Vaccine trị ung thư của Nga khi nào có tại Việt Nam?
Năm 2024, Nga công bố phát triển thành công loại vaccine điều trị ung thư - một trong những thành tựu khoa học đột phá trong lĩnh vực y học. Không dừng lại ở nghiên cứu, Nga đang gấp rút triển khai chương trình vaccine ứng dụng công nghệ mRNA tiên tiến kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để "may đo" phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân ung thư - mỗi bệnh nhân sẽ có loại vaccine được điều chế riêng và liệu trình điều trị riêng.
Việt Nam cũng đã nhanh chóng thể hiện sự quan tâm đặc biệt và có những bước đi cụ thể, mạnh mẽ, quyết tâm ứng dụng công nghệ đột phá này thông qua các thỏa thuận hợp tác vừa được ký vào ngày 10/5, mở ra cơ hội để người bệnh ung thư sớm tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại hàng đầu thế giới ngay tại trong nước.

Khi nào vaccine điều trị ung thư của Nga được triển khai tại Việt Nam?
Theo TTXVN, tối ngày 10/5 (giờ Việt Nam), tại Moskva, Công ty vaccine Việt Nam (VNVC) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc sinh học tiên tiến dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Văn kiện ký kết này diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Tô Lâm, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường hợp tác y sinh giữa Việt Nam và Nga.
Theo thỏa thuận, VNVC và RDIF sẽ cùng nhau thảo luận để xây dựng một nền tảng hợp tác sâu rộng về công nghệ cao trong lĩnh vực y sinh, tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các loại thuốc sinh học và vaccine công nghệ cao. Mục tiêu hàng đầu và được nêu rõ của VNVC là "sớm đưa về Việt Nam loại vaccine điều trị ung thư tiềm năng trên công nghệ mRNA hiện đại hàng đầu hiện nay mà phía Nga đã công bố gần đây".
Không chỉ dừng lại ở thỏa thuận với RDIF, VNVC còn mở rộng hợp tác trực tiếp với Trung tâm Gamaleya trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học, đồng thời ký kết với Tập đoàn dược phẩm Binnopharm của Nga.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty vaccine VNVC khẳng định ý nghĩa quan trọng của sự kiện này: “Đây là cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận, thử nghiệm các vaccine trên công nghệ mRNA tiên tiến bậc nhất mà phía Nga đang đẩy mạnh nghiên cứu phát triển".

Ngay sau lễ ký kết, VNVC sẽ khẩn trương thực hiện các hoạt động trao đổi khoa học với các nhà khoa học hàng đầu từ nhiều viện nghiên cứu và bệnh viện uy tín của Nga. Mục tiêu là tiếp nhận chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Đáng chú ý, VNVC đặc biệt quan tâm đến việc nghiên cứu và triển khai khả năng sản xuất vaccine theo mô hình “chu trình toàn diện, khép kín hoàn toàn" ngay tại Việt Nam. Hoạt động này sẽ tập trung vào các sản phẩm dược phẩm là thế mạnh của Binnopharm cùng các sản phẩm quan trọng khác, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư công nghệ cao.
VNVC bày tỏ mong muốn mạnh mẽ đưa các vaccine công nghệ mRNA đầy tiềm năng của Nga về Việt Nam ngay từ giai đoạn thử nghiệm lâm sàng sớm. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội quý báu để người bệnh ung thư tại Việt Nam được tiếp cận với những giải pháp điều trị hiện đại hàng đầu thế giới, hứa hẹn nâng cao đáng kể tỷ lệ thành công sau điều trị. Việc tiến hành thử nghiệm lâm sàng ngay tại Việt Nam cũng được xem là yếu tố then chốt giúp quá trình đăng ký cấp phép và thương mại hóa sản phẩm tại Việt Nam diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn ngay khi vaccine chứng minh được hiệu quả tối ưu.
Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài kiêm Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đánh giá cao tiềm năng hợp tác y sinh giữa hai quốc gia. Ông gợi nhắc lại kinh nghiệm hợp tác thành công trong đại dịch COVID-19, khi Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê duyệt và sử dụng vaccine Sputnik V của Nga. Ông Dmitriev nhấn mạnh: “Khung hợp tác chúng tôi công bố hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang tính tiên phong".
Đối với Việt Nam, thỏa thuận hợp tác này mang ý nghĩa chiến lược và nhân văn sâu sắc. Ông Ngô Chí Dũng chỉ rõ, trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới và tử vong do ung thư - một gánh nặng y tế và xã hội khổng lồ - thỏa thuận này mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư bằng vaccine ngay tại Việt Nam. Điều này không chỉ góp phần tiết kiệm chi phí điều trị đắt đỏ ở nước ngoài mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân Việt Nam. Sự kiện này đồng thời khẳng định nỗ lực không ngừng của ngành y tế Việt Nam, mà VNVC là đại diện, trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đầu tư phát triển năng lực sản xuất vaccine hiện đại ngay tại quê nhà, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Với thỏa thuận vừa ký kết, VNVC không chỉ tham gia vào quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và thương mại hóa sản phẩm mà còn đứng trước cơ hội vàng để sản xuất vaccine ung thư ngay tại Nhà máy sản xuất vaccine và sinh phẩm VNVC đặt tại Long An.
Vaccine điều trị ung thư của Nga hoạt động như thế nào?
Thông tin về loại vaccine điều trị ung thư thế hệ mới này bắt đầu được lan truyền mạnh mẽ từ cuối năm 2024. Điểm khác biệt cốt lõi so với vaccine phòng ngừa thông thường nằm ở mục tiêu: thay vì ngăn chặn ung thư hình thành, vaccine này được thiết kế để trực tiếp tấn công các tế bào ung thư đã tồn tại trong cơ thể người bệnh. Nền tảng công nghệ mRNA, vốn đã chứng minh hiệu quả vượt trội qua đại dịch COVID-19, đóng vai trò trung tâm trong công trình nghiên cứu này.
Thành tựu đột phá này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu của Nga. Trung tâm Nghiên cứu Y học Phóng xạ Quốc gia thuộc Bộ Y tế Nga, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia ung bướu danh tiếng - Bác sĩ Andrey Kaprin, là đơn vị tiên phong công bố những thông tin quan trọng về chương trình phát triển vaccine đặc biệt này. Chia sẻ trên đài Radio Rossiya, bác sĩ Kaprin khẳng định: "Nga đã phát triển thành công vaccine mRNA chống ung thư và chúng tôi cam kết sẽ phân phối miễn phí cho bệnh nhân trong năm 2025. Đây là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại ung thư".
Đóng góp không nhỏ vào giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng là Trung tâm Gamaleya Quốc gia về Dịch tễ học và Vi sinh vật học, đơn vị từng phát triển loại vaccine Sputnik V ngừa COVID-19. Giám đốc Trung tâm Gamaleya, Alexander Gintsburg, công bố: “Các thử nghiệm tiền lâm sàng đã chứng minh vaccine có khả năng ức chế sự phát triển của khối u và ngăn ngừa di căn. Chúng tôi tin rằng vaccine này sẽ mang lại hiệu quả cao trong điều trị ung thư trên người”.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế Sinh học Liên bang (FMBA), do Bà Veronika Skvortsova đứng đầu, tập trung nghiên cứu các vaccine đặc hiệu cho từng loại ung thư, với điểm nhấn là ung thư đại tràng. Bà Skvortsova nhấn mạnh: “Chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu về ung thư đại tràng và sẵn sàng triển khai vaccine này". Bà cũng khẳng định chính sách triển khai miễn phí thể hiện trách nhiệm cao của nhà nước đối với sức khỏe cộng đồng. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ cấp cao là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy dự án, với tuyên bố công khai của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2/2024 rằng, Nga "đang rất gần với việc tạo ra vaccine chống ung thư", nhấn mạnh đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
Theo công bố từ 3 đơn vị chu chốt phối hợp phát triển dự án này, những kết quả từ các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật đã mang lại tín hiệu tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho những kỳ vọng ở giai đoạn thử nghiệm trên người sắp tới. Trung tâm Gamaleya báo cáo rằng, vaccine đã chứng minh khả năng ức chế hiệu quả sự phát triển của khối u và ngăn chặn di căn ở các động vật thí nghiệm. Trong một số trường hợp, kích thước khối u thậm chí đã giảm tới 75-80%. FMBA cũng ghi nhận hiệu quả ấn tượng đối với ung thư đại tràng trong các nghiên cứu riêng của họ. Đáng chú ý, Trung tâm Gamaleya còn ghi nhận những trường hợp khối u ruột và các di căn biến mất hoàn toàn ở chuột thí nghiệm. Giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng quan trọng này đã hoàn tất vào cuối năm 2024, mở đường cho các bước phát triển tiếp theo.

Vaccine điều trị ung thư của Nga có gì đặc biệt?
Điểm đặc biệt làm nên tính đột phá của vaccine này chính là khả năng cá nhân hóa liệu trình điều trị cho từng bệnh nhân, nhờ sự kết hợp chưa từng có giữa công nghệ mRNA và trí tuệ nhân tạo với một quy trình khép kín và tùy biến cho từng bệnh nhân.
Đầu tiên, một mẫu mô từ khối u của bệnh nhân sẽ được phân tích cẩn trọng bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Mục đích là để xác định các neoantigens - những loại protein đặc trưng chỉ tồn tại trên bề mặt tế bào ung thư, khác biệt hoàn toàn với tế bào khỏe mạnh. Dựa trên kết quả phân tích chuyên sâu này, AI sẽ tổng hợp một chuỗi mRNA riêng biệt, được lập trình để mã hóa chính xác các neoantigens đặc trưng của khối u đó.
Khi vaccine chứa chuỗi mRNA cá nhân hóa này được tiêm vào cơ thể, nó sẽ đóng vai trò như một bản hướng dẫn để điều chỉnh các tế bào của bệnh nhân sản xuất ra những neoantigens đặc hiệu này. Hệ miễn dịch của bệnh nhân sau đó sẽ nhận diện các neoantigens này là vật thể lạ, là "kẻ thù" cần tiêu diệt. Điều này kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ và có đích rõ ràng, tấn công và loại bỏ một cách chính xác các tế bào ung thư mang neoantigens tương ứng, đồng thời bỏ qua các tế bào khỏe mạnh.
Ứng dụng công nghệ AI không chỉ mang lại độ chính xác vượt trội trong việc xác định mục tiêu ung thư mà còn rút ngắn đáng kể thời gian sản xuất vaccine. Theo các nhà nghiên cứu, toàn bộ quy trình từ phân tích khối u đến tổng hợp liều vaccine cá nhân hóa có thể được hoàn thành chỉ trong vòng chưa đầy một giờ. Quy trình cá nhân hóa này được xem là yếu tố then chốt, bởi đặc điểm di truyền và tập hợp neoantigens của mỗi khối u ung thư là duy nhất. Vaccine được công bố nhắm đến một phổ rộng các loại ung thư phổ biến và nguy hiểm, bao gồm ung thư da, ung thư thận, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư đại tràng, ung thư não…
Vaccine điều trị ung thư được triển khai tại Nga như thế nào?
Theo lộ trình phát triển được công bố, sau khi hoàn thành thử nghiệm tiền lâm sàng, các thử nghiệm lâm sàng trên người dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, tùy thuộc vào quy trình phê duyệt từ cơ quan quản lý y tế Nga. Bác sĩ Andrey Kaprin từng khẳng định cam kết của đội ngũ nghiên cứu nhằm đảm bảo vaccine sẵn sàng cung cấp trong năm 2025, mang lại lợi ích cho người dân sớm nhất có thể. Điểm mấu chốt và được công chúng kỳ vọng là thời điểm triển khai chính thức và phân phối miễn phí cho người dân Nga, theo kế hoạch sẽ được thực hiện trong năm 2025.
Theo kế hoạch từng được công bố, loại vaccine này sẽ được triển khai tại 18 trung tâm y tế được ủy quyền trên toàn nước Nga. Mạng lưới này được phân bổ một cách chiến lược, bao gồm 9 trung tâm tại Moskva (trong đó có 2 cơ sở thuộc FMBA), 6 trung tâm tại Siberia (gồm 3 cơ sở ở Novosibirsk, 1 ở Irkutsk, 1 ở Kemerovo, và 1 ở Tomsk), cùng với 2 trung tâm tại St. Petersburg. Sự phân bổ này chú trọng đến cả các thành phố lớn tập trung đông dân cư lẫn các vùng xa xôi như Siberia, nơi cơ sở hạ tầng y tế còn nhiều thách thức. Chính phủ Nga khẳng định việc triển khai tại 18 trung tâm sẽ đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận điều trị, bất kể bệnh nhân sinh sống ở đâu.
Một trong những điểm nhấn nhân văn và nổi bật nhất của dự án này là chính sách cung cấp vaccine hoàn toàn miễn phí cho người dân thông qua chương trình y tế quốc gia của Nga. Mặc dù chi phí sản xuất mỗi liều vaccine được ước tính khoảng 300.000 rúp (tương đương khoảng 2.869 USD) - một con số không nhỏ - bệnh nhân sẽ không phải chi trả bất kỳ khoản phí nào nhờ sự tài trợ toàn bộ từ ngân sách nhà nước. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính khổng lồ cho hàng triệu gia đình Nga vốn đang phải vật lộn với chi phí điều trị ung thư, thường có thể lên tới hàng chục nghìn USD cho mỗi bệnh nhân.


Có những người thầy thuốc không chờ bệnh nhân đến với mình mà họ lên đường đi tìm sự sống cho người khác. Đó là những người làm công tác cấp cứu ngoại viện - những người trực chiến 24/7.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa nắn chỉnh thành công cho trẻ 14 tuổi bị gù vẹo cột sống nặng nhờ hệ thống O-arm kết hợp định vị Navigation và giám sát thần kinh trong khi mổ.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các địa phương và lãnh đạo các bệnh viện trên toàn quốc yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Vaccine điều trị ung thư mRNA của Nga với cơ chế hoạt động đặc biệt, một trong những thành tựu khoa học đột phá sẽ sớm có mặt tại Việt Nam, theo thỏa thuận vừa được ký kết giữa Công ty Vaccine Việt Nam (VNVC) và Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF).
Ngành y tế Nga đã gây tiếng vang lớn khi thông báo phát triển một loại vaccine ung thư dựa trên công nghệ tiên tiến mRNA và có kế hoạch cung cấp miễn phí cho bệnh nhân vào năm 2025.
TS Nguyễn Hồng Vũ, cựu nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ), cho biết các tài liệu về lòng xe điếu không nhiều, một số thông tin có lý giải lòng này có thể do quá trình nuôi lợn mắc bệnh đường ruột do vi khuẩn Lawsonia intracellularis, tồn tại ở những nơi mà điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
0