Vì sao Hà Nội hửng nắng khi bão số 3 đổ bộ?

Trong khi bão số 3 đang đổ bộ vào đất liền, nhiều người dân ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lại ngạc nhiên khi thấy trời giảm mưa, thậm chí hửng nắng. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?

Các chuyên gia khí tượng đã lý giải hiện tượng này là do đặc điểm cấu trúc không đối xứng của cơn bão, với vùng mây gây mưa lớn tập trung chủ yếu ở phía Nam của tâm bão.

Tâm mưa của bão lệch về phía Nam

Phân tích về đặc điểm của cơn bão, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết đặc điểm nổi bật của bão số 3 là vùng mây hoàn lưu nằm tập trung chính ở phía Nam tâm bão.

Đài PTTH Hà Nội
Bản đồ phân bố lượng mưa.

Ông Khiêm giải thích rằng, khi bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, từ vùng biển Quảng Ninh về phía Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình, nó đã "kéo" theo vùng mây mưa dày đặc ở phía Nam. "Chính vì vậy, cùng với quá trình di chuyển của bão số 3, vùng mây hoàn lưu của bão cũng dịch chuyển xuống phía Nam. Hiện nay hoàn lưu mây bão đang bao trùm và gây mưa ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và một phần Hà Tĩnh", ông Khiêm phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh điều này không có nghĩa là các tỉnh thành ở phía Bắc hoàn lưu bão đã hết mưa hoàn toàn, mà mưa sẽ chỉ mang tính gián đoạn và không lớn như ở phía Nam.

Sự phân bố mây không đồng đều trong cùng cơn bão

Lý giải sâu hơn về việc một số nơi hửng nắng, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết không phải tất cả vùng mây trong một cơn bão đều có khả năng gây mưa.

Ông Lâm cho hay: "Trong cùng một hệ thống mây, cùng một thời điểm nhưng sẽ có thời tiết khác nhau và hệ thống thời tiết sẽ di chuyển liên tục". Ông dẫn chứng cụ thể qua việc theo dõi lúc 10h sáng 22/7: Tại khu vực sân bay Nội Bài (Hà Nội) trời hửng nắng. Khu vực nội thành và phía Tây Hà Nội nhiều mây nhưng không mưa. Trong khi đó, phía Nam Hà Nội như ở Mỹ Đức lại có mưa nhỏ. Tương tự, một số xã phía sâu trong đất liền của Hưng Yên (trước đây thuộc Thái Bình) có thời tiết tương đối đẹp, nhưng các xã ven biển của Hưng Yên và Ninh Bình lại đang có mưa to.

Mưa lớn tại phía nam đường đi của bão

Thực tế đã chứng minh cho nhận định của các chuyên gia. Trong đêm 21 và sáng 22/7, những nơi ghi nhận mưa rất to đều nằm ở phía Nam của tâm bão như Đồng Giao (Ninh Bình) 214mm, Hải Đường (Ninh Bình) 213mm, và Nga Thiện (Thanh Hóa) 234mm.

Trưa 22/7, ngay sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An – phía Nam đường đi của bão đã có mưa lớn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ qua đã gây lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng tại xã Yên Hòa (Nghệ An). Nước lũ dâng cao đã làm ngập sâu cầu tràn khe Chon hơn 1 mét, chia cắt hoàn toàn hơn 200 hộ dân, trong khi chính quyền địa phương đang khẩn trương lập chốt chặn và sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm.

Trong khi đó tại xã Hóa Quỳ (Thanh Hóa) có mưa to đến rất to, gây ngập cục bộ ở nhiều nơi. Tại làng Mài và làng Sao có hơn 200 hộ dân đang bị cô lập do tuyến đường tràn bị ngập sâu, các phương tiện không thể di chuyển qua lại. Chính quyền địa phương đã phối hợp cùng lực lượng chức năng tổ chức tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân. Ngoài ra, trong xã có hai hộ thuộc khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn.

Dự báo từ nay đến ngày 23/7, khu vực trọng tâm mưa to đến rất to vẫn là Thanh Hóa và Nghệ An, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm, tiếp tục gây ra nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời