Tin ‘vỡ đê’ ở Hưng Yên do bão số 3 là không chính xác

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khẳng định sự cố tại Hưng Yên sau bão số 3 là tràn bờ bao, không phải vỡ đê như các thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Ngày 23/7, trước một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội gây hiểu nhầm về việc "vỡ đê" tại Hưng Yên, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cùng các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã chính thức bác bỏ. Theo đó, sự cố xảy ra tại khu vực cống Cù Là (xã Hồng Vũ) là hiện tượng tràn bờ bao nằm ngoài hệ thống đê chính, hoàn toàn không phải là vỡ đê.

Sự cố tại khu vực cống Cù Là

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ trưa ngày 22/7, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có mưa lớn và gió mạnh.

Trong báo cáo gửi Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, ông Phí Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, bão số 3 đổ bộ vào Hưng Yên từ trưa ngày 22/7 với sức gió giật cấp 8, cấp 9, kèm mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được từ 19h ngày 20/7 đến 13h ngày 22/7 ở khu vực phía Bắc tỉnh Hưng Yên phổ biến từ 40 - 80mm, phía Nam của tỉnh này phổ biến từ 100 - 200mm.

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số vị trí bờ bao ở các khu vực cửa sông, ven biển, khu vực thấp trũng cửa sông Hồng, sông Trà Lý và các bãi bồi ven sông bị tràn. Trong đó có sự cố tràn bờ bao kênh Cù Là (nằm phía ngoài đê Tả Hồng Hà II), xã Hồng Vũ với tổng chiều dài các vị trí tràn 80m. Sự cố trên xảy ra tại bờ kênh dẫn, không phải tuyến đê bối và đê Hồng Hà II”.

Ông Phí Quốc Việt nêu rõ.

Sự cố này đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 42 hộ dân sinh sống tại khu vực bãi bồi ven sông, nằm phía ngoài tuyến đê Tả Hồng Hà II.

Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai nhấn mạnh đây là bờ bao thấp, có chức năng cục bộ và thường xuyên chịu áp lực khi có mưa lớn, đặc biệt khi trạm bơm tiêu vận hành để xả lũ ra sông. Vị trí này nằm hoàn toàn bên ngoài hệ thống đê điều quốc gia được bảo vệ kiên cố.

Đài PTTH Hà Nội
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên đã điều động 60 chiến sĩ cùng chính quyền và nhân dân xã Hồng Vũ khắc phục sự cố - Ảnh: Cổng thông tin điện tử xã Hồng Vũ, tỉnh Hưng Yên.

"Bờ bao" và "đê điều" là hai khái niệm khác nhau

“Đê điều” là hệ thống công trình kiên cố, quy mô lớn, được nhà nước đầu tư xây dựng và quản lý chặt chẽ theo cấp kỹ thuật. Chức năng chính là phòng chống lũ lụt trên diện rộng, bảo vệ an toàn cho các khu dân cư, đô thị và vùng sản xuất lớn bên trong đê (nội đồng).

Trong khi đó “bờ bao” là các công trình nhỏ hơn, do địa phương hoặc người dân tự đắp để bảo vệ một khu vực sản xuất nông nghiệp, ao hồ hoặc khu dân cư nhỏ ở vùng bãi bồi, ven sông (ngoài đê chính). Bờ bao có kết cấu không kiên cố bằng và không nằm trong hệ thống phòng thủ chính của quốc gia.

Việc hiểu nhầm sự cố "tràn bờ bao" thành "vỡ đê" như thông tin lan truyền trên mạng xã hội có thể gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng không cần thiết cho người dân vùng hạ du và ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai.

Chính quyền tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp khắc phục sự cố tại bờ bao Cù Là, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho 42 hộ dân bị ảnh hưởng.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng trong việc sử dụng thuật ngữ, xác minh thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin chính xác, khách quan và không gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Sự cố vỡ đê ở Hưng Yên có thật không?

Không. Cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là vỡ đê. Sự cố thực tế là hiện tượng nước tràn qua một đoạn bờ bao dài 80 mét ở khu vực ngoài đê chính.

Sự khác nhau giữa "đê" và "bờ bao" là gì?

"Đê" là hệ thống phòng lũ chính, kiên cố của quốc gia. "Bờ bao" là công trình nhỏ hơn, thường dùng để bảo vệ cục bộ cho một khu vực sản xuất hoặc dân cư nhỏ ở vùng ven sông, ngoài đê chính.

Người dân có bị nguy hiểm không?

Sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của 42 hộ dân sống ở khu vực ngoài đê. Toàn bộ hệ thống đê chính vẫn an toàn tuyệt đối, đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư và sản xuất bên trong đê. Chính quyền đang khẩn trương hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời