Chuyến tàu Thống Nhất - đất nước liền một dải

Đoàn tàu Thống Nhất không chỉ là phương tiện kết nối giao thông mà còn là một chứng nhân lịch sử, là nhịp cầu máu thịt nối liền hai miền Nam - Bắc.

Chuyến tàu Thống Nhất

Ngày 31/12/1976, hai con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát cùng giờ tại hai đầu Tổ quốc là ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Tại ga Hà Nội, hàng ngàn người dân Thủ đô nô nức chứng kiến thời khắc lịch sử khi chuyến tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên lăn bánh. Cờ, hoa và những nụ cười rạng rỡ trong không khí hân hoan. Cái tên “Thống Nhất” không chỉ là tên tàu, mà còn là biểu tượng cho giấc mơ non sông liền một dải, không còn phân ly, không còn chia cắt của dân tộc nay đã thành hiện thực.

Chuyến tàu Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội chở hơn 200 lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành lăn bánh. Những ký ức về chuyến tàu hôm đó trong ông Nguyễn Minh Quang (nguyên Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn Tự vệ đường sắt, Tổng cục Đường sắt Việt Nam) - một trong những người trực tiếp tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, vẫn in đậm trong tâm trí, như một dấu son không thể phai mờ.

Ông Quang chia sẻ: "Khi ấy ngồi trên toa tàu mà cảm giác như một ngày hội. Đoàn tàu ấy có những cán bộ học sinh đang tập kết ra Bắc, cũng có những chiến sĩ quân đội đã từng chiến đấu ở Việt Nam nay lại ngồi trên cùng một con tàu. Đất nước đã hoàn toàn thống nhất và hòa bình nên ai cũng có nhiều cảm xúc khác nhau".

Sau khi chiến tranh kết thúc, phải mất hơn một năm làm việc không kể ngày đêm của hơn 10 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội, đến cuối năm 1976, tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.730 km mới được nối liền. Chính vì vậy, chuyến tàu Thống Nhất đi đến đâu cũng đều nhận được sự chào đón nhiệt tình của đồng bào hai bên đường.

Ngày 4/1/1977, cả hai con tàu đã tới đích trong nụ cười, nước mắt của hàng vạn đồng bào, hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên sau ngày giải phóng. Sau 80 giờ lăn bánh, đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam đầu tiên tiến vào thành phố mang tên Bác. Những cái ôm, những giọt nước mắt ngày đoàn tụ, niềm vui sum họp của những người con sau 20 năm xa cách một lần nữa đã chứng minh: nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Núi có thể cạn, sông có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Gặp gỡ nhân chứng lịch sử

Dù đã 77 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Sang (nguyên trưởng tàu, phụ trách tổ tàu "Ba đảm đang") vẫn nhớ rõ kỷ niệm những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với chuyến tàu quân sự. Chuyến tàu khi ấy chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và tiếp nhận thương binh từ chiến trường ra Bắc để điều trị. Là người trưởng tàu khi mới vừa 20 tuổi, trước bom đạn của kẻ thù, bà Nguyễn Thị Sang luôn động viên, hỗ trợ chị em trong tổ tàu "Ba đảm đang" vượt qua khó khăn gian khổ; “Mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận giao thông vận tải”, tất cả vì tiền tuyến; tất cả vì miền Nam ruột thịt thân yêu.

Cũng giống nhưu bà Sang, thanh xuân của ông Trịnh Ngọc Hùng (cựu chiến binh Sư đoàn 471 Trường Sơn) và bà Nguyễn Thị Hạnh (cựu chiến binh tiểu đoàn Trưng Trắc) gắn liền với những năm tháng chiến tranh. Như nhiều thanh niên Thủ đô khác, năm 1970 khi vừa tròn 21 tuổi, ông Hùng xung phong ra mặt trận. Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà Hạnh nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Cả ông Hùng và bà Hạnh đều đi trên những chuyến tàu chở bộ đội và vật tư chi viện cho miền Nam. Hơn 50 năm kể từ ngày nhập ngũ, giờ đây ông Hùng, bà Hạnh được thăm lại chiếc tàu gắn với kỷ niệm một thời thanh xuân hừng hực khí thế.

Ông Hùng cho biết: "Trong thời chiến thì cái gì cũng có thể xảy ra. Một đoàn tàu đi vào con đường lộ thiên như thế sẽ không tránh khỏi việc bị kẻ thù rình rập và ngăn chặn đường tiếp tế. Từ Bắc vào Nam thường xuyên có máy bay trinh sát ngày đêm ném bom phá hoại đường. Có những đoạn bị bom địch đánh thì đoàn tàu phải dừng lại, lúc đó bộ đội tự trang bị, nấu cơm dọc đường, mắc võng tạm thời nghỉ chờ khắc phục xong thì chúng ta đi tiếp".

Hơn 50 năm đã đi qua, nhưng ký ức quý báu về những tháng ngày thanh xuân gắn liền với bom đạn chiến tranh, trên những chuyến tàu chi viện cho miền Nam vẫn sẽ đọng lại mãi trong tâm trí những người công nhân viên ngành đường sắt cũng như cựu chiến binh, những con người đã sẵn sàng đáp lại khi tổ quốc cần.

Cuộc hội ngộ từ con tàu Thống Nhất

Vào ngày 5/4 vừa qua, đoàn tàu đầu tiên trong tổng số 5 chuyến tàu đặc biệt đã chở theo hàng trăm cán bộ chiến sĩ, các lực lượng vũ trang từ miền Bắc và miền Trung vào TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị luyện tập cho chương trình diễu binh, diễu hành quy mô lớn.

