Về miền Ví, Giặm

Không biết tự lúc nào câu Ví, Giặm được sinh ra và nó được hoài thai từ đâu: từ hồn người, từ đất, hay từ mưa giông, nắng hạ?, mà sao nó ngọt ngào đến thế, ru vỗ hồn người đến thế.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giờ đây không còn chỉ là của người Nghệ Tĩnh. Nó trở thành văn hoá phi vật thể của nhân loại. Nó được nhiều lớp người, nhiều thế hệ mến yêu. Nó là sản phẩm văn hoá tinh thần của cõi người được chưng cất từ tâm hồn của bao lớp nghệ nhân dân gian. Có màu xanh thẳm của dòng nước Lam Giang, có điệu dặt dìu của thông reo ngàn Hống, có cái thâm trầm như triết lý của những danh nho. Bởi vậy, khi núi Hồng vẫn xanh, sông Lam vẫn chảy thì điệu Ví, Giặm vẫn còn có sức trường tồn.

Thuở bé nằm trên cánh võng, điệu Ví, Giặm theo lời hát ru của mẹ cứ bồng bềnh trong giấc trẻ thơ tôi. Dòng sữa ngọt ngào thơm mát chắt ra từ hồn cốt ông cha đã nuôi tôi lớn lên, trưởng thành và nâng bước tôi đi đến những miền đất lạ. Từ những bài học, những trang viết và cả những ứng xử trong đời đều nhắc nhở với tôi rằng hồn Ví, Giặm trong tôi luôn hiện hữu.

Đi xa, những lúc nhớ nhà, nhớ quê, nghe câu hát dân ca xứ Nghệ, lòng lại cháy lên như lửa. Và chính những lúc ấy, tôi càng yêu hơn điệu dân ca được sinh ra, lớn dần lên bên những luống cày từ buổi khai thiên tịch địa cho đến bây giờ.

Cũng bởi tình yêu cái điệu hồn quê da diết ấy mà nhạc sĩ An Thuyên có bài hát để đời.

"Câu đò đưa thầm gọi

Tôi ghé về tuổi thơ

Người xưa đâu xa vắng

Ai đưa tôi qua đò".

Trong cái quy luật của đất trời, con người phải không ngừng đấu tranh để bảo vệ sự sống còn. Nào thiên tai, nào địch hoạ… Cái thứ nghệ thuật sinh ra từ giông bão của đời ấy nó mới đủ sức lay động, nó mới không lạc điệu, nó mới đủ sức chinh phục lòng người.

Tôi lớn lên, xa nhà, vào với Trường Sơn. Khỏi có thể nói hết nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn. Câu Ví, Giặm đã nhiều lần làm tôi rưng rức.

Còn nhớ vào một buổi trưa hè trên đất nước hoa Chăm Pa, đang bồi hồi khi nghe tiếng gà trưa não nùng vọng về từ một cõi xa xôi nào đó, rồi thì từ bên phòng tuyên huấn sư đoàn, câu dân ca xứ Nghệ cất lên: "Có thương nhau thì thương cho chắc/Bằng có trục trặc thì trục trặc đi luôn/Đừng như con thỏ đứng đầu truông/Khi vui giỡn bóng, khi buồn ngắm trăng", thì cái mạch nguồn của nỗi nhớ nó dâng lên, tràn ra. Tôi bật khóc! Cái tuổi mười tám nó thế và cũng tại cái hồn quê, chất quê đã chạm vào cái khoảnh khắc nhạy cảm nhất, mềm yếu nhất của cõi lòng.

Rồi tôi trở về Trường Đại học Sư phạm Vinh, ngôi trường tôi yêu, tôi khao khát. Hành trình tuổi thơ tôi cho đến lúc được về trường là một cuộc dấn thân đầy đam mê. Những năm tháng ấy, câu Ví, Giặm như suối nguồn tuôn chảy trong tôi. Bằng những buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học dân gian; bằng những đêm biểu diễn trên sân khấu nhà trường; bằng cả những ngày đưa vở kịch thơ do thầy Trần Lê Xuân, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của trường, ra Hà Nội hội diễn.

Tôi yêu điệu Ví, Giặm cũng bởi những tiết dạy về văn học dân gian của thầy Hoàng Tiến Tựu, Chủ nhiệm khoa Văn của trường: nó đẹp quá, đời sống quá! Sức hút từ những bài giảng của thầy làm cho tụi sinh viên bọn tôi hồi đó mê mẩn. Đến nỗi khi tiếng trống báo hiệu hết giờ thì sinh viên vỡ oà vì tiếc nuối. Chẳng khác nào những thực khách đang say sưa với những món đặc sản hạng nhất trong một bữa tiệc đêm thì mất điện.

Và bây giờ thầy đã về với đất. Hy vọng rằng, dưới lớp lớp trầm tích kia, hồn thầy vẫn tiếp tục chăm sóc cho vườn văn hoá dân gian xứ Nghệ ngày càng đẹp hơn, nhiều hương sắc hơn.

Những năm tháng ở trường Vinh, cứ mỗi buổi chiều, sau giờ ăn cơm, tiếng nhạc dân ca lại nổi lên ở phòng tập, lòng tôi lại xốn xang khôn tả. Cái điệu nhạc dụ hồn người quên tất cả để tận hưởng tận cùng mê đắm cái tinh hoa, cái hương nhuỵ của hồn quê.

Giờ sống xa quê, mỗi lần nghe câu Ví, Giặm cất lên là tôi thấy cả bát ngát trời quê ở đó.

Lê Nguyễn

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Khởi công, khánh thành 80 dự án với tổng vốn đầu tư 445.000 tỷ đồng; Khởi công nút giao Vành đai 3,5 – Đại lộ Thăng Long; Chính thức thông xe đường Lê Quang Đạo kéo dài; Israel không loại trừ khả năng tấn công Iran;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump. Không chỉ doanh nghiệp, người dân Hàn Quốc, Nhật Bản cũng rất lo lắng, đặc biệt khi ngành ô tô đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ đe doạ đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này.

Quảng Ninh: Toàn cảnh vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng; Dập tắt đám cháy tại khu lán xưởng trái phép; Kịp thời giải cứu người bị mắc kẹt trong thang máy;... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.

Thủ tướng chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; Khởi công dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long; Mỹ cảnh báo rút khỏi vai trò trung gian cho tiến trình hòa bình tại Ukraina;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.

Thủ tướng chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; Hà Nội khởi công nút giao lớn kết nối hai tuyến đường quan trọng; Sao Khuê 2025: Vinh danh 198 nền tảng, dịch vụ, giải pháp số xuất sắc; Hôm nay, Iran và Mỹ tổ chức đàm phán tại Rome;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

“Cu li không bao giờ khóc” giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á; Vân Hugo và loạt sao Việt xin lỗi vụ quảng cáo sữa; Dàn hoa hậu khoe sắc trong MV nghệ sĩ Hàn Quốc;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.