Thương vụ sáp nhập giữa Nippon Steel và US Steel đổ bể
Tương lai mờ mịt
US Steel - Công ty sản xuất thép biểu tượng của Mỹ trong thời kỳ công nghiệp hóa, thời gian gần đây liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh yếu kém. Điều này khiến US Steel phải cân nhắc bán cho Công ty Nippon Steel của Nhật Bản.
Tuy nhiên, thương vụ trên đã vấp phải rất nhiều rào cản từ giới chức Mỹ, cũng như nghiệp đoàn nước này.
Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đình chỉ vụ sáp nhập trị giá gần 15 tỷ USD, với lý do thương vụ sẽ đặt một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ vào sự kiểm soát của nước ngoài, gây rủi ro với an ninh quốc gia và chuỗi cung ứng quan trọng.
Quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ giáng một đòn mạnh vào tham vọng mở rộng thị trường của Nippon Steel, đẩy tương lai của thỏa thuận này trước viễn cảnh mờ mịt, mà còn làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng các công ty nước ngoài sẽ ngại rót vốn đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
US Steel từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp nặng của Mỹ trong thế kỷ XX, đồng thời là công ty đạt giá trị 1 tỷ USD đầu tiên của nước này vào năm 1901. Từ thời kỳ đỉnh cao, công ty bắt đầu tụt hậu so với các đối thủ mới nổi, cả trong và ngoài nước. US Steel bắt đầu rao bán công ty vào năm 2023.
Chỉ sau đó vài tháng, Công ty thép Nhật Bản Nippon Steel đã nhất trí mua lại US Steel với giá 14,9 tỷ USD, cao hơn 40% so với giá cổ phiếu US Steel tại thời điểm đó.
Truyền thông Mỹ đã ca ngợi Nippon Steel như một “đấng cứu thế” đối với US Steel, xuất hiện vào đúng thời điểm mà công ty này đang gặp khó khăn. Nippon Steel hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ tư thế giới, US Steel có quy mô đứng thứ 24. Thương vụ, nếu hoàn tất, sẽ tạo ra nhà sản xuất thép lớn thứ ba toàn cầu. Tuy nhiên, vụ sáp nhập đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ ở Mỹ. Các chính trị gia Mỹ từ cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đồng loạt lên tiếng chỉ trích việc một “đế chế” công nghiệp 123 năm tuổi của Mỹ có thể bị thâu tóm bởi một công ty nước ngoài.
Như tôi đã nói nhiều lần, sản xuất thép và công nhân ngành thép là xương sống của đất nước chúng ta. Một ngành công nghiệp thép thuộc sở hữu của nước Mỹ và do người Mỹ vận hành là sự thể hiện mối ưu tiên thiết yếu về an ninh quốc gia và rất quan trọng đối với sự bền vững của chuỗi cung ứng. Đó là lý do tôi đang hành động để chặn thương vụ này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Quyết định đình chỉ thương vụ giữa Nippon Steel và US Steel không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia. Hồi tháng 12/2024, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ - cơ quan xem xét các vụ sáp nhập và mua lại các công ty Mỹ của các thực thể nước ngoài - đã không đạt được đồng thuận về việc có nên chấp thuận thỏa thuận giữa hai gã khổng lồ ngành thép hay không và chuyển quyền quyết định cho Tổng thống Joe Biden, người sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng 1.
Ủy ban do Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đứng đầu, đã cảnh báo rằng thương vụ có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng thép của Mỹ, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng nặng nề đến các ngành giao thông vận tải và năng lượng. Ủy ban này còn cho rằng thỏa thuận sẽ phá hỏng nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá thép giá rẻ từ Trung Quốc. Ngoài ra, theo tờ The Washington Post, một số ý kiến lo ngại Nippon Steel có thể chuyển hoạt động sản xuất sang các địa điểm tại Brazil, Mexico và Ấn Độ sau khi giành được quyền kiểm soát US Steel.
Trước diễn biến này, US Steel và Nippon Steel đã đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ. Nippon Steel lập luận rằng việc mua lại US Steel sẽ giúp khôi phục ngành công nghiệp Mỹ, qua đó mang lại lợi ích cho người lao động nước này. Trong nỗ lực cuối cùng để cứu vãn thỏa thuận, Nippon Steel đã đề xuất trao cho Washington quyền quyết định trong bất kỳ đợt cắt giảm sản lượng tiềm năng nào, hứa hẹn sẽ đầu tư đáng kể vào các cơ sở và nhân viên của US Steel để “đảm bảo tương lai tươi sáng cho ngành sản xuất thép Mỹ”.
Quyết định của Tổng thống Biden không dựa trên việc xem xét từ góc độ an ninh quốc gia. Bằng cách làm rõ vấn đề này, tôi tin rằng Nippon Steel có khả năng thắng kiện.
Ông Eiji Hashimoto, Tổng Giám đốc điều hành Nippon Steel.
Về phần mình, US Steel tuyên bố, quyết định của Tổng thống Biden khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn. US Steel sẽ buộc phải đóng cửa một số nhà máy nếu không có khoản đầu tư gần 3 tỷ USD từ Nhật Bản. Giá cổ phiếu của US Steel giảm 6,5%. Giá trị vốn hóa thị trường của US Steel hiện còn chưa đầy 6,9 tỷ USD.
Sóng gió quan hệ thương mại Mỹ - Nhật Bản
Quyết định của Tổng thống Joe Biden nhằm ngăn chặn việc Nippon Steel mua lại US Steel đã làm dấy lên căng thẳng giữa Mỹ và Nhật Bản, một đồng minh lâu năm của Washington ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng không phải là lần đầu tiên hai bên mâu thuẫn về thương mại và đầu tư trong nhiều thập kỷ qua. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã kêu gọi chính phủ Mỹ chấp thuận vụ sáp nhập để tránh làm suy yếu mối quan hệ song phương. Trong khi đó, các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng được cho là đã cố gắng thuyết phục ông Biden đồng ý thỏa thuận vì đây sẽ là khoản đầu tư đáng kể vào một công ty Mỹ đang gặp khó khăn, còn Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngay lập tức có chuyến thăm Tokyo để tìm cách xoa dịu những bất đồng.
Trong chuyến thăm Tokyo, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhấn mạnh đến sức mạnh của liên minh Nhật Bản - Mỹ, nêu bật các khoản đầu tư chung giữa hai hai bên. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản, bao gồm cả Thủ tướng Shigeru Ishiba, đã bày tỏ lo ngại rằng việc từ chối thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai của Nhật Bản vào Mỹ.
Chúng tôi đã nghe nói về những lo ngại liên quan tới các khoản đầu tư giữa Nhật Bản và Mỹ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ chính phủ Mỹ thực hiện các biện pháp để dập tắt những lo ngại như vậy.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Nhật Bản là đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, kể từ sau Thế chiến thứ hai. Những năm qua, Mỹ đã thúc giục Nhật Bản tăng cường năng lực quốc phòng trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Một số nhà phê bình cho rằng việc từ chối lời đề nghị của Nippon Steel đồng nghĩa với việc Nhật Bản ngang hàng với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, làm rạn nứt lòng tin giữa hai quốc gia.
Về quan hệ thương mại, cả Tổng thống Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump đều ủng hộ thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu để bảo vệ các nhà sản xuất của Mỹ. Trong các cuộc đàm phán thương mại trước đây, Nhật Bản đều mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài, thúc đẩy đầu tư vào các nhà máy của Mỹ và tạo việc làm. Do đó, việc từ chối thỏa thuận giữa Nippon Steel và US Steel sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản, cân nhắc kỹ hơn về việc dành nguồn lực cho các hoạt động mua bán và sáp nhập hoặc đầu tư vào các công ty Mỹ.
Động thái này tiếp tục cho thấy Mỹ đang tăng cường chủ nghĩa bảo hộ trong thương mại. Trước đó là với ngành công nghiệp bán dẫn và sản xuất ô tô. Dự báo, các công ty Nhật Bản có thể lặng lẽ rút khỏi thị trường Mỹ, qua đó ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai bên.
Ông Hidetoshi Tashiro - Chuyên gia kinh tế, Công ty tư vấn đầu tư Infinity LLC.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, việc ngăn chặn thỏa thuận Nippon Steel - US Steel tiềm ẩn mục đích chính trị. Nguyên nhân là bởi, dù chính phủ Mỹ phản đối việc công ty Nhật Bản mua hãng thép Mỹ nhưng gần đây lại hoan nghênh khoản đầu tư 100 tỷ USD từ Tập đoàn Nhật Bản Softbank vào Mỹ, trong đó có khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực được cho là có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều đối với an ninh quốc gia. Dù mục đích sâu xa là gì, thì giới phân tích nhận định rằng, việc Mỹ tuyên bố thỏa thuận giữa Nippon Steel và US Steel gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia sẽ dẫn tới sự thất vọng lâu dài ở Nhật Bản.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Mỹ hiện là quốc gia phát triển duy nhất có nhu cầu thép tăng trưởng, với giá thép ở Mỹ hiện cao nhất thế giới do năng lực sản xuất không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Do đó, Công ty thép Nhật Bản Nippon Steel trước mắt có lẽ chưa thể từ bỏ kế hoạch thâu tóm US Steel. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn chưa rõ ràng. Những kịch bản nào có thể xảy ra với thương vụ gây nhiều tranh cãi này? Nippon Steel có thể kiện chính phủ Mỹ, một công ty khác có thể tranh thủ cơ hội để mua US Steel, hay những thành viên Đảng Cộng hòa – vốn ủng hộ vụ sáp nhập có thể gây sức ép để Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chấp thuận thỏa thuận sau khi nhậm chức vào cuối tháng này.
Sau quyết định của Tổng thống Joe Biden yêu cầu US Steel và Nippon Steel từ bỏ thỏa thuận sáp nhập trong vòng 30 ngày, hai công ty này đã ra tín hiệu rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi thương vụ. Với quyết định này, theo đuổi cuộc chiến pháp lý và đưa vụ việc ra tòa là một lựa chọn.
Nippon Steel cho biết quyết định chặn thỏa thuận khiến họ “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện mọi hành động thích hợp để bảo vệ các quyền hợp pháp của mình.” Tuy nhiên, Nippon Steel không thể nộp đơn khiếu nại quyết định của Tổng thống Biden. Công ty này chỉ có thể thực hiện hành động pháp lý chống lại quy trình thẩm định mà Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ sử dụng để ban hành các cảnh báo và hướng dẫn, mà ông Biden đã dựa vào để ra quyết định của riêng mình.
Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, trong một lá thư gửi Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ hồi tháng 12/2024, Nippon Steel đã cáo buộc Nhà Trắng gây ảnh hưởng đến quá trình thẩm định. Theo Nippon Steel, Nghiệp đoàn lao động ngành thép- đặt trụ sở ở bang chiến địa Pennsylvania, đã gây sức ép đối với giới lãnh đạo Mỹ vì họ có thể tác động đến cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.
Lịch sử Mỹ đã từng có tiền lệ về một công ty nước ngoài thắng kiện để đảo ngược lệnh chặn mua do Nhà Trắng ban hành. Song các chuyên gia pháp lý nhận định khả năng thành công của Nippon Steel là không cao.
Ngay cả khi thắng kiện, quá trình này có thể kéo dài nhiều năm, làm chậm đáng kể chiến lược mở rộng toàn cầu của công ty Nhật Bản.
Một lựa chọn khác là Nippon Steel có thể thay đổi các chi tiết của vụ sáp nhập. Thay vì mua toàn bộ US Steel, tập đoàn này có thể mua một số cổ phiếu và thành lập liên minh. Điều đó có nghĩa là Nippon Steel vẫn có thể theo đuổi việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ, nơi dự kiến sẽ có nhu cầu vững chắc trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, lựa chọn đó vẫn phải tuân theo đánh giá của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, nghĩa là không chắc chắn sẽ có một thỏa thuận thành công. Trong khi đó, US Steel sẽ đứng trước viễn cảnh “chia năm xẻ bảy”, bán tháo từng phần.
