Gỡ rào cản để phát triển nhà ở xã hội | Hà Nội tin mỗi chiều

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 để gỡ hàng loạt vướng mắc về thủ tục, pháp lý, cơ chế tài chính trong phát triển nhà ở xã hội. Lần này, có vẻ sự sốt ruột đã thực sự đến từ cấp cao nhất.

Theo Nghị quyết 68, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì sửa đổi các nghị định liên quan, đặc biệt là rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, từ khâu xác định nhu cầu, đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư. Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì tháo gỡ các khó khăn trong cho vay ưu đãi. Còn Bộ Tài chính thì phải xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội.

Lần này, không còn câu chuyện “Bộ tôi không phụ trách phần đó”, mà là yêu cầu phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, để đạt mục tiêu rất rõ: thúc đẩy xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Nhìn lại, đây là con số đã được đưa ra từ năm 2021. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ mới có hơn 40.000 căn được hoàn thành – chưa đến 5%. Vậy nên, Nghị quyết 68 lần này chẳng khác nào một bản kiểm điểm sớm của chính sách, cũng là hồi chuông thúc đẩy hành động cụ thể hơn.

Điểm đáng nói là: vấn đề không nằm ở thiếu quy định, mà ở sự chồng chéo và bất cập giữa các quy định hiện có. Ví dụ như việc xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, quy định một đằng địa phương xác nhận một nẻo. Hay chuyện miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội: luật đã có, nhưng triển khai rất khó khăn. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phản ánh rằng, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp hơn cả dự án thương mại.

Còn người dân – những người được xem là "đối tượng thụ hưởng" – thì lại rơi vào cảnh vừa thiếu thông tin, vừa khó tiếp cận vốn vay, chưa kể đến việc điều kiện quá ngặt nghèo. Căn nhà đáng lẽ là sự an tâm, giờ lại là một hành trình xin giấy tờ.

Về bản chất, nhà ở xã hội không phải là "bố thí" của Nhà nước, càng không phải một dạng nhà từ thiện. Nó là chính sách kinh tế xã hội có tác động dài hạn: giúp giữ chân lực lượng lao động tại đô thị, ổn định thị trường bất động sản và giảm áp lực lên nhà ở giá rẻ. Muốn vậy, không thể mãi để chính sách nằm trên giấy. Doanh nghiệp cần cơ chế đủ hấp dẫn để dám đầu tư. Người dân cần thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Quan trọng nhất, các bộ ngành, địa phương cần đồng thuận và hành động cùng nhịp.

Điều dư luận đang chờ không phải là thêm một nghị quyết, mà là sự chuyển động thực chất từ những bên có quyền thay đổi. Trên lý thuyết, nhà ở xã hội là giải pháp để người thu nhập trung bình và thấp có một mái nhà tử tế giữa đô thị. Nhưng trên thực tế, sau hơn ba năm kể từ khi Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ, đến nay chúng ta mới chỉ đạt chưa tới 5% kế hoạch.

Doanh nghiệp kêu khó vì thủ tục phức tạp, đất sạch không có, mà chính sách ưu đãi lại "vừa ít, vừa mờ". Người dân – những người cần nhà thì phải chứng minh đủ điều kiện, đúng đối tượng, rồi lại chờ ngân hàng xem có được vay không, vay được thì thủ tục còn rối hơn. Vậy nên, khi Nghị quyết 68 được ban hành, có thể thấy trong đó là sự sốt ruột từ cấp cao nhất, cũng là lời thúc giục cho toàn bộ hệ thống phải thay đổi. Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì sửa hàng loạt nghị định, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, Bộ Tài chính thì phải có phương án miễn, giảm thuế, còn Ngân hàng Nhà nước cần giải ngân hiệu quả gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng đang “nằm im” suốt hơn một năm qua.

Nói về nhà ở xã hội mà không nhắc đến Hà Nội thì là một thiếu sót. Hà Nội là nơi có nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng cũng là địa phương có quá nhiều dự án chậm trễ vì vướng mắc đủ kiểu. Tuy nhiên, theo một thông tin tích cực, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành 6 dự án nhà ở xã hội ngay trong năm 2025, cung cấp hơn 5.200 căn hộ cho người dân.

Các dự án này nằm ở Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Mê Linh… như dự án nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (Đông Anh), khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Mê Linh), hay nhà ở xã hội tại xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) – những nơi đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Nghe thì đáng mừng. Nhưng thực tế Hà Nội đang có tới 21 dự án nhà ở xã hội triển khai, nhưng chỉ 6 dự án có thể về đích trong năm nay. Tức là một phần tư và đó là con số… lạc quan.

Vì sao 15 dự án còn lại chậm tiến độ? Câu trả lời quen thuộc: vướng thủ tục, chưa xong giải phóng mặt bằng, hoặc chưa tìm được nhà đầu tư vì cơ chế chưa hấp dẫn. Ngay cả với những nơi được ưu tiên, có quỹ đất, có chủ trương rõ ràng như Hà Nội, nhà ở xã hội vẫn loay hoay trước ngưỡng cửa thực thi.

Nếu vẫn còn quan niệm rằng nhà ở xã hội là gánh nặng ngân sách, là phần việc "cho có" để hoàn thành chỉ tiêu, chúng ta sẽ mãi nói về những dự án “dự kiến sẽ hoàn thành”, thay vì cắt băng khánh thành những ngôi nhà thực sự có người ở. Tôi tin, người dân không cần lời hứa. Họ cần kết quả.

Hà Nội – với vai trò dẫn dắt về cả chính sách lẫn thị trường cần đi đầu trong việc biến nhà ở xã hội từ một giấc mơ chính sách thành thực tế đời sống. Bởi một thành phố đáng sống không chỉ là nơi có nhiều cao ốc, nhiều dự án tỷ đô… Mà là nơi ai cũng có cơ hội để sống một cách tử tế, trong một ngôi nhà của chính mình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường không còn là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu. Nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi xanh, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay phục vụ các dự án đầu tư xanh.

Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025; Hà Nội đề nghị UNESCO hỗ trợ bảo tồn Hoàng thành Thăng Long; EU phê duyệt gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.

Đề xuất công an cấp xã được khởi tố một số tội danh; Tạm dừng công tác nhiều Chủ tịch xã vì quản lý đất đai; Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo Momo Pro giả mạo... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/5 đã đạt được kết quả đáng chú ý. Nga sẵn sàng phối hợp với Ukraine để soạn thảo một bản ghi nhớ về các nguyên tắc và thời điểm tiến hành đàm phán hòa bình, bao gồm cả khả năng ngừng bắn tạm thời.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên: Từ hoa hậu đến bản án tù 5 năm; Thùy Tiên có bị tước vương miện Hoa hậu Hòa bình Quốc tế?; Khoảnh khắc xúc động trong chương trình “Người là niềm tin tất thắng”... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.

Dịch vụ vệ sinh giày ở Hà Nội đã bước vào thời đại công nghệ, hòa vào nhịp sống số, trở nên tiện lợi, nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.