Các nước đẩy nhanh đàm phán sau khi Mỹ thông báo thuế

Một loạt quốc gia trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đang đẩy nhanh tốc độ đàm phán với Mỹ trước hạn chót 1/8.

Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư thông báo về các mức thuế quan mới tới 14 đối tác thương mại không phải là điều bất ngờ sau những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ. Một loạt quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đang đẩy nhanh tốc độ đàm phán trước hạn chót là ngày 1/8.

Theo thông báo mới nhất từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ ngày 1/8 tới, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Tunisia và Kazakhstan sẽ chịu mức thuế 25%. Mức thuế 30% dành cho hàng hóa Nam Phi, Bosnia và Herzegovina. Trong khi đó, Serbia, Indonesia, Bangladesh, Campuchia và Thái Lan bị áp thuế từ 32 - 36%. Cao nhất là Lào và Myanmar với mức thuế đối ứng là 40%. Trong cả 14 bức thư, ông Trump đều đe dọa sẽ tăng thuế cao hơn nữa so với các mức đã công bố, nếu các quốc gia đó đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ. Động thái này đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã phát động từ đầu năm nay.

Phản hồi sau thông báo của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết, ông cảm thấy thực sự đáng tiếc, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục đàm phán với Washington để đạt thỏa thuận thương mại song phương.

Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển thông qua các cuộc đối thoại liên tục với phía Mỹ. Do đó, trong bức thư hiện tại vẫn giữ nguyên mức thuế quan, thay vì mức 30 hoặc 35% mà Tổng thống Trump vừa đưa ra và gia hạn thời hạn đàm phán. Chúng tôi đã nhận đề xuất từ Mỹ về việc tiếp tục đàm phán cho đến hạn chót mới là ngày 1/8. Tùy thuộc vào phản ứng của Nhật Bản, nội dung thư có thể được điều chỉnh".
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp với các bên liên quan để bàn phương án đàm phán với Mỹ. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho hay sẽ tăng cường đàm phán trong thời gian còn lại để đạt kết quả có lợi cho cả hai bên, nhằm nhanh chóng giải quyết bất ổn về thuế nhập khẩu. Trong thời gian qua, nhiều quan chức hàng đầu của Hàn Quốc đã đến Mỹ để đàm phán về thương mại và quốc phòng.

Tại Thái Lan, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayacha trả lời báo giới rằng, ông muốn một thỏa thuận tốt hơn, đồng thời khẳng định điều quan trọng nhất là duy trì quan hệ tốt với Mỹ. Mức 36% hiện tại tương đương mức được ông Trump công bố hôm 2/4. Trước khi ông Trump gửi thư thông báo thuế, Bộ Tài chính Thái Lan đã đưa ra đề xuất thương mại mới, theo đó giảm thuế về 0% với nhiều hàng hóa Mỹ.

Malaysia cũng cam kết vẫn đàm phán với Mỹ để giải quyết các vấn đề hiện tại. Trong một thông báo, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp nước này cho biết sẽ tiếp tục đối thoại hướng tới một thỏa thuận thương mại cân bằng, toàn diện, có lợi cho cả hai bên.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa không đồng tình với mức thuế 30% bị áp. Ông cho rằng mức trên không phản ánh chính xác số liệu thương mại hiện tại. Dù vậy, ông cho biết Nam Phi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao, hướng tới quan hệ thương mại cân bằng hơn và đôi bên cùng có lợi với Mỹ.

Châu Âu không nằm trong số đối tác thương mại của Mỹ nhận được thư thông báo mức thuế mới trong đợt này. Tuy nhiên, truyền thông châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã gần đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump. Thỏa thuận có thể gồm việc miễn thuế 10% với máy bay và linh kiện, thiết bị y tế, rượu mạnh từ châu Âu. Vài tháng qua, Tổng thống Mỹ nhiều lần phàn nàn EU khó đàm phán.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho biết vẫn cởi mở với việc gia hạn thời gian áp thuế nếu các nước đưa ra đề xuất. Tuy nhiên, động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ là thông báo về một chính sách kinh tế, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến hơn 100 quốc gia: hoặc chấp nhận các điều kiện thương mại của Mỹ hoặc chịu mức thuế cao chưa từng có.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời