Giá đất Thanh Oai chênh lệch 'khủng' sau đấu giá

Một số thửa đất tại Thanh Oai đã được rao bán lại với mức chênh lệch hơn 1 tỷ đồng, sau khi trúng đấu giá vào sáng nay 15/3.

Sáng 15/3, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 89 thửa đất tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động theo phương thức đấu giá mới. Kết quả, mức trúng đấu giá cao nhất lên đến gần 80 triệu đồng/m², trong khi ngay sau phiên đấu giá, một số thửa đất đã được rao bán lại với mức chênh lệch hơn 1 tỷ đồng.

Thay vì áp dụng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng và ít nhất qua 6 vòng bắt buộc như năm 2024, cuộc đấu giá lần này sử dụng phương thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng theo hình thức trả giá lên.

Các thửa đất, có diện tích từ 87 - 161 m², được chia thành bốn nhóm. Khách hàng không trả giá trực tiếp cho từng thửa đất mà tham gia đấu giá theo nhóm, và người trúng đấu giá được xác định dựa trên mức giá trả hợp lệ cao nhất, tiếp tục xét xuống cho đến khi hết số lượng thửa đất trong từng nhóm.

Theo anh Bùi Hoàng Tuấn (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), phương thức đấu giá theo nhóm giúp huyện bán hết quỹ đất nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi nếu không trả giá cao nhất, người tham gia có thể phải nhận những lô đất vị trí kém thuận lợi.

Các thửa đất được đấu giá với giá khởi điểm từ hơn 11 đến hơn 17 triệu đồng/m², mức tiền đặt trước dao động từ 190 - 360 triệu đồng. Cuộc đấu giá kết thúc với 100% thửa đất trúng đấu giá, trong đó thửa đất có giá trúng cao nhất đạt gần 80 triệu đồng/m², gấp hơn 7 lần giá khởi điểm, trong khi thửa có giá trúng thấp nhất cũng lên tới 51,3 triệu đồng/m².

Ngay sau phiên đấu giá, nhiều thửa đất đã được rao bán lại với mức chênh lệch hàng trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, thửa đất số 33 được đấu trúng với giá 71,3 triệu đồng/m², hiện được rao bán chênh 1 tỷ 150 triệu đồng, tức cao hơn gần 11 lần so với giá khởi điểm, tạo hiệu ứng đẩy giá đất toàn khu vực.

Người dân địa phương nhận định, mức trúng đấu giá lần này khá cao so với mặt bằng chung, và việc rao bán chênh ngay sau đấu giá khiến giá đất khu vực có nguy cơ bị đẩy lên một mặt bằng mới.

Trước đó, vào ngày 1/3, huyện Thanh Oai đã tổ chức đấu giá lại 54 thửa đất từng bị bỏ cọc tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao. Một số thửa từng được trả giá lên đến 100,5 triệu đồng/m² nhưng sau đó bỏ cọc, tiếp tục được đấu lại với giá hơn 90 triệu đồng/m².

Thanh Oai từng là điểm nóng đấu giá đất cuối năm 2024 do tình trạng trả giá cao để tạo sốt ảo rồi bỏ cọc. Với những diễn biến đầu năm 2025, dư luận đặt câu hỏi liệu tình trạng này có tiếp tục tái diễn, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
User
Ý KIẾN

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa đề nghị các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2024 và đề xuất các vướng mắc để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung.

Người dân ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội đã phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không được chính quyền cơ sở xử lý kịp thời.

4 tháng đầu năm nay, huyện Thanh Oai đã xử lý 175 trường hợp vi phạm đất đai; trong đó, đã xử lý dứt điểm 101 trường hợp, đang đôn đốc UBND các xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ, xử lý, cưỡng chế 74 trường hợp.

22 thửa đất tại 2 xã Hợp Tiến và Lê Thanh vừa được huyện Mỹ Đức đấu giá thành công với mức giá cao nhất 25,3 triệu đồng/m².

Quận Đống Đa đã công bố nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Vĩnh Hồ và phụ cận, tỷ lệ 1/500 trên địa bàn hai phường Thịnh Quang và Trung Liệt vào hôm nay, 8/5.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, dừng thi công nếu phát hiện các vi phạm về an toàn xây dựng trên công trường xây dựng.