Lý do thúc đẩy ông Trump giáng đòn thuế 50% với Brazil?
Giới quan sát cho rằng với việc giáng đòn thuế 50% với Brazil, ông Trump dường như muốn gây sức ép kinh tế, chính trị lên giới chức Brazil để bảo vệ đồng minh là cựu tổng thống Jair Bolsonaro.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 gửi đi một thông điệp được ví như đòn giáng vào quan hệ với Brazil khi công bố mức thuế đối ứng mới Brazil phải chịu là 50%, có hiệu lực từ ngày 1/8, cao hơn nhiều mức 10% được đưa ra hồi đầu tháng 4.
Lý do Mỹ áp thuế với Brazil
Trong bức thư gửi tới Brazil, ông Trump cho biết mức thuế quan mới sẽ bắt đầu áp dụng từ 1/8 và sẽ tách biệt với các loại thuế theo ngành. Đây là một trong hàng chục thông báo áp thuế mà ông Trump đã gửi đến các quốc gia khác nhau trong tuần này. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ James Greer tiến hành điều tra về cái mà ông gọi là các hành vi thương mại không công bằng của Brazil, đặc biệt là đối với thương mại kỹ thuật số của các công ty Mỹ.
Ngoài ra, bức thư mà Tổng thống Trump gửi tới người đồng cấp Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cũng gây chú ý vì có giọng điệu gay gắt, khác hẳn phong cách ngoại giao trong văn bản chính thức gửi các nguyên thủ quốc gia khác. Đây là động thái gây bất ngờ vì Brazil nằm trong số ít quốc gia mà Mỹ không bị thâm hụt thương mại, yếu tố ông Trump vốn dựa vào để xem xét mức thuế quan.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 42,3 tỷ USD hàng hóa từ Brazil và xuất khẩu sang quốc gia Nam Mỹ này 49,7 tỷ USD. Như vậy, Brazil đã mua hàng hóa của Mỹ nhiều hơn 7,4 tỷ USD so với lượng hàng hóa Mỹ nhập từ Brazil.
Mức thuế mà ông Trump đe dọa áp lên nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này cao hơn hẳn so với các nước khác, vốn chủ yếu nằm trong khoảng từ 25 đến 40%. Giới quan sát cho rằng, với hành động bất ngờ này, ông Trump dường như muốn gây sức ép kinh tế, chính trị lên giới chức Brazil để bảo vệ đồng minh là cựu tổng thống Jair Bolsonaro.
Cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người từng lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này từ năm 2019 đến 2023, đã từ chối công nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 trước đối thủ cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva. Ông Bolsonaro đặt nghi vấn về tính chính xác của kết quả bầu cử, cho rằng một số máy bỏ phiếu điện tử gặp sự cố và có thể đã bị thao túng.
Ngay sau khi ông Lula nhậm chức vào tháng 1/2023, hàng nghìn người ủng hộ ông Bolsonaro tức giận với kết quả bầu cử, đã xông vào phủ tổng thống, Quốc hội và Tòa án Tối cao ở thủ đô Brasilia trong một cuộc bạo loạn gây chấn động quốc tế.
Hiện tại, ông Bolsonaro đang đối mặt với các cáo buộc hình sự vì âm mưu đảo chính và những hành động nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2022.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần thể hiện sự đồng cảm với ông Bolsonaro. Ngày 7/7, ông Trump đã đưa ra phát biểu thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với ông Bolsonaro, cho rằng cựu Tổng thống Brazil là đối tượng của một chiến dịch chính trị nhằm ngăn cản khả năng quay lại tranh cử vào năm sau. Phản ứng trước tuyên bố này, Brazil đã triệu tập Đại sứ Mỹ để bày tỏ phản đối.
Đến ngày 9/7, ông Trump công bố áp mức thuế 50%, đồng thời lặp lại các cáo buộc tương tự. Ông cũng chỉ trích Tòa án Tối cao Brazil vì ban hành cái mà ông gọi là “lệnh kiểm duyệt” đối với các công ty công nghệ Mỹ, cáo buộc Brazil đang thực hiện các hành động can thiệp sâu rộng, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của doanh nghiệp Mỹ.
Theo nhà xã hội học Celso Rocha de Barros, diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Brazil có thể tạo ra những hệ lụy không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà cả trong đời sống chính trị nội bộ của Brazil. Ông nhận định rằng, những động thái từ phía Mỹ có thể ảnh hưởng tới tiến trình xét xử cựu Tổng thống Bolsonaro đang diễn ra, đồng thời tạo ra áp lực không nhỏ đối với các bên liên quan.
Phản ứng của Brazil
Phản ứng trước các động thái từ phía Mỹ, Brazil tiếp tục triệu hồi đại sứ và từ chối tiếp nhận bức thư của ông Trump một cách tượng trưng. Tổng thống Lula da Siva, người trước đó khẳng định “Brazil không chấp nhận sự can thiệp từ bên ngoài”, đã công khai bác bỏ từng nội dung trong các cáo buộc từ phía ông Trump. Đồng thời, phía Brazil cũng đang cân nhắc khả năng đưa ra các biện pháp đáp trả tương ứng với mức thuế mới.
