không chỉ gây tiếng vang trong nước, mà còn được các đối tác thương mại quốc tế theo dõi sát sao. Nó làm lộ rõ sự thiếu thống nhất trong chính sách kinh tế của Mỹ – một điểm yếu có thể bị khai thác trong các cuộc đàm phán thương mại. Đồng thời, vụ việc cũng làm nổi bật chia rẽ giữa các bang "xanh" và Nhà Trắng, mở ra thêm một mặt trận xung đột nội bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Thủ tướng Canada Mark Carney ngày 13/5 đã công bố nội các mới, với mục tiêu tập trung chủ yếu vào kinh tế và giúp xác định mối quan hệ mới giữa Ottawa với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử kiêm Thủ tướng Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman ngày 13/5 đã ký kết Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13/5 tuyên bố rằng, ông sẽ chỉ tham dự các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga về xung đột trong tuần này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Trump đã lên đường tới Ả rập Xê út, bắt đầu chuyến công du quốc tế đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 đã tới Ả rập Xê út, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du ba nước Trung Đông kéo dài bốn ngày.
Cảnh sát thủ đô London của Anh đã bắt giữ một người đàn ông 21 tuổi, bị tình nghi đốt phá nhằm gây nguy hiểm đến tính mạng trong vụ hỏa hoạn tại các khu nhà liên quan đến Thủ tướng nước này, Keir Starmer.
0