Tất cả vì miền Nam ruột thịt

Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” gợi nhắc vai trò tiên phong của Hà Nội thông qua những phần trình diễn nghệ thuật ấn tượng. Hơn 20 năm, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam, với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Tất cả vì miền Nam ruột thịt 

Các ca khúc như: “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Bài ca Hà Nội”, “Sông Đăk Krông mùa Xuân về”… không chỉ ghi lại những khoảnh khắc khốc liệt của chiến tranh mà còn khắc họa rõ nét tinh thần quả cảm, niềm tin sắt son vào ngày mai chiến thắng.

Nhiều khán giả không giấu nổi xúc động trước những ký ức về các phong trào Ba sẵn sàng, Ba đảm đang, Cờ Ba Nhất… và đặc biệt là phóng sự về Trung đoàn "Mũ sắt" - những người lính Hà Nội, đa phần là sinh viên đã chiến đấu và ngã xuống tại Tây Nguyên, cũng để lại nhiều dư âm mạnh mẽ.

Những giai điệu như: “Lá thư viết vội”, “Kỷ niệm của tôi”… lại là những lát cắt đầy xúc động về tâm tư của lớp lớp thanh niên Hà Nội thuở ấy - những người đã "xếp bút nghiên lên đường ra trận", mang theo tuổi trẻ và lý tưởng cao đẹp để góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc.

Chính sự hy sinh thầm lặng và lòng yêu nước nồng nàn ấy đã làm nên thời khắc huy hoàng, khi cả dân tộc cùng ngân vang trong niềm hạnh phúc khôn tả với “Bài ca thống nhất”, “Đất nước trọn niềm vui”…

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Hiền chia sẻ: "'Bài ca Thống Nhất' là một sáng tác rất hay, một bài nổi tiếng. Bài hát này cách đây một thời gian dài tôi đã đi hát. Mình là con dân của Thủ đô, mình là công dân của Thủ đô, lại được cống hiến việc tốt nhất mà mình làm được là nghệ thuật thì tôi hạnh phúc và tôi rất vinh dự".

Chị Uyên Chi – Tổng biên đạo chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm tòi để mang tới cho khán giả không gian 3D sống động, từ sân khấu cho đến âm nhạc và nghệ thuật múa đều mang màu sắc của Hà Nội".

“50 năm đất nước trọn niềm vui” không đơn thuần là một chương trình nghệ thuật mà là lời tri ân sâu sắc gửi đến những thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy bằng tinh thần đổi mới, hội nhập và khát vọng vươn lên.

Những người con của Hà Nội nơi tiền tuyến

Đã một thời, những người lính trẻ Hà Nội “xếp bút nghiên lên đường ra trận” với tâm niệm:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì làm chi còn Tổ quốc?”

Những dòng nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" của người sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội Nguyễn Văn Thạc đã được đọc lại trong chương trình "50 năm đất nước trọn niềm vui”. Nhà báo Phùng Huy Thịnh - một cựu chiến binh người Gia Lâm, Hà Nội đã có những chia sẻ đầy xúc động về một thời trai trẻ. 54 năm trước, rời giảng đường Văn khoa, Đại học Tổng hợp, ông và bạn bè cùng trang lứa, những chàng sinh viên Hà Nội trẻ trung, tràn đầy hoài bão lên đường chiến đấu. Và đích đến của họ là Thành Cổ Quảng Trị.

Tại hầm chỉ huy tác chiến T1 bên trong Hoàng Thành Thăng Long, suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, nhiều Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn.

Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kỹ thuật quân sự, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: "Ngày xưa Kinh đô Thăng Long luôn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử dân tộc. Nó tiêu biểu cho hồn cốt Đại Việt. Còn trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ xâm lược, vị trí, vai trò của Hà Nội càng quan trọng hơn. Nó tiêu tiểu cho phẩm giá, ý chí, khát vọng không chỉ của người dân miền Bắc mà của cả dân tộc ta".

“50 năm đất nước trọn niềm vui” là những lát cắt, những chia sẻ từ những nhân chứng lịch sử. Chương trình tái hiện vai trò lịch sử của Hà Nội - trung tâm đầu não kháng chiến, hậu phương lớn và biểu tượng bất khuất trong cuộc chiến thống nhất đất nước.

50 năm đất nước trọn niềm vui

Dưới lá cờ đỏ sao vàng lấp lánh, với biểu tượng cột cờ Hà Nội, giai điệu hòa tấu “Đất nước trọn niềm vui” do nghệ sĩ violin Trịnh Minh Hiền chuyển soạn đã được trình diễn dưới cơn mưa rào của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng chính là tác phẩm chủ đề kết thúc của chương trình. Được thể hiện bằng hai phần: mở màn là độc tấu và sau đó là hát cùng dàn nhạc và top múa.

Nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền chia sẻ: “Có thể nói rằng một trong những vinh dự lớn của tôi là khi được đứng ở Hoàng Thành Thăng Long và biểu diễn ca khúc vô vùng ý nghĩa, ca khúc có đời sống lịch sử rất lớn. Mình chơi ca khúc này là của cả một tác phẩm lớn hơn. Đây là điều đặc biệt vô cùng và cho thấy Đài Hà Nội có những đổi mới vô cùng hay, hấp dẫn giành cho khán giả".

Phần kết của chương trình là giai điệu “Đất nước trọn niềm vui” của hơn 150 nghệ sĩ trình diễn cùng cất lên, dưới sân khấu tái hiện lại Hà Nội ngày 30/4/1975, khi nhận được tin Giải phóng miền Nam. Mọi phố phường rợp cờ và hoa, không khí hào hùng, tươi mới đã để lại cho những nghệ sĩ một đêm trình diễn không thể nào quên. Đặc biệt là đối với các nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình, cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn và khát khao được cống hiến trong hòa bình và kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nghệ sĩ múa Phạm Duy Đông nói với niềm vinh dự và tự hào: "Khi tham gia trong chương trình, tái hiện lịch sử mà ông cha đã trải qua, thực sự rất tự hào. Dù có nắng mưa, tôi vẫn sẽ vượt qua, giống như các chiến sĩ, ông cha ta ngày xưa làm thế nào để gìn giữ đất nước này".

Chương trình “50 năm đất nước trọn niềm vui” do Đài Hà Nội tổ chức không đơn thuần là một chương trình chính luận nghệ thuật, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi đến những thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy bằng tinh thần đổi mới, hội nhập và khát vọng vươn lên.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Mức phụ cấp lưu trú để chi trả cho người đi công tác sẽ được tăng lên từ 100.000-150.000 đồng/người/ngày so với quy định hiện nay.

Ngày 28/3/1976, một cuộc xuất quân thanh niên với quy mô lớn đã được TP. Hồ Chí Minh thực hiện để đến khắc phục hậu quả chiến tranh tại những vùng đất bị tàn phá.

Nhiều gối cầu - vị trí tiếp xúc giữa trụ và dầm cầu cạn tại đường Vành đai 3 trên cao đã bị hư hỏng, thậm chí xô lệch, đòi hỏi Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP Hà Nội gấp rút sửa chữa.

Nhiều doanh nghiệp vẫn dựa vào mức lương tối thiểu để tính lương cho người lao động, nhằm tối ưu hóa chi phí. Trong khi người lao động cần mức lương đủ sống thay vì mức lương tối thiểu.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có thư cảm ơn nhân dịp tổ chức thành công diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu tạo 169 nghìn việc làm mới trong năm nay, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 3%.