Tổng thống Lula da Silva cho biết, ông sẽ kích hoạt luật tương hỗ được Quốc hội thông qua vào đầu năm nay nếu các cuộc đàm phán với Mỹ thất bại. Nhà lãnh đạo Brazil nhấn mạnh, nếu không có đàm phán, luật “có đi có lại” sẽ được áp dụng. Nếu Mỹ áp thuế 50% đối với Brazil, Brazil cũng sẽ áp thuế 50% đối với Mỹ.
Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva cho biết, ông ưu tiên giải pháp ngoại giao để xử lý tranh chấp, nhưng khẳng định nếu Mỹ thực sự triển khai mức thuế mới, Brazil “sẽ đáp trả tương xứng”.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tiến hành mọi quy trình đàm phán có thể. Brazil luôn ưu tiên đối thoại. Nhưng nếu mọi nỗ lực đàm phán bị bế tắc, Brazil sẽ có hành động đáp trả. Và tôi hy vọng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng chính phủ Brazil trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Tổng thống Lula da Silva khẳng định, Brazil là một quốc gia có chủ quyền với các thể chế độc lập và sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức áp đặt nào. Ông tuyên bố rằng, hệ thống tư pháp của Brazil hoạt động độc lập và không bị ảnh hưởng bởi đe dọa hay can thiệp từ bên ngoài. Theo luật pháp Brazil, các nền tảng số có nghĩa vụ giám sát và gỡ bỏ nội dung kích động bạo lực hoặc làm suy yếu các thiết chế dân chủ và có thể bị xử lý pháp lý nếu vi phạm. Điều này liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích các phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Brazil nhằm vào các nền tảng mạng xã hội của Mỹ, bao gồm mạng X của Elon Musk, một đồng minh cũ của ông Trump.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Brazil Davi Alcolumbre và Chủ tịch Hạ viện Hugo Motta cũng khẳng định sẵn sàng hành động một cách cân bằng và kiên quyết để bảo vệ nền kinh tế, ngành sản xuất của Brazil và bảo vệ việc làm của người dân Brazil.
Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro cũng tuyên bố, chính phủ đang xúc tiến kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng quan hệ thương mại với các nước Trung Đông, Nam Á và khối các nước phương Nam nhằm tìm kiếm các đối tác thay thế cho thị trường Mỹ.
“Trước hành động phi lý từ chính phủ Mỹ khi áp mức thuế 50% lên hàng xuất khẩu của Brazil, chúng tôi đã và đang chủ động triển khai các biện pháp đối phó. Tôi đã triệu tập đại diện của các hiệp hội ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm ngành nước cam, thịt bò và cà phê, để cùng phối hợp mở rộng các hành động mà chúng tôi đã triển khai trong suốt hai năm rưỡi cầm quyền của Tổng thống Lula".
Mặt khác, cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay cũng có thể được xem là cơ hội để Tổng thống Lula củng cố hình ảnh chính trị. Trong bối cảnh đã chính thức công bố kế hoạch tái tranh cử, ông Lula đang sử dụng thông điệp “Brazil có chủ quyền” như một điểm nhấn trong chiến dịch truyền thông, tương tự chiến lược từng được một số chính trị gia các nước khác áp dụng khi đối mặt với sức ép từ bên ngoài.
Tác động của thuế quan tới kinh tế Mỹ và Brazil
Mức thuế 50% mà Tổng thống Donald Trump cảnh báo áp dụng với Brazil được xem là rất cao so với mức trung bình của các nền kinh tế lớn trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này có thể gây tác động tới nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Brazil như nông sản, khoáng sản và hàng tiêu dùng, bởi Mỹ là một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất của Brazil, đặc biệt đối với mặt hàng thịt bò, đậu nành và cà phê. Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cảnh bá, người tiêu dùng tại Mỹ có thể sẽ chứng kiến giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như cà phê và nước cam tăng vọt nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục kế hoạch áp thuế 50% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Brazil.
Nếu thuế quan 50% được áp dụng, chính thị trường Mỹ sẽ phải chịu ảnh hưởng, đặc biệt giá cà phê và nước cam tại Mỹ sẽ tăng vọt.
Trong lĩnh vực nông sản, Brazil là quốc gia sản xuất gần một nửa lượng cà phê arabica toàn cầu và là nước xuất khẩu nước cam lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% thị phần xuất khẩu toàn cầu.
Khoảng một phần ba lượng cà phê tiêu thụ tại Mỹ, thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, có nguồn gốc từ Brazil. Trong những năm gần đây, quốc gia Nam Mỹ này đã xuất khẩu khoảng 8 triệu bao cà phê loại 60kg mỗi năm sang Mỹ, theo các tổ chức ngành hàng. Hơn một nửa lượng nước cam tiêu thụ tại Mỹ cũng đến từ Brazil, cho thấy vai trò không thể thay thế của Brazil trong chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu tại Mỹ.
“Về phía chúng tôi, không có rủi ro nào quá lớn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, khi bạn có một thị trường quan trọng như Mỹ, nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới và Brazil là nhà cung cấp lớn thứ hai, thì việc tăng thuế chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu dùng. Đó là lý do tôi nhắc đến con số 76% người Mỹ uống cà phê: bởi khi áp thuế, giá sản phẩm sẽ tăng và tác động sẽ xảy ra theo hai chiều, không chỉ gây tổn hại cho nước xuất xứ như Brazil, mà còn làm thiệt hại chính người tiêu dùng Mỹ”.
Hơn 50% lượng nước cam được bán ở Mỹ cũng nhập khẩu từ Brazil, quốc gia chiếm 80% thị phần thương mại nước cam toàn cầu. Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghiệp nước cam Brazil CitrusBR cho rằng: “Biện pháp này không chỉ ảnh hưởng đến Brazil mà còn đến toàn bộ ngành công nghiệp nước ép trái cây của Mỹ - vốn tạo việc làm cho hàng nghìn người”.
Ngoài ra, nền kinh tế nông nghiệp hàng đầu Nam Mỹ này cũng xuất khẩu đường, thịt bò và ethanol, cùng nhiều sản phẩm khác sang Mỹ. Sau Trung Quốc, Mỹ là thị trường nhập khẩu thịt bò lớn thứ hai của Brazil. Còn Brazil là nguồn cung thịt bò nước ngoài lớn thứ năm của Mỹ, chiếm tới 21% tổng lượng thịt bò nhập khẩu của quốc gia này - một con số đang tăng nhanh trong năm qua.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu này là do các khó khăn nguồn cung trong nước của Mỹ, bao gồm tình trạng hạn hán kéo dài và giá ngũ cốc tăng cao. Thực tế, lượng thịt bò Mỹ nhập khẩu từ Brazil đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2024, một phần vì các nhà nhập khẩu lo ngại mức thuế mới sắp được áp dụng.
Theo các nhà phân tích, nếu mức thuế 50% được triển khai, nó sẽ tác động mạnh đến các nhà nhập khẩu thịt bò xay - nguyên liệu phổ biến trong các sản phẩm như hamburger. Ông David Ortega, chuyên gia kinh tế thực phẩm và giảng viên Đại học Bang Michigan nhận định, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ buộc phải chấp nhận mức giá cao hơn từ Brazil, hoặc phải tìm nguồn thay thế với chi phí cũng không hề rẻ hơn. Việc này diễn ra trong bối cảnh đàn bò Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhu cầu tiêu thụ thịt bò vẫn cao và giá cả đang leo thang.
Theo hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia ngành chăn nuôi, mức thuế 50% sẽ khiến tổng mức thuế áp lên thịt bò Brazil tăng lên khoảng 76% cho phần còn lại của năm 2025.
Giữa lúc nguồn cung nội địa đang khan hiếm và nhu cầu thịt bò chưa hề giảm, quyết định tăng thuế nhập khẩu có thể đẩy giá thịt và thực phẩm chế biến tăng cao - gây sức ép trực tiếp lên cả nhà hàng và người tiêu dùng Mỹ.
Mức thuế 50% có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các công ty phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Đặc biệt, các công ty trong lĩnh vực kim loại cơ bản và nông nghiệp có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Goldman Sachs dự đoán rằng nếu mức thuế này duy trì, GDP của Brazil có nguy cơ giảm 0,3% đến 0,4%.
Tuy nhiên, so với nhiều nước đang phát triển, Brazil có ưu thế hơn bởi không quá phụ thuộc vào thương mại với Mỹ, ngay cả khi mức thuế cao vẫn sẽ gây tác động tiêu cực.
Không giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Brazil thực sự đang bị thâm hụt thương mại với Mỹ. Mỹ là điểm đến của khoảng 12% hàng xuất khẩu của Brazil, chưa bằng một nửa lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu và chỉ chiếm khoảng 1% GDP.
Vẫn còn gần một tháng trước khi mức thuế quan 50% chính thức có hiệu lực. Các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và Brazil vẫn đang được kỳ vọng có thể làm giảm mức thuế hoặc loại trừ một số mặt hàng chiến lược. Giới chức Mỹ cho biết đang xem xét khả năng miễn trừ thuế với các mặt hàng nông sản không thể trồng trong nước, trong đó có cà phê. Trong khi dư luận trong nước Brazil vẫn đang theo dõi sát sao những tác động kinh tế và chính trị của chính sách thuế mới, đồng thời kỳ vọng các bên sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp nhằm duy trì quan hệ đối tác ổn định giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Mỹ.