Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh trong phát triển robot hình người
Mỹ - Trung Quốc ra mắt robot hình người tân tiến
Trong giai đoạn phát triển như vũ bão của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), robot hình người đang ngày càng trở nên thông minh và khéo léo hơn và được kỳ vọng có thể thay thế hoặc hỗ trợ con người