Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt đô thị
Sáng ngày 17/1, UBND thành phố Hà Nội và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức “Hội thảo khoa học về phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh”. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, đồng chủ trì Hội thảo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước. các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Tạo đột phá phát triển mạng lưới đường sắt đô thị
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, cùng với xu thế phát triển, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là đối với các đô thị lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) được coi là trục “xương sống” của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân. Từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.
Với mục tiêu, nghiên cứu các giải pháp, hoàn thiện cơ chế, chính sách; tìm hiểu, học tập những kinh nghiệm, phương thức mới, “đột phá” nhằm triển khai đồng bộ và sớm hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng sự nhu cầu và mong mỏi của người dân hai thành phố, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cũng nhấn mạnh, Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với Thành phố Hồ Chí Minh với một khối lượng lớn công việc về đường sắt đô thị, thông qua hội thảo hai thành phố sẽ cùng rút kinh nghiệm, đề xuất với trung ương các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn liên quan. “Để thực hiện mục tiêu tại Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đòi hỏi hai thành phố phải quyết tâm lãnh đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá trên các lĩnh vực liên quan; cần có sự phối hợp triển khai chặt chẽ và hiệu quả trong: Quy hoạch, chỉnh trang đô thị gắn với TOD, huy động nguồn lực, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, kể cả khu phụ cận để triển khai TOD, về việc lựa chọn công nghệ, về mô hình tổ chức, quản lý và triển khai các dự án Metro…”

Tại hội thảo, bên cạnh các tham luận về các vấn đề trong thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo đã chia sẻ về mô hình TOD trong phát triển đường sắt đô thị ở góc độ toàn cầu, góc độ các quốc gia, thành phố đã áp dụng rất thành công trên Thế giới.
Kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt đô thị
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển đường sắt đô thị, ông Sakaki Shigeyuki - đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, TOD là một chiến lược quy hoạch và thiết kế, tập trung vào việc tạo ra mô hình phát triển đô thị thuận lợi cho việc sử dụng giao thông công cộng, hỗ trợ xây dựng cộng đồng sinh sống sôi nổi, đa dạng và thú vị.
Ông Sakaki Shigeyuki, đại diện ngân hàng thế giới cho biết : TOD cũng khó có thể thực hiện được nếu có sự kết hợp cải thiện của từng cơ sở riêng lẻ. Quy hoạch tổng thể hoặc tái thiết đô thị, đặc biệt là các khu vực xung quanh đầu mối giao thông công cộng cần có sự điều chỉnh về mật độ; kế hoạch sử dụng đất… để tối ưu khả năng cung cấp không gian công cộng bằng nguồn lực tư nhân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này, thời gian tới, thành phố cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp.
Ông Andy Hodgson, Giám đốc Khối tư vấn toàn cầu - Arup (Singapore) đánh giá: Việc quy hoạch hệ thống đường sắt, không chỉ kết nối từ địa điểm này đến địa điểm khác, mà quy hoạch hệ thống đường sắt cần được bổ trợ bởi các chính sách khác khuyến khích người dân sống, học tập, làm việc, vui chơi giải trí tại các khu vực quanh các trục đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, Thành phố cần đảm bảo rằng quy hoạch, chính sách phát triển phải đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư tham gia cùng xây dựng hệ thống. Điều đó có nghĩa là bài toán tài chính, kinh tế trong những quy hoạch này phải được tiến hành một cách thực tế, thuyết phục.
Là quốc gia phát triển sớm và thành công mô hình TOD dựa trên đường sắt đô thị từ đầu thế kỷ 20, bài học của Nhật Bản trong hơn một thế kỷ qua cho thấy đường sắt đô thị giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm kẹt xe và phát thải, tiết kiệm thời gian, đẩy giá trị bất động sản lên cao.
Ông Shimizu - Giám đốc phòng kinh doanh quốc tế, Công ty TNHH Tokyo Metro Nhật Bản chia sẻ: "Chúng tôi chú trọng tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến ĐSĐT, và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó. Điều quan trọng là tạo ra sự liên kết giữa bên sở hữu đất với đơn vị kinh doanh đường sắt đô thị và đơn vị phát triển như thế nào. Nếu phương châm và tương lai phát triển dọc tuyến đường sắt không được chia sẻ giữa tất cả các tổ chức và bên liên quan, thì mỗi dự án sẽ được xây dựng riêng lẻ, dẫn đến thiếu tính gắn kết."

TOD đã và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, đây vẫn còn là một mô hình mới mẻ tại nước ta. Các kiến nghị, đề xuất tại hội thảo góp phần cung cấp thông tin, kinh nghiệm quốc tế cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cùng các cơ quan hữu quan, để thực hiện thành công hệ thống giao thông công cộng, phát triển đô thị theo định hướng TOD chất lượng cao, giúp định hình lại diện mạo của đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.


17 xã và 1 thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ trong hai ngày 19 và 20/4 đã đồng loạt lấy ý kiến nhân dân về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Hệ thống 600 cụm camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt phương án thi tuyển kiến trúc cầu Ngọc Hồi nối huyện Thanh trì và tỉnh Hưng Yên.
Đến nay 100% các xã trên địa bàn huyện Ba Vì đã thực hiện xong việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tên gọi các xã mới.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng thực hiện các dự án trụ sở chưa khởi công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành thành quyết toán các dự án trụ sở đã hoàn thành hoặc đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Ban quản trị, ban quản lý tòa nhà chung cư SDU (143 Trần Phú, Hà Đông, TP. Hà Nội) đã phối hợp với Công ty nước sạch Hà Đông để khắc phục sự cố nước bẩn, cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân trong quá trình triển khai cải tạo bể ngầm.
0