Làm thú nhồi bông ở Hát Môn

Từ những mảnh vải vụn, sợi bông, qua bàn tay của những người thợ xã Hát Môn đã trở thành những con thú nhồi bông đáng yêu, đầy màu sắc.

Song hành với nghề may truyền thống ở Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ trước đây), nay là xã Hát Môn, nhiều năm qua nơi đây được biết đến như “kinh đô” của thú nhồi bông. Sản phẩm thú nhồi bông của xã Hát Môn được bày bán ở khắp các con phố của Hà Nội và các cửa hàng lưu niệm trên toàn miền Bắc.

Cho đến nay, người dân xã Hát Môn vẫn duy trì công việc này như một cách để lưu giữ và phát triển kinh tế cho các hộ gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hà ở xã Hát Môn đã theo nghề may thú nhồi bông hơn hai chục năm nay. Ngày nào cũng vậy, xưởng may của ông Hà luôn nhộn nhịp từ sáng.

Ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ: "Tôi làm nghề này được khoảng 22 năm rồi. Những năm đầu, công nghệ chưa có, máy móc chưa được như bây giờ. Đến nay, máy móc rất hiện đại, tự cắt chỉ, chuyên thêu các mắt và chi tiết của con gấu bông. Mỗi người mỗi việc, mình chỉ đạo cho họ làm".

Anh Nguyễn Minh Dương, con trai ông Hà là người phụ trách công đoạn thêu chi tiết trên thú nhồi bông. Đây là một khâu quan trọng để có thể tạo nên thần thái cho sản phẩm.

"Theo nghề này, ngoài phát triển kinh tế gia đình, chúng tôi cũng tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công, gồm: người già, người khuyết tật, có cả những người câm điếc... đến đây để làm ở xưởng" - ông Hà chia sẻ thêm.

Chị Nguyễn Thanh Hương (phường Từ Liêm) là một khách quen của nhà ông Hà. Thi thoảng chị lại ghé qua để tìm nguồn sản phẩm cho cửa hàng quà tặng của mình.

Ở xã Hát Môn, xưởng của ông Trần Huy Hoa cũng là nơi sản xuất thú nhồi bông có tiếng ở làng bởi kỹ thuật may, thiết kế cũng như quy trình sản xuất chất lượng.

Những chú gấu bông ngộ nghĩnh, những chú chó con đáng yêu, hay những nhân vật hoạt hình sống động dần thành hình dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ nơi đây.

Không giống như các nghề truyền thống, nghề thú nhồi bông mới xuất hiện vài chục năm trở lại đây, nên những người trẻ như anh Trần Hoài Nam - con trai ông Hoa cũng đã sớm nắm bắt công việc và phát triển nghề của gia đình theo những quy trình công nghệ hiện đại và bền vững hơn.

Mỗi ngày, hàng trăm sản phẩm thú nhồi bông được ra đời từ ngôi làng yên bình này - một minh chứng sống động cho sự sáng tạo và nhiệt huyết của người dân làng nghề.

Từ những mảnh vải vụn, sợi bông, qua bàn tay của những người thợ đã trở thành những con thú nhồi bông đáng yêu, đầy màu sắc, là món quà tặng ý nghĩa đem  đến niềm vui cho biết bao người.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời