Các nhà nhập khẩu Mỹ sốc vì thuế khủng
Suốt bốn thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, người tiêu dùng Mỹ đã quen thuộc với việc mua mọi thứ – từ điện thoại thông minh đến đồ trang trí Giáng sinh – được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc.
Khi căng thẳng địa chính trị và kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng trong thập kỷ qua, Mỹ đã chuyển dần sang nhập khẩu từ các nước láng giềng như Mexico và Canada. Hai quốc gia này hiện đã vượt qua Trung Quốc để trở thành các đối tác cung ứng hàng hóa và dịch vụ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đứng thứ ba trong tổng kim ngạch nhập khẩu và giữ vị trí thứ hai sau Mexico nếu chỉ tính riêng hàng hóa – đồng thời vẫn chiếm ưu thế trong nhiều mặt hàng thiết yếu.

Sự phụ thuộc vào hàng Trung Quốc
Theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Macquarie, Trung Quốc hiện cung cấp đến 97% xe đẩy trẻ em nhập khẩu của Mỹ, 96% hoa giả và ô, 95% pháo hoa, 93% sách tô màu cho trẻ em và 90% các loại lược chải tóc.
Trong nhiều năm, các công ty Mỹ đã xây dựng chuỗi cung ứng sâu rộng với hàng nghìn nhà máy Trung Quốc. Mức thuế quan thấp từng giúp hệ thống này vận hành hiệu quả. Theo chuyên gia Chad Bown thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, tính đến tháng 1/2018, mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc chỉ ở mức hơn 3%.
Joe Jurken – nhà sáng lập công ty ABC Group tại Milwaukee, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ quản lý chuỗi cung ứng tại châu Á – nhận định: “Người tiêu dùng Mỹ đã quá quen và phụ thuộc vào hàng giá rẻ, còn các thương hiệu và nhà bán lẻ thì thích sự tiện lợi trong việc nhập hàng từ Trung Quốc”.
Tăng trưởng chậm lại, giá cả leo thang
Tổng thống Trump đang yêu cầu các nhà sản xuất chuyển hoạt động trở lại Mỹ, đồng thời áp đặt mức thuế cao đối với các nhà nhập khẩu Mỹ và các đối tác Trung Quốc mà họ đang phụ thuộc, tạo ra những cú sốc lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu. David French, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Chính sách công tại Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (National Retail Federation), cảnh báo: "Việc áp thuế trên quy mô lớn này có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng ở nhiều cấp độ".
Theo ước tính của Phòng thí nghiệm Ngân sách Đại học Yale, các mức thuế mà ông Trump đã áp dụng kể từ khi nhậm chức có thể làm suy giảm 1,1 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Mỹ vào năm 2025.
Ngoài việc gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế, thuế quan còn có khả năng khiến giá cả tăng cao hơn. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan công bố cho thấy người tiêu dùng Mỹ tin rằng lạm phát dài hạn sẽ đạt mức 4,4%, tăng so với 4,1% của tháng trước — phản ánh mối lo ngại về chi phí sinh hoạt tiếp tục leo thang.
"Lạm phát ở Mỹ đang gia tăng"
Stephen Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á và hiện đang công tác tại Trung tâm Trung Quốc của Trường Luật Yale, nhận định: "Lạm phát ở Mỹ đang gia tăng, và người tiêu dùng đã bắt đầu cảm nhận rõ điều này".
"Không doanh nghiệp nào có thể vận hành trong lúc bất ổn"
Không chỉ mức thuế cao mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt khiến cộng đồng doanh nghiệp rơi vào trạng thái hoang mang; điều đáng lo ngại hơn chính là tốc độ triển khai nhanh chóng và sự khó đoán trong cách ông thực hiện các chính sách thuế quan. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không thể xây dựng kế hoạch dài hạn trong môi trường chính sách thay đổi liên tục và thiếu ổn định như hiện nay.
Thuế quan thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp điêu đứng vì bất ổn
Vừa qua, Nhà Trắng thông báo mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên 125%. Nhưng chỉ một ngày sau, chính quyền Mỹ giải thích rõ rằng mức thuế sẽ là 145%, bao gồm cả mức 20% trước đó nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc hành động mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát fentanyl tràn vào Mỹ. Đáp trả, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ, có hiệu lực từ thứ Bảy.
“Có quá nhiều sự bất định”, ông Isaac Larian, nhà sáng lập MGA Entertainment — công ty sản xuất các dòng sản phẩm nổi tiếng như búp bê L.O.L. và Bratz — chia sẻ. “Không có doanh nghiệp nào có thể vận hành hiệu quả trong môi trường thiếu chắc chắn như thế này”.
Hiện tại, khoảng 65% sản phẩm của MGA được sản xuất tại Trung Quốc và ông Larian đang nỗ lực giảm con số đó xuống còn 40% vào cuối năm. Công ty đã mở rộng sản xuất sang Ấn Độ, Việt Nam và Campuchia, nhưng các quốc gia này cũng nằm trong danh sách có thể bị áp thuế cao sau thời gian trì hoãn 90 ngày của ông Trump.
Theo ước tính của ông Larian, giá búp bê Bratz có thể tăng từ 15 USD lên 40 USD, còn búp bê L.O.L. có thể tăng gấp đôi lên 20 USD trong mùa lễ sắp tới. Ngay cả thương hiệu Little Tikes của công ty — sản xuất tại Ohio — cũng bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào linh kiện và ốc vít nhập từ Trung Quốc. Giá xe đồ chơi trẻ em có thể tăng từ 65 USD lên 90 USD. Ông cho biết MGA đang cân nhắc cắt giảm đơn đặt hàng trong quý IV, vì lo ngại giá thành cao sẽ khiến người tiêu dùng e ngại và ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.

Hủy kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc, chuyển hướng sang châu Âu
Marc Rosenberg, nhà sáng lập kiêm CEO của The Edge Desk (Deerfield, Illinois), người đã đầu tư hàng triệu đô la cá nhân để phát triển dòng ghế công thái học trị giá 1.000 USD, từng dự định bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc vào tháng tới. Tuy nhiên, ông đã quyết định hủy bỏ kế hoạch này do lo ngại về mức thuế quan ba chữ số do chính quyền Trump áp đặt.
Hiện tại, Rosenberg đang chuyển hướng tìm kiếm cơ hội sản xuất tại các quốc gia ngoài Mỹ như Đức và Italy, nơi sản phẩm của ông sẽ tránh được mức thuế cao. Ông cũng đã cân nhắc phương án sản xuất trong nước và thảo luận với một số nhà cung cấp tại Michigan, nhưng nhận thấy chi phí tại Mỹ sẽ cao hơn từ 25% đến 30%, khiến việc sản xuất trong nước trở nên kém khả thi về mặt tài chính.
Vụ không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan ngày 7/5 cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang leo thang nhanh chóng, bất chấp các lời kêu gọi kiềm chế từ quốc tế.
Một chiếc bánh cưới robot có hình những chú gấu bông biết nhảy, cùng những cục pin có thể ăn được, đã được sáng tạo bởi các nhà khoa học Thụy Sĩ và Italia kết hợp với các nhà nghiên cứu ẩm thực đại học Lausane.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan lại một lần nữa bùng phát dữ dội. Rạng sáng 7/5, New Delhi đã phát động chiến dịch không kích mang tên “Chiến dịch Sindoor” nhằm vào các mục tiêu được cho là “trại huấn luyện khủng bố” ở Pakistan.
Trước lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5, Nga đang triển khai loạt biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhằm bảo vệ thủ đô Moscow khỏi nguy cơ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và các mối đe dọa khác.
12 thí sinh đã cùng tranh tài trong cuộc thi độc đáo mang tên “leo tháp giành bánh bao” nửa đêm vào ngày 6/5, tại đảo Trường Châu ở ngoài khơi Hong Kong, Trung Quốc.
Dòng sông Neva của nước Nga đã trở thành sân khấu cho những màn trình diễn ngoạn mục của những con tàu biển khổng lồ, trong lễ hội phá băng thường niên ở St. Petersburg.
0