Nga, Mỹ bắt đầu đàm phán về đất hiếm
“Kim loại đất hiếm là một lĩnh vực hợp tác quan trọng và tất nhiên, chúng tôi đã bắt đầu thảo luận về nhiều kim loại đất hiếm và các dự án khác nhau tại Nga”, ông Kirill Dmitriev nói với tờ báo Izvestia của Nga.
Ông Dmitriev, một thành viên trong nhóm đàm phán của Nga tại các cuộc đàm phán với các quan chức Mỹ tại Saudi Arabia vào tháng 2 cũng cho biết, một số công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến các dự án, tuy nhiên, ông không đi sâu vào chi tiết hơn.
Izvestia đưa tin rằng, hợp tác trong lĩnh vực này có thể được thảo luận thêm tại vòng đàm phán tiếp theo giữa Nga và Mỹ có thể diễn ra trong vài tuần nữa tại Saudi Arabia.

Vào tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi ý rằng, Mỹ có thể quan tâm đến việc thăm dò chung các mỏ kim loại đất hiếm tại Nga, quốc gia có trữ lượng lớn thứ năm thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/3 nói rằng, Mỹ sẽ sớm ký một thỏa thuận về khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên với Ukraine. Kiev dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký một thỏa thuận nếu muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Tổng thống Trump đã tuyên bố, bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ cho phép Mỹ thu hồi hàng trăm tỷ USD viện trợ quân sự mà Washington đã chi cho Kiev. Ukraine muốn thỏa thuận bao gồm các bảo đảm an ninh dài hạn của Mỹ để bảo vệ đất nước trước các cuộc tấn công có thể xảy ra sau khi xung đột kết thúc. Nhưng các chi tiết cụ thể của thoả thuận vẫn đang được đàm phán và cho đến nay Mỹ đã ra tín hiệu rằng, họ sẽ không cung cấp các bảo đảm an ninh đáng kể cho Ukraine như một phần của thỏa thuận.
Đất hiếm, có hiếm không?
Với những cái tên như dysprosi, neodymi và xeri, đất hiếm là một nhóm gồm 17 kim loại, phần lớn là kim loại nặng, thực sự có nhiều trong lớp vỏ Trái Đất trên toàn cầu.
Trong đánh giá năm 2024, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính có 110 triệu tấn đất hiếm trên toàn thế giới, bao gồm 44 triệu tấn ở Trung Quốc, quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, còn có 22 triệu tấn ở Brazil, 21 triệu tấn ở Việt Nam, trong khi Nga có 10 triệu tấn và Ấn Độ có 7 triệu tấn.
Nhưng việc khai thác đất hiếm đòi hỏi phải sử dụng nhiều hóa chất, tạo ra lượng lớn chất thải độc hại và gây ra một số thảm họa môi trường, khiến nhiều quốc gia lo ngại về việc phải gánh chịu chi phí sản xuất đáng kể.

Đất hiếm thường được tìm thấy ở dạng quặng có nồng độ nhỏ, nghĩa là cần phải xử lý một lượng lớn đá để tạo ra sản phẩm tinh chế, thường ở dạng bột.
Vì sao ông Trump lại muốn có đất hiếm?
Mỗi loại trong số 17 loại đất hiếm đều được sử dụng trong công nghiệp và có thể được tìm thấy trong nhiều loại thiết bị hàng ngày và công nghệ cao, từ bóng đèn đến tên lửa dẫn đường.
Europium được sử dụng trong hệ thống đèn huỳnh quang và radar; xeri được sử dụng để đánh bóng kính và trong bộ chuyển đổi xúc tác ô tô; muối lanthanum được sử dụng trong lọc dầu trong khi hợp kim với lanthanum được sử dụng trong hệ thống điện của xe hybrid và xe chạy bằng khí hydro. Danh sách các sản phẩm sử dụng đất hiếm trong nền kinh tế hiện đại gần như vô tận.
Và tất cả đều có những đặc tính riêng biệt gần như không thể thay thế hoặc chỉ có thể thay thế với chi phí rất đắt đỏ.
Ví dụ, neodymium và dysprosi cho phép chế tạo các nam châm siêu mạnh, gần như vĩnh cửu và ít cần bảo trì, giúp việc lắp đặt các tua-bin gió đại dương để tạo ra điện ở xa bờ biển trở nên khả thi.
Tổng thống Donald Trump cho biết, ông muốn đạt được thỏa thuận, trong đó Kiev đảm bảo nguồn cung cấp đất hiếm để đổi lấy viện trợ của Mỹ, một ý tưởng được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra vào năm ngoái.
Đất hiếm trên thế giới đến từ đâu?
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tận dụng tối đa trữ lượng đất hiếm của mình bằng cách đầu tư mạnh vào các hoạt động tinh chế.
Trung Quốc cũng đã nộp một số lượng lớn bằng sáng chế về sản xuất đất hiếm, một trở ngại đối với các công ty ở các quốc gia khác đang hy vọng triển khai hoạt động chế biến trên quy mô lớn.
Kết quả là, trong khi nhiều quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm rất dồi dào, nhưng nhiều công ty nhận thấy vận chuyển quặng chưa qua chế biến sang Trung Quốc để tinh chế sẽ rẻ hơn, từ đó củng cố thêm sự phụ thuộc của thế giới vào đất hiếm.

Phần lớn nguồn cung đất hiếm cho Mỹ và EU đến từ Trung Quốc, nhưng cả hai đều đang cố gắng thúc đẩy sản xuất của riêng mình và tái chế tốt hơn những gì họ sử dụng để giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ có thể bị cắt giảm để trả đũa các biện pháp của Mỹ. Nhật Bản đã tận mắt chứng kiến nỗi đau của việc cắt giảm vào năm 2010, khi Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm do xung đột lãnh thổ.
Kể từ đó, Tokyo đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp bằng cách ký hợp đồng với Tập đoàn Lynas của Australia để sản xuất tại Malaysia.
Đất hiếm khác với “khoáng chất quan trọng” như thế nào?
Đất hiếm nằm trong số các nguyên tố được coi là khoáng sản quan trọng ở Mỹ, nhưng không phải là toàn bộ danh sách.
Trong số các biện pháp mà Bắc Kinh công bố để đáp trả việc Mỹ áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc là kiểm soát xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng, mặc dù không có loại nào trong số đó là đất hiếm.
Bộ Thương mại và Cục Hải quan Trung Quốc cho biết, nước này đang áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với vonfram, tellurium, bismuth, molypden và indium để “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.
Vonfram, tellurium, bismuth và indium được Cục Khảo sát Địa chất Mỹ chỉ định là khoáng sản quan trọng, những vật liệu thiết yếu cho công nghệ tiên tiến, năng lượng sạch và an ninh quốc gia.


Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.
Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.
Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.
Lực lượng vũ trang Iran đã tổ chức diễu binh trên phạm vi toàn quốc để kỷ niệm Ngày Quân đội vào ngày 18/4.
0