Đây cũng là nơi chứng kiến nhiều những cuộc hội ngộ của các cán bộ chiến sĩ xa gia đình lâu năm. Nhờ chuyến tàu này họ đã được gặp nhau để động viên và tiếp thêm sức mạnh hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao.

Ngay khi cánh cửa toa tàu vừa mở ra, không khí như vỡ òa bởi những tiếng vỗ tay và những lời chào đón thân thương từ người dân Đồng Nai. Xúc động nhất là cuộc hội ngộ bất ngờ của đôi vợ chồng trẻ - Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, Sư đoàn Không quân 370 và Thiếu úy Bùi Thị Lan Trâm, Trung đoàn 935.

Sau hơn hai tháng xa cách vì chị Trâm ra Bắc luyện tập, cả hai không hề biết sẽ gặp lại nhau tại ga Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Giữa dòng người bước xuống tàu, họ nhận ra nhau trong khoảnh khắc ngỡ ngàng, rồi vỡ oà trong xúc động.

Thiếu úy Bùi Thị Lan Trâm chia sẻ: "Chúng em đều có quyết tâm rất cao trong đợt thực hiện nhiệm vụ quan trọng này và hứa sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chưa bao giờ em đi công tác lâu như vậy, khoảng hơn 2 tháng rồi, lần này em mới được gặp chồng. Và sau ít phút nữa em sẽ phải hành quân đến đơn vị đóng quân nên bây giờ cũng chỉ được gặp mặt chồng ít phút thôi".

Dù chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi giữa hành trình thực hiện nhiệm vụ, nhưng cuộc hội ngộ bất ngờ ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trẻ. Tình yêu, niềm tin và sự hy sinh lặng thầm - tất cả cùng hội tụ trên chuyến tàu Thống Nhất, nơi không chỉ chở theo con người, mà còn chở cả niềm tự hào và tinh thần gắn kết làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Ngành đường sắt chạy đoàn tàu Thống Nhất tái hiện lịch sử 

Ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu Thống nhất xuất phát cùng giờ, cùng ngày tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam mang theo khát khao hòa bình, hàn gắn và sum họp. Đến nay sau 50 năm, hai đoàn tàu ngày nào lại được tái hiện.

Để chuẩn bị cho ngày đặc biệt kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng trăm cán bộ công nhân viên của phân đoạn khám chữa, chỉnh bị toa xe cũng vì thế mà luôn bận rộn.

Khám từng con ốc, bu lông, lò xo, bình chứa nước thải vệ sinh... đó là công việc hàng ngày của phân đoạn khám chữa, chỉnh bị toa xe. Bởi nếu không phát hiện được lỗi kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của đoàn tàu.

Dịp cao điểm 30/4 dự kiến lên tới 40 đoàn một ngày và làm đêm là chính. Các tổ được bố trí phân công làm theo các ca khép kín để toàn bộ từng toa tàu đều được khám chữa chuẩn bị tốt nhất cả ngày lẫn đêm. Với hơn 120 lao động làm theo chế độ làm 12 tiếng/ca, việc kiểm tra chỉnh bị được tiến hành theo từng công đoạn, từ đón tàu về khám phát hiện kịp thời sau đó chuyển cho tổ sản xuất làm nhiệm vụ sửa chữa dưới sự giám sát của các cán bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn chạy tàu trước khi xuất phát.

Tới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức chạy một đôi tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” được thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của sự kiện lịch sử. Tối ngày 29/4, tàu SE1 sẽ xuất phát ga Hà Nội và SE4 xuất phát ga Sài Gòn. Hai đoàn tàu sẽ gặp nhau đúng lúc 12h trưa ngày 30/4 tại ga Đà Nẵng.

Sau đoàn tàu Thống nhất Bắc - Nam đầu tiên ấy, giờ đây ngành đường sắt đã có những bước phát triển nhanh chóng, mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu khởi hành, trong đó có những đoàn tàu hiện đại, tiện nghi với hành trình Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh rút ngắn chỉ còn 29 giờ. Đối với cán bộ công nhân viên phân đoạn khám chữa, chỉnh bị, những ngày này lại càng phải tập trung hơn nữa, đặc biệt đối với những toa tàu cận ngày 30/4-1/5.

Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo khởi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ngay trong năm 2026. Như vậy, đúng 50 năm sau chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên, một lần nữa, con tàu lại trở thành biểu tượng cho khát vọng vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần bất khuất, anh dũng của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các chiến sĩ lực lượng Phòng không - Không quân.

Nhân dịp cả nước hướng tới Đại lễ 30/4, cùng gặp gỡ nhân chứng lích sử, cựu binh Nguyễn Văn Thiện - người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, cũng là chủ nhân của một cuốn nhật ký chiến trường tưởng như đã thất lạc vĩnh viễn.

Trận địa pháo hoa đặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã hoàn tất công tác lắp đặt, chuẩn bị khai hỏa vào lúc 21h45 tối nay (27/4).

Lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tổ chức tại TP.HCM trong hôm nay, 27/4, sau hai buổi tổng hợp luyện và một buổi sơ duyệt cấp Nhà nước.

Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là dịp thể hiện tình hữu nghị, hợp tác quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, đã có ba quốc gia gửi quân đội đến tham gia lễ diễu binh tại Việt Nam, trong đó có quân đội nước Lào.

Việc khắc phục tồn tại PCCC của nhiều cơ sở nhà trọ và chung cư mini ở Hà Nội hiện còn chậm, tồn tại những khó khăn đặc trưng cần được cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý.