Giấc mơ hồi sinh công nghiệp Mỹ có dễ thực hiện?
Mỹ khởi động quy trình áp thuế chất bán dẫn
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch áp thuế đối với chip bán dẫn và dược phẩm nhập khẩu bằng cách khởi động các cuộc điều tra thương mại do Bộ Thương mại dẫn đầu. Đây là hai ngành được xem là thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Việc công bố kế hoạch này trên Công báo Liên bang hôm thứ Hai được coi là bước đi đầu tiên để hiện thực hóa kế hoạch nhằm đưa sản xuất trở lại Mỹ. Tổng thống Trump từ lâu đã cảnh báo rằng, sự phụ thuộc vào chip từ nước ngoài là một rủi ro lớn, đồng thời tuyên bố sẽ áp thuế để khôi phục sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, việc áp thuế có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, làm tăng chi phí sản xuất và đẩy giá hàng hóa lên cao, gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ.
Chip bán dẫn là thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, ô tô, máy tính, thiết bị đồ chơi và hàng loạt sản phẩm khác, với doanh số bán hàng toàn cầu năm 2024 đạt hơn 600 tỷ USD. Tuy nhiên, các loại thuế mới của ông Trump đang đe dọa làm đảo lộn ngành công nghiệp này. Các chuỗi cung ứng vẫn đang cảm nhận được tác động của sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra hiện có thể phải đối mặt với những căng thẳng mới từ các loại thuế của Mỹ.
Mỹ hiện đang phụ thuộc nặng nề vào chip nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Á - điều mà cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều xem là một rủi ro nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Hoạt động sản xuất chip bán dẫn toàn cầu hiện đang tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á, đặc biệt là tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Đây là những trung tâm công nghệ với hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh, từ thiết kế đến lắp ráp và kiểm định. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) nổi bật với TSMC - công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu. Hàn Quốc với Samsung cũng là một cường quốc bán dẫn hàng đầu. Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư để tự chủ nguồn cung chip trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Theo SEMI - hiệp hội các nhà cung cấp bán dẫn toàn cầu - trong số 105 nhà máy bán dẫn mới dự kiến đi vào hoạt động từ nay đến năm 2028, phần lớn đều được xây dựng tại châu Á, trong khi chỉ có khoảng 15 nhà máy đặt tại Mỹ. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của thế giới vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn tại khu vực này.
Chúng ta cần có chất bán dẫn. Chúng ta cần có chip và chúng ta cần có màn hình phẳng. Chúng ta cần sản xuất những thứ này tại Mỹ. Chúng ta không thể phụ thuộc vào Đông Nam Á trong mọi hoạt động. Vì vậy, hiện nay thuế quan đối ứng được tạm hoãn nhưng thuế bán dẫn có thể sẽ được ban hành trong một hoặc hai tháng nữa.
Ông Howard Lutnick - Bộ trưởng Thương mại Mỹ.
Đáp lại lời kêu gọi của chính quyền Trump về việc tái định vị chuỗi cung ứng, một số công ty công nghệ lớn đã công bố các kế hoạch đầu tư khổng lồ vào Mỹ. Tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới - tuyên bố tại Nhà Trắng hồi tháng 3 rằng, họ sẽ chi 100 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ. Tập đoàn Apple cũng không đứng ngoài cuộc khi công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn 2025 - 2029.
Trong khi đó, NVIDIA - “gã khổng lồ” trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo, mới đây thông báo sẽ sản xuất các siêu máy tính AI hoàn toàn tại Mỹ. Công ty cho biết sẽ đầu tư khoảng 500 tỷ USD vào hạ tầng AI tại Mỹ trong vòng bốn năm tới, phối hợp với các đối tác như TSMC.
Một thách thức lớn là phần lớn chip bán dẫn không được nhập khẩu riêng lẻ, mà nằm trong các sản phẩm đã hoàn chỉnh như điện thoại, ô tô, hay đồ chơi - thường được lắp ráp tại châu Á hoặc Mexico trước khi đưa vào Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đã bắt đầu xem xét khả năng áp thuế lên các sản phẩm có chứa chip, nhưng việc xác định tỷ lệ linh kiện và tính toán mức thuế phù hợp sẽ rất phức tạp.
Câu chuyện chiếc iPhone
Vài ngày trước, Mỹ công bố tạm hoãn thuế quan đối với các mặt hàng bán dẫn, điện thoại di động, máy tính và các mặt hàng điện tử nhập khẩu khác. Quyết định này được cho là tín hiệu tích cực đối với công ty công nghệ lớn như Apple và NVIDIA. Việc miễn thuế này cũng đặc biệt quan trọng với người tiêu dùng Mỹ, bởi các mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi hay linh kiện điện tử là những sản phẩm thiết yếu và có sức tiêu thụ rất lớn tại thị trường nội địa. Do đó, động thái của Nhà Trắng được xem là một nỗ lực nhằm cân bằng lợi ích giữa các bên, duy trì niềm tin của nhà đầu tư, và tránh gây thêm sức ép lạm phát trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, sau đó một ngày, ông Trump và các cố vấn của ông nhanh chóng chỉ ra rằng, việc miễn thuế sẽ không kéo dài. Nếu mức thuế cao được áp dụng, giá cả các thiết bị này có thể tăng vọt, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng cũng như nhu cầu chung của thị trường.