Một kịch bản tươi sáng hơn là thỏa thuận này có thể trở lại một cách kỳ diệu sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Trong trường hợp như vậy, ông Trump sẽ cần phải hủy bỏ lệnh. Tuy nhiên, điều này có vẻ không có khả năng xảy ra vì ông Trump đã lên tiếng phản đối thỏa thuận này trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhưng ban lãnh đạo của Nippon Steel, cho biết thỏa thuận này gần với các chính sách đã nêu của ông Trump, bao gồm việc tăng cường sản xuất tại Mỹ, vì Nippon Steel đang có kế hoạch giúp US Steel đầu tư nhiều hơn vào các nhà máy tại Mỹ.
Một kịch bản khác cũng được các chuyên gia nhắc đến là câu chuyện Tập đoàn thép Cleveland - Cliffs có trụ sở tại bang Ohio đã đề nghị mua US Steel vào năm 2023 và chỉ từ bỏ sau khi Nippon Steel công bố thỏa thuận sáp nhập vào tháng 12 năm đó. Nếu được khôi phục, mối quan hệ hợp tác giữa hai tập đoàn thép của Mỹ sẽ ít gặp phải sự phản đối ở Washington và có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của Nghiệp đoàn lao động ngành thép, những người từng chấp thuận lời đề nghị ban đầu của Cleveland - Cliffs.
Tổng Giám đốc điều hành của Cleveland - Cliffs, Lourenco Goncalves, cho biết ông vẫn quan tâm đến US Steel. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo Cleveland - Cliffs sẽ đưa ra lời đề nghị thứ hai, vì gần đây công ty đã hoàn tất thương vụ mua lại nhà sản xuất thép Canada Stelco trị giá gần 3 tỷ đô la.
Bằng cách chặn thương vụ thâu tóm của Công ty thép Nhật Bản Nippon Steel, chính phủ Mỹ đang muốn gửi tới các nhà đầu tư quốc tế khác thông điệp rằng họ có thể phải đối mặt với các rào cản về chính trị và pháp lý khi đấu thầu các công ty biểu tượng của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành thép Mỹ do thiếu vắng sự hợp tác giữa các công ty trong và ngoài nước để giảm chi phí sản xuất, cải thiện công nghệ. Thêm vào đó, động thái của Mỹ có thể mở đường cho chính phủ các nước khác, trong đó có Nhật Bản đưa ra các biện pháp đáp trả, bao gồm việc áp dụng thuế quan để bảo vệ ngành thép nội địa, từ đó tác động đến các mối quan hệ thương mại quốc tế khác.


Vụ không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan ngày 7/5 cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang leo thang nhanh chóng, bất chấp các lời kêu gọi kiềm chế từ quốc tế.
Một chiếc bánh cưới robot có hình những chú gấu bông biết nhảy, cùng những cục pin có thể ăn được, đã được sáng tạo bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ và Italia kết hợp với các nhà nghiên cứu ẩm thực đại học Lausane.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại một lần nữa bùng phát dữ dội. Rạng sáng 7/5, New Delhi đã phát động chiến dịch không kích mang tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm vào các mục tiêu được cho là “trại huấn luyện khủng bố” ở Pakistan.
Trước lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5, Nga đang triển khai loạt biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhằm bảo vệ thủ đô Moscow khỏi nguy cơ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và các mối đe dọa khác.
12 thí sinh đã cùng tranh tài trong cuộc thi độc đáo mang tên “leo tháp giành bánh bao” nửa đêm vào ngày 6/5, tại đảo Trường Châu ở ngoài khơi Hong Kong, Trung Quốc.
Dòng sông Neva của nước Nga đã trở thành sân khấu cho những màn trình diễn ngoạn mục của những con tàu biển khổng lồ, trong lễ hội phá băng thường niên ở St. Petersburg.
0