Cơ hội và thách thức đào tạo ngành vi mạch bán dẫn
Nghị quyết 57 đã mở hướng về cơ chế chính sách và nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn. Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên cao học và 500 nghiên cứu sinh. Trước cơ hội này, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có chương trình đào tạo liên quan tới vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ra đời một ngành đào tạo mới không hề đơn giản. Đối với đào tạo ngành vi mạch bán dẫn, hiện nay có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Phóng viên Đài Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh chủ đề này.
Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn. Thưa ông, điều này có ý nghĩa thế nào đối với việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông qua việc xây dựng chuẩn chương trình đào tạo này để các trường đại học cũng thấy rằng mình có nên tham gia. Nếu tham gia thì phải đạt điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Chúng ta đảm bảo chất lượng chứ không phải trường nào muốn cũng có thể tham gia được. Với quy mô đào tạo lớn, chúng ta muốn phát triển về quy mô thì phải đảm bảo về chất lượng đào tạo, đấy là điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay. Dù còn nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận khác nhau, chúng ta cần có hướng dẫn, thống nhất trong việc tiếp cận. Không chỉ đào tạo sinh viên làm việc trong nước mà còn phải phù hợp với môi trường quốc tế.
Phóng viên: Làm thế nào để đào tạo ngành vi mạch bán dẫn không chỉ phát triển nóng trong một thời gian mà thực sự phát triển bền vững?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các cơ sở đào tạo đã tham gia thì phải đạt chuẩn chương trình đào tạo. Nhưng làm sao để nhận được sự hỗ trợ, đầu tư nhiều của Nhà nước thì phải được lựa chọn tham gia đào tạo. Các trường đào tạo tự do là câu chuyện khác, nhưng vẫn phải đáp ứng được chương trình đào tạo. Nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất, học bổng, học phí thì cơ sở đó phải được lựa chọn trong chương trình được Thủ tướng phê duyệt.
Phóng viên: Mùa tuyển sinh 2025, nhiều trường đại học mở mới ngành đào tạo này. Thứ trưởng có lời khuyên gì tới thí sinh và phụ huynh nếu muốn xét tuyển vào ngành học này?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Các thí sinh nên chọn các ngành cơ bản được các trường uy tín đào tạo. Khi được đào tạo cơ bản những ngành như là kỹ thuật máy tính, kỹ thuật điện tử, khoa học vật liệu…có phần chuyên sâu về bán dẫn là cách tiếp cận tốt nhất. Không chạy theo quảng bá ngành mới, ngành hot…bởi vì bất cứ ngành mới nào đều dựa trên những ngành truyền thống và các trường đại học đều phải có nền tảng cơ bản như thế. Những ngành này đòi hỏi kiến thức cơ bản về Toán, Khoa học, Tự nhiên. Các môn học STEM ở phổ thông các em phải học tốt. Ngoài kiến thức chuyên môn, ngành này yêu cầu năng lực của những kỹ sư phải cẩn thận, bền bỉ, đam mê. Các em phải xem mình có tố chất như vậy để học hay không.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!


Chủ đề: Kĩ năng đọc hiểu Văn bản thông tin. Giáo viên Nguyễn Thị Hương Thủy, Trường THPT Chuyên Chu Văn An.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chiều 18/4 đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 của các trường trung học phổ thông tư thục và trường công lập tự chủ tài chính.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần gắn chặt với dự báo nhu cầu thị trường và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tránh sắp xếp cơ học.
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng cấp thiết trong bối cảnh mới, nhiều trường học đang chủ động thay đổi cách dạy - cách học, bắt đầu từ việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ sớm.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.
Sự trao đổi hàn lâm giữa các trường đại học Việt Nam và các trường đại học Đức đã định hình mối quan hệ giữa hai nước, từ hơn 50 năm nay.
0