Tín hiệu tích cực cho đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran
Theo truyền thông Oman, Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr bin Hamad al-Busaidi đóng vai trò là người trung gian chính, ghi chép thông điệp giữa các phái đoàn đang ngồi trong các phòng riêng biệt.
Hai trưởng đoàn của Mỹ và Iran là Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi sau đó được cho là đã có cuộc trao đổi ngắn trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Oman khi chuẩn bị rời địa điểm đàm phán. Bộ Ngoại giao Iran xác nhận, các cuộc đàm phán đã diễn ra “trong bầu không khí xây dựng và dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau”.
“Cuộc họp kéo dài khoảng hai tiếng rưỡi và theo tôi, đó là một cuộc gặp hiệu quả, đặc biệt khi đây là phiên thảo luận đầu tiên. Bầu không khí diễn ra bình tĩnh và tích cực, không có bất kỳ ngôn từ không phù hợp nào được sử dụng. Hai bên đều thể hiện cam kết thúc đẩy đàm phán đến khi đạt được một thỏa thuận chung, trên cơ sở bình đẳng”, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết.
Nhà Trắng mô tả cuộc gặp là “tích cực và mang tính xây dựng”, đồng thời khẳng định đây là “một bước tiến quan trọng” trong nỗ lực đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên. Mỹ xác nhận vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 19/4.
Nguồn tin từ hãng tin Al Jazeera cho biết, hai bên đã được yêu cầu nộp văn bản lập trường, làm rõ các ưu tiên và “ranh giới đỏ”. Iran nhấn mạnh các cuộc đàm phán chỉ xoay quanh chương trình hạt nhân dân sự, không bao gồm vấn đề quân sự hay vai trò của các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Iran cũng khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán trực tiếp nào với Mỹ khi Tehran vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington.
Về phía Mỹ, các nhà quan sát đang đặt câu hỏi, liệu đặc phái viên Mỹ, Steve Witkoff, có yêu cầu Iran ngừng hoàn toàn việc làm giàu uranium và chấm dứt chương trình hạt nhân dân sự của nước này hay không.
Theo tờ The Guardian, từ năm 2018, Iran được cho là đã tích lũy một kho dự trữ uranium làm giàu lên đến 60%, cao hơn mức cần thiết cho mục đích dân sự. Các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ phải thống nhất phương thức loại bỏ kho dự trữ uranium và tái lập chế độ thanh tra độc lập.
Cơ quan Thanh tra Vũ khí Hạt nhân của Liên hợp quốc (IAEA) đã nhiều lần bị ngừng hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Iran, khiến việc giám sát hoạt động hạt nhân của Tehran gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra, vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu một thỏa thuận hạt nhân mới có thể đạt được hay không. Đến với lần đàm phán này, Iran tuyên bố trao cho Mỹ “cơ hội thực sự”, nhưng vẫn khá thận trọng và hoài nghi với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và nhiều lần đe dọa sẽ hành động quân sự với Iran nếu đàm phán thất bại.
Iran từng cảnh báo các nước láng giềng có đặt căn cứ quân sự của Mỹ sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu họ tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ nhằm vào Iran.
Ông Mehrdad Khonsari, cựu nhà ngoại giao Iran cho biết: “Nếu các cuộc đàm phán thất bại, rõ ràng Israel có thể thúc đẩy một cuộc đối đầu quân sự với Iran và Mỹ sẽ làm theo nếu Tehran từ chối hợp tác. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.
Về phản ứng quốc tế, Pháp, Anh và Đức - ba nước châu Âu từng tham gia thỏa thuận 2015 nhấn mạnh rằng, “ngoại giao là con đường duy nhất” và kêu gọi các bên sớm đạt được giải pháp.
Trung Quốc và Nga phản đối các nỗ lực gây sức ép lên Iran, đồng thời gia tăng quan hệ quân sự và chính trị với Tehran.
Trong khi đó, Israel - đối thủ lâu năm của Iran - đã công khai phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Tehran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho là đã thảo luận với Tổng thống Trump về “mô hình Libya” nhằm loại bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân của Iran - điều mà Tehran khẳng định là “không thể bị đánh bom hay xóa bỏ”.


Tàu vũ trụ Soyuz MS-26 của Nga chở theo hai phi hành gia người Nga và một phi hành gia người Mỹ đã hạ cánh an toàn.
Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan cho biết đã bắt giữ 4 nghi phạm thuộc công ty xây dựng chịu trách nhiệm thi công tòa nhà chọc trời bị sập ở Bangkok trong trận động đất hôm 28/3.
Israel đang xem xét khả năng tiến hành một “cuộc tấn công có giới hạn” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, bất chấp việc Washington từ chối ủng hộ hành động quân sự này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang kỳ vọng có thể thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ giữa Nga và Ukraine ngay trong tuần tới.
Mỹ và Iran vừa kết thúc vòng đàm phán gián tiếp thứ hai tại Rome, Italy với một số tín hiệu tích cực, đồng thời xác nhận đã đạt được một số tiến triển và nhất trí nối lại đàm phán tại Oman vào ngày 26/4 tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Tokyo sẽ không thảo luận vấn đề an ninh trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề này cần được giải quyết một cách độc lập.
0