Kinh tế Nhật Bản lao dốc

Kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều áp lực, khi các số liệu mới công bố và dự báo của giới chuyên gia đều cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại.

Tăng trưởng sụt giảm

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và lớn thứ hai châu Á, vốn đã chật vật với lạm phát cao, có thể rơi vào suy thoái nếu xuất khẩu giảm mạnh do thuế quan của Mỹ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và kìm hãm tăng trưởng tiền lương. Kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với nhiều áp lực, khi các số liệu mới công bố và dự báo của giới chuyên gia đều cho thấy những tín hiệu đáng lo ngại.

Theo số liệu của Văn phòng nội các Nhật Bản công bố ngày 16/5, tổng sản phẩm quốc nội GDP trong ba tháng đầu năm nay đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu quý giảm đầu tiên trong vòng một năm. Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 0,2% theo dự báo trung bình của thị trường và là sự đảo chiều mạnh so với mức tăng trưởng 2,4% của quý trước đó. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng, nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý hiện tại.

Sự suy giảm trong xuất khẩu cùng với việc nhập khẩu tăng mạnh đã khiến cán cân thương mại trở thành yếu tố kéo lùi tăng trưởng trong quý đầu năm, sau khi từng đóng vai trò thúc đẩy kinh tế vào quý trước đó. Chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm khoảng một nửa nền kinh tế – gần như không đổi, tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn thời kỳ trước đại dịch do lạm phát làm giảm sức mua của người dân.

Chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản đang tăng vượt xa mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong năm nay, chủ yếu do giá thực phẩm leo thang. Giá gạo – lương thực chủ yếu của người dân Nhật – đã tăng vọt 92% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhanh nhất trong dữ liệu kể từ năm 1971. Đài truyền hình NHK cho biết, một số trường công lập đã phải giảm số bữa trưa có gạo từ ba xuống còn hai lần mỗi tuần để tiết kiệm chi phí.

Theo báo cáo do Tokyo Shoko Research công bố ngày 12/5, Nhật Bản có hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong tháng 4/2025, với khoản nợ từ 10 triệu yên trở lên. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã tăng nhẹ, chủ yếu do các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nền tảng tài chính yếu kém không thể trụ vững trước cơn bão lạm phát và thiếu hụt lao động.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp phá sản do thiếu hụt lao động tăng lên 36 vụ, so với 25 vụ cùng kỳ năm ngoái. Các vụ phá sản do tác động của lạm phát vẫn ở mức cao, với 56 trường hợp, giảm nhẹ so với 60 vụ vào tháng 4/2024.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lương thực tế, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, một chỉ số quan trọng phản ánh sức mua của các hộ gia đình, trong tháng 3/2025 đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp sau mức giảm 1,5% (đã điều chỉnh) trong tháng 2/2025 và 2,8% trong tháng 1/2025.

Ngày 1/5, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cắt giảm dự báo kinh tế và lạm phát cho năm 2025 trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tác động mức thuế quan nặng nề của Mỹ. Trong báo cáo triển vọng quý mới nhất, BOJ kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm tài chính hiện tại bắt đầu vào tháng 4, so với mức dự báo trước đó là tăng trưởng 1,1%. Giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm thực phẩm tươi sống biến động, dự kiến sẽ tăng 2,2%, so với mức dự báo 2,4% vào tháng 1.

Việc điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng rằng thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu, làm phức tạp thêm nỗ lực bình thường hóa chính sách tiền tệ của BOJ. Cuộc chiến thương mại toàn cầu do Mỹ khơi mào đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh và gây khó khăn cho BOJ trong việc xác định thời điểm và phạm vi điều chỉnh lãi suất. Sau khi chấm dứt chính sách kích thích tiền tệ kéo dài cả thập kỷ vào năm ngoái, BOJ đã nâng lãi suất chuẩn lên 0,5% trong tháng 1 và cho biết sẵn sàng tiếp tục tăng chi phí vay nếu đà phục hồi kinh tế ổn định, giúp Nhật đạt mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

Dự báo lợi nhuận của các hãng ô tô Nhật Bản giảm

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là thuế đánh vào ô tô nhập khẩu, đang đe dọa nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Nhật Bản có thể giảm tới 2% trong những năm tới. Sự không chắc chắn về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Các hãng dự đoán lợi nhuận sẽ giảm trong năm tài chính hiện nay kết thúc vào tháng 3 sang năm hoặc cảm thấy không thể đưa ra bất kỳ dự báo nào.

Trong báo cáo tài chính mới nhất công bố ngày 8/5, Toyota dự báo lợi nhuận ròng của hãng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026 có thể giảm tới 34,9%. Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động cũng được dự đoán sẽ sụt giảm hơn 20%.

Cụ thể, Toyota ước tính lợi nhuận hoạt động sẽ giảm 20,8% xuống còn 3.800 tỷ yên (khoảng 26 tỷ USD), so với mức 4.800 tỷ yên (32 tỷ USD) đạt được trong năm tài chính vừa qua. Lợi nhuận ròng dự kiến giảm gần 30%, chỉ còn 3.100 tỷ yên (21,5 tỷ USD).

Thuế quan của Mỹ được xem là nguyên nhân chính, nhưng không phải là lý do duy nhất khiến Toyota đưa ra dự báo ảm đạm này. Hãng xe Nhật dự kiến chịu tổn thất 745 tỷ yên (5,1 tỷ USD) do đồng yên tăng giá so với USD. Cùng đó, giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây thiệt hại thêm 350 tỷ yên (2,4 tỷ USD). Riêng phần tác động từ các đợt áp thuế mới của Mỹ trong tháng 4 và 5 năm nay, Toyota ước tính thiệt hại khoảng 180 tỷ yên (1,2 tỷ USD).

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Toyota, ông Koji Sato, cho biết hiện Mỹ vẫn đang tiếp tục điều chỉnh chính sách thuế, nên rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, Toyota đã đưa phần tác động từ những chính sách đã được áp dụng vào dự báo cho năm tài chính hiện tại.

Trong khi đó, Nissan Motor công bố kế hoạch cắt giảm chi phí quy mô lớn, bao gồm việc sa thải thêm 11.000 nhân viên và đóng cửa 7 nhà máy, kết thúc một năm đầy khó khăn khi hãng xe Nhật Bản chật vật tìm cách phục hồi. Nissan không đưa ra dự báo tài chính cho năm tài khóa mới, sau khi lợi nhuận năm vừa qua giảm mạnh. Cụ thể, lợi nhuận hoạt động chỉ đạt 69,8 tỷ yên (472 triệu USD), giảm 88% so với năm trước đó.

Hãng xe này chịu thiệt hại nặng do doanh số sụt giảm tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán sáp nhập với Honda thất bại và CEO cũ bị thay thế gần đây. Ngoài ra, Nissan cũng chịu áp lực từ thuế nhập khẩu và sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng xe điện Trung Quốc tại Đông Nam Á. Tổng Giám đốc điều hành mới của Nissan, Ivan Espinosa cho biết, công ty đang hướng tới mục tiêu tiết kiệm tổng cộng khoảng 500 tỷ yên, nhưng thừa nhận Nissan đang đối mặt với thực trạng khó khăn.

Kết quả tài chính cả năm là hồi chuông cảnh tỉnh. Chi phí biến đổi đang tăng, trong khi chi phí cố định đã vượt quá doanh thu hiện tại.

Ông Ivan Espinosa - Tổng Giám đốc điều hành của Nissan.

Với đợt cắt giảm mới, tổng số nhân viên bị sa thải sẽ lên tới khoảng 20.000 người. Nissan cũng sẽ thu hẹp số nhà máy sản xuất từ 17 còn 10, đồng thời giảm 70% sự phức tạp trong hệ thống linh kiện. Tuy nhiên, công ty không nêu rõ những nhà máy nào sẽ bị đóng cửa.

Ngày 13/5, Honda Motor – nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Nhật Bản – công bố dự báo lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính hiện tại sẽ giảm 59%, do tác động từ các mức thuế nhập khẩu do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt cùng với sự tăng giá của đồng yên, dù nhu cầu đối với dòng xe hybrid của hãng vẫn tăng.

Cụ thể, Honda ước tính lợi nhuận hoạt động trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2026 sẽ đạt khoảng 500 tỷ yên (tương đương 3,38 tỷ USD), giảm mạnh so với mức 1.210 tỷ yên trong năm tài chính vừa qua.

Dự báo này là minh chứng mới nhất cho thấy những khó khăn mà các hãng ô tô đang đối mặt, khi phải xoay xở giữa chính sách thuế của Mỹ đối với xe sản xuất ở nước ngoài và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các nhà sản xuất xe điện (EV) Trung Quốc.

Cũng trong thông báo ngày 13/5, Honda cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng xe điện tại tỉnh Ontario, Canada, vốn được công bố vào tháng 4/2024. Hãng cho biết quyết định tạm hoãn trong khoảng hai năm này là do nhu cầu xe điện đang chững lại.

Hầu hết các loại xe nhập khẩu vào Mỹ đều bị đánh thuế 25% vào ngày 3/4, trong khi hầu hết các linh kiện ô tô phải chịu mức thuế đó kể từ ngày 3/5. Bà Yayoi Sakanaka, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu và Công nghệ Mizuho, cho biết thuế quan của Mỹ sẽ giáng đòn nặng nề vào lĩnh vực ô tô – ngành trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản.

Toàn bộ ngành công nghiệp ô tô sẽ đối mặt với những tác động cực kỳ nghiêm trọng. Đây là ngành then chốt, có mạng lưới đối tác rộng khắp và chuỗi cung ứng sâu rộng. Do đó, nếu ngành này bị ảnh hưởng mạnh, điều đó có thể gây ra xáo trộn lớn đối với kinh tế Nhật Bản.

Chuyên gia kinh tế Yayoi Sakanaka - Viện Nghiên cứu và công nghệ Mizuho.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng các nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng phụ thuộc vào một số linh kiện do Nhật Bản sản xuất, và việc áp thuế cao sẽ khiến chi phí sản xuất tăng mạnh, đồng thời làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chính phủ Nhật Bản vẫn đang trong quá trình đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và tìm cách yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan mới. Hai nước đã có ba vòng đàm phán thương mại nhưng chưa đi đến thỏa thuận. Thuế quan ô tô bị xem là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với Nhật Bản, vì ngành công nghiệp ô tô là một trụ cột của nền kinh tế nước này.

Trong năm ngoái, khoảng 5,9 triệu xe của 6 hãng ô tô Nhật Bản - bao gồm xe sản xuất trong nước Mỹ và xe nhập khẩu đã được bán ra tại thị trường này.

Nhật Bản thận trọng giảm thuế tiêu dùng

Tình trạng tăng trưởng suy giảm càng làm nóng thêm cuộc tranh luận về việc Nhật Bản có nên cắt giảm thuế tiêu dùng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào mùa hè năm nay. Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bày tỏ sự thận trọng đối với việc cắt giảm thuế tiêu dùng như một biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, vì ông cho rằng việc sụt giảm nguồn thu từ thuế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Ishiba và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã tỏ ra không mấy ủng hộ việc cắt giảm thuế tiêu dùng (hiện là 8% đối với thực phẩm, đồ uống và 10% với các mặt hàng khác), trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang chuẩn bị tung ra một gói chính sách kinh tế trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa hè này.

Nếu chúng ta đột nhiên giảm thuế tiêu dùng thì tài chính của đất nước sẽ ra sao? Chúng ta phải suy nghĩ xem liệu có cách nào khác để giúp đỡ những người thực sự cần giúp đỡ hay không.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Khi các đảng đối lập đồng loạt ủng hộ việc giảm thuế tiêu dùng trước kỳ bầu cử, một cuộc tranh luận đã nổ ra giữa các quan chức chính phủ, những thành viên LDP cũng như đảng liên minh Komeito ủng hộ giảm thuế.

Ông Yoshihiko Noda, Chủ tịch Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) - đảng đối lập lớn nhất tại Nhật Bản, đã đưa ra đề xuất miễn thuế tiêu dùng đối với thực phẩm, coi đây là một trong những cam kết mạnh mẽ nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri trước thềm bầu cử Thượng viện. Việc cắt giảm thuế tiêu dùng nói chung có thể kích thích tiêu dùng và tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhưng lại đi kèm nguy cơ làm giảm quỹ an sinh xã hội.

Theo ông Takahide Kiuchi thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nomura, nếu giảm 2% thuế tiêu dùng sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản tăng 0,4%, còn nếu giảm xuống đến mức 0% sẽ giúp GDP tăng tới 2%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nhật Bản ước tính nếu thuế tiêu dùng được giảm xuống mức 5% thì quỹ an sinh xã hội sẽ thiếu hụt khoảng 15.000 tỷ yên (khoảng 105 tỷ USD).

Hiện nay, các đảng đối lập khác như Đảng Duy Tân Nhật Bản và Đảng Dân chủ vì nhân dân cũng đang kêu gọi giảm thuế tiêu dùng trước thềm bầu cử Thượng viện sắp tới. Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản dự kiến diễn ra vào mùa hè 2025 nhằm bầu lại 50% số ghế. Cuộc bầu cử này được coi là phép thử đối với chính quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ đang làm gia tăng bất ổn kinh tế tại Nhật Bản. Trong khi tình hình kinh tế ảm đạm có thể gia tăng áp lực lên Thủ tướng  Ishiba, buộc ông phải lắng nghe yêu cầu của các nghị sĩ về việc giảm thuế hoặc đưa ra gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế thứ tư thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một vụ nổ bom nghiêm trọng đã xảy ra bên ngoài một cơ sở y tế chuyên về sức khỏe sinh sản tại bang California, Mỹ, khiến ít nhất một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ nói chuyện riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 19/5, nhằm thúc giục hai bên đạt được lệnh ngừng bắn.

Một tàu hải quân Mexico đã bất ngờ va chạm với cầu Brooklyn – cây cầu mang tính biểu tượng của thành phố New York – trong khuôn khổ chuyến ghé thăm quảng bá tại Mỹ.

Lực lượng an ninh Mexico đã bắt giữ 9 nghi phạm và tiêu diệt 12 thành viên khác của một băng nhóm tội phạm, trong chiến dịch diễn ra tại vùng nông thôn Tây Nam Mexico vào thứ Bảy (17/5).

Ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong đêm tại bang Kentucky và Missouri khi các cơn bão lớn kèm theo lốc xoáy quét qua hai bang này, giới chức địa phương cảnh báo con số thương vong có thể tiếp tục gia tăng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu chuỗi siêu thị Walmart “tự chịu thuế quan” và không được tăng giá vì thuế cao.