Hà Nội những ngày giáp Tết
Những ngày cuối tháng Chạp, nhiều người đi mua hoa về để cúng lễ, tảo mộ cuối năm, hay trang trí nhà cửa. Cũng có không ít người tranh thủ mua hoa về chơi Tết sớm. Từ 6h sáng, cửa hàng hoa nhà chị Nguyễn Thị Huyền ở một góc chợ truyền thống đã có khách, bởi có đa dạng các loại hoa phục vụ người dân trong dịp xuân sang.
Chợ Tết cuối năm luôn tấp nập, đông vui. Cả một năm làm lụng vất vả, đây là dịp mọi người dành thời gian để sắm sửa cho những ngày Tết. Những món ăn sáng tiện lợi như ngô, khoai luộc thay cho bát phở, tô bún quen thuộc không chỉ giúp lót dạ cho bữa sáng, mà còn tiết kiệm thời gian để mọi người tiếp tục hành trình mua sắm Tết.
Chị Vũ Thị Dung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, những ngày giáp Tết, việc buôn bán có phần vất vả, tuy nhiên lại đắt hàng hơn chút, nên chị cố gắng đi làm để có mùa Tết ấm no.
Trên những con phố của Thủ đô Hà Nội những ngày cuối năm, trong cái hối hả của phố xá, những chiếc xe chở cành đào Nhật Tân đã xuất hiện khắp nơi như mang cả mùa xuân về với thành phố.
Ở phố Hàng Mã, con phố nhỏ giữa lòng Hà Nội, những ngày giáp Tết khoác lên mình chiếc áo mới, rực rỡ và sôi động hơn bao giờ hết. Sắc đỏ của đèn lồng và những món đồ trang trí truyền thống tạo nên không khí Tết trở nên ngập tràn khắp nơi. Theo ông Ngô Quang Lực, một người bán hàng đã lâu năm trên phố Hàng Mã, thời gian trước Tết là khoảng thời gian vui nhất, bởi những ngày này, mọi người đều sửa sang, trang trí nhà cửa để cầu mong điều tốt đẹp trong năm mới. Không khí nhộn nhịp ấy chỉ kéo dài trong khoảng hai tuần, nên dù có mệt mỏi, ông Lực vẫn cảm thấy rất vui.
Không chỉ trang hoàng nhà cửa, những ngày này, người Hà Nội cũng tranh thủ đi mua sắm thực phẩm cúng Tết ông Công ông Táo và cả mâm cỗ tất niên. Vậy nên các cửa hàng giò chả truyền thống cũng luôn trong tình trạng đông đúc.
Những ngày giáp Tết, nhịp sống Hà Nội dường như nhanh hơn bao giờ hết. Trên những con đường lớn, dòng người tất bật hối hả, ai cũng vội vã tranh thủ từng phút giây để chuẩn bị cho ngày Tết đang đến rất gần. Thế nhưng, chỉ cần rẽ vào một góc phố cổ, người ta lại bắt gặp một nhịp sống rất khác. Những người phụ nữ cao tuổi không phải bận rộn sắm sửa cho ngày Tết như những người trẻ, họ lại dành thời gian thảnh thơi uống chén trà nóng và chia sẻ những câu chuyện cuối năm với hàng xóm và người bạn của mình. Giữa cái tất bật, hối hả của thành phố, các bà, các mẹ vẫn giữ cho mình một khoảng trời riêng, nơi thời gian trôi qua chậm rãi, chỉ có những câu chuyện đời thường và nỗi nhớ Tết xưa là kéo dài mãi.
Bà Tạ Phương Anh (Hàng Vải, Hoàn Kiếm) cho biết: "Ở đâu có thể tắc, nhưng riêng phố cổ lúc nào cũng thanh bình, êm đẹp, lúc nào cũng ấm áp. Thời gian này, có thể gặp bàn bè hàn huyên, hay sắm sửa cho nhà cửa... Hà Nội không vội được đâu!"
Nhịp sống Hà Nội những ngày giáp Tết là nét giao thoa đầy màu sắc giữa sự hối hả, bận rộn và những khoảnh khắc bình yên, thư thái. Dù mỗi người có cách đón Tết riêng, nhưng trong lòng mỗi người Hà Nội, những ngày cuối năm mới thực sự đem lại cảm giác về một cái Tết nữa lại sắp sửa đến.


Trong không gian rộn ràng tiếng máy móc và mùi kim loại, xưởng cơ khí không chỉ là nơi chế tạo nên những cỗ máy mà còn là sân khấu của những người thợ lành nghề.
Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.
Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.
Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.
0