Nhiều người Mỹ đã đổ xô đi mua sắm iPhone mới ở cửa hàng Fifth Avenue của Apple ở Manhattan do lo ngại viễn cảnh phải trả hơn 2.000 USD - hoặc thậm chí là 3.500 USD - cho một chiếc iPhone, sau khi mức thuế quan mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt gây chấn động trong ngành công nghệ.
Trong bài phát biểu nhân Ngày Giải phóng (Liberation Day), Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, các nhà máy và việc làm sẽ "quay trở lại mạnh mẽ" nhờ các chính sách thuế quan toàn cầu mà ông đã triển khai. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ đó là nỗi lo ngày càng lớn từ phía người tiêu dùng và giới chuyên gia công nghệ, đặc biệt là về khả năng tăng giá nghiêm trọng đối với các sản phẩm điện tử như iPhone.
Dan Ives - Giám đốc toàn cầu phụ trách nghiên cứu công nghệ của Công ty tài chính Wedbush Securities cho rằng, lý do chính khiến giá iPhone đội lên nằm ở việc Mỹ hiện không có một hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh như châu Á. Việc xây dựng lại toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các nhà máy sản xuất chip, sẽ đòi hỏi một nguồn vốn khổng lồ, trong thời gian dài và một lực lượng lao động trình độ cao mà hiện nay Mỹ chưa sẵn sàng đáp ứng. Ông đưa ra ví dụ: nếu Apple xây dựng nhà máy tại West Virginia hoặc New Jersey, giá mỗi chiếc iPhone sẽ vào khoảng 3.500 USD.
Chưa kể, để chuyển chỉ 10% chuỗi cung ứng của Apple về Mỹ, công ty này sẽ phải đầu tư khoảng 30 tỷ USD và mất ít nhất ba năm - theo phân tích của ông Ives. Điều đó cho thấy rằng, lời hứa "hồi sinh sản xuất nội địa" của chính quyền Trump, dù hấp dẫn về mặt chính trị, lại rất khó khả thi trong thực tế, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao vốn phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Người tiêu dùng Mỹ vốn đã quen với những chiếc iPhone giá 999 USD, có thể sẽ là những người đầu tiên cảm nhận rõ hệ lụy từ chiến tranh thương mại nếu những kế hoạch này được triển khai mạnh mẽ. Và với mức giá 3.500 USD cho một chiếc iPhone, câu hỏi đặt ra là: liệu có ai sẵn sàng chi trả?
Giấc mơ hồi sinh công nghiệp Mỹ và thực tế khắc nghiệt
Các mức thuế quan của ông Trump là biện pháp thúc đẩy sản xuất và việc làm trong nước, cũng như giải quyết thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong những năm gần đây, làn sóng đưa các nhà máy sản xuất trở lại Mỹ đã được các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp nhắc đến như một giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng, tạo việc làm và củng cố an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất từ các nước châu Á về Mỹ không phải là điều dễ dàng. Mỹ sẽ phải vượt qua nhiều thách thức nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu hồi sinh ngành sản xuất trong nước.
Một trong những rào cản lớn nhất là chi phí sản xuất tại Mỹ cao hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ hay Malaysia. Theo một phân tích từ hãng tài chính Wedbush Securities, nếu Apple chuyển toàn bộ quá trình sản xuất iPhone về Mỹ, giá mỗi chiếc iPhone có thể lên tới 3.500 USD, gấp hơn ba lần mức giá hiện tại. Nguyên nhân đến từ chi phí lao động, thuê đất, năng lượng và vận hành cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển.
Để xây dựng một nhà máy ở Mỹ phải mất 4 - 5 năm. Chúng ta thậm chí còn không có cơ sở hạ tầng và lao động để xây dựng các nhà máy công nghệ và các nhà máy khác ở đây. Nếu bạn thích iPhone 3.500 USD, thì hãy xây dựng nhà máy ở Mỹ. Nếu bạn thích iPhone 1.000 USD, bạn hãy xây dựng chúng ở Trung Quốc. Nếu bạn thích giày thể thao Nike 400 USD, thì nên xây dựng nhà máy ở đây. Nếu bạn thích giày thể thao 100 USD, bạn hãy xây dựng chúng ở Việt Nam. Đó là thực tế, và đó là lý do tại sao điều này tiếp tục là điều vô lý nhất có lẽ từng thấy trên Phố Wall trong nhiều thập kỷ.
Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành Wedbush Securities.
Không chỉ với iPhone, việc sản xuất các sản phẩm điện tử, thiết bị y tế, dược phẩm hay thậm chí là quần áo tại Mỹ đều đòi hỏi chi phí lớn hơn, khiến giá thành sản phẩm đội lên cao, cuối cùng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng này.
Dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ không cao, nhưng việc tuyển dụng đủ lượng lao động kỹ thuật cao để vận hành các nhà máy công nghệ là một thách thức không nhỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống đào tạo nghề tại Mỹ đã tụt hậu trong nhiều năm, khiến lực lượng lao động hiện tại thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Việc xây dựng lại đội ngũ nhân công lành nghề cần thời gian và sự đầu tư vào hệ thống giáo dục - điều không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Ngoài ra, các ngành sản xuất vốn đã “di cư” khỏi Mỹ từ nhiều thập kỷ trước, nên việc khôi phục lại chuỗi cung ứng cũng cần quá trình đào tạo lại từ đầu.
Mỹ hiện không có hệ sinh thái sản xuất điện tử phức tạp và đồng bộ như tại Trung Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Ví dụ, tại Thâm Quyến, chỉ trong vòng vài km, một nhà máy có thể tiếp cận hàng trăm nhà cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu và dịch vụ hậu cần.
Ngược lại, nếu một nhà máy bán dẫn được đặt tại Texas hay Arizona, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng trải dài hàng ngàn cây số, làm tăng rủi ro và chi phí. Hạ tầng giao thông, điện, nước tại nhiều bang của Mỹ cũng không còn tối ưu cho sản xuất quy mô lớn.
Một lý do khiến các doanh nghiệp trước đây rời khỏi Mỹ là do các quy định về môi trường và lao động ở Mỹ nghiêm ngặt hơn nhiều so với châu Á. Việc xây dựng nhà máy mới ở Mỹ có thể mất từ 4 đến 5 năm do phải trải qua hàng loạt thủ tục xin giấy phép, đánh giá tác động môi trường và đối thoại cộng đồng.
Trong khi đó, tại các nước như Trung Quốc hay Việt Nam, chính quyền địa phương thường tạo điều kiện tối đa về đất đai, thủ tục và ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Sự chênh lệch này tạo nên bất lợi lớn cho việc đầu tư sản xuất tại Mỹ.
Một yếu tố quan trọng khác là sự không nhất quán trong chính sách công nghiệp của Mỹ. Trong khi chính quyền của ông Biden triển khai chương trình CHIPS Act trị giá 50 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip bán dẫn, thì ông Trump lại chỉ trích đó là “sự lãng phí tiền thuế” và nhấn mạnh rằng thuế quan là đủ để kéo nhà máy quay lại. Sự thay đổi liên tục trong định hướng chính sách theo từng nhiệm kỳ khiến nhiều doanh nghiệp e ngại khi đưa ra quyết định đầu tư dài hạn. Trong ngành công nghệ, các dự án nhà máy thường kéo dài 5 - 10 năm, đòi hỏi sự ổn định về luật pháp, chính sách và hỗ trợ chính phủ.
Ngay cả khi Mỹ nỗ lực xây dựng lại ngành công nghiệp, các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng không ngồi yên. Họ liên tục rót hàng tỷ USD vào trợ cấp sản xuất, ưu đãi thuế và nghiên cứu phát triển để giữ vững vị thế. Hiện nay, hơn 85% nhà máy chip bán dẫn toàn cầu vẫn tập trung ở châu Á.
Việc đưa các nhà máy sản xuất về lại Mỹ là có lý do trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, để biến giấc mơ này thành hiện thực, Mỹ cần vượt qua nhiều rào cản lớn về chi phí, nhân lực, hạ tầng, pháp lý và chính sách. Điều quan trọng hơn cả là phải có một chiến lược toàn diện và lâu dài, thay vì chỉ dựa vào thuế quan đơn lẻ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần tới.
Mỹ và Iran vừa kết thúc vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome, Italy với một số tín hiệu tích cực, đồng thời xác nhận đã đạt được một số tiến triển và nhất trí nối lại đàm phán tại Oman vào ngày 26/4 tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ không thảo luận vấn đề an ninh trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề này cần được giải quyết một cách độc lập.
Giới phân tích quốc tế cho rằng, lệnh ngừng bắn kéo dài 30 giờ nhân dịp lễ Phục sinh của Nga có thể là bước đi chiến lược nhằm mở đường cho các kênh đối thoại hậu trường.
Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình trong ngày 19/4 tại thành phố New York và nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, nhằm phản đối chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) mới đây cho biết, quốc gia này đã xây dựng một hệ thống công nghiệp trí tuệ nhân tạo toàn diện, với năng lực tính toán đứng vào hàng top thế giới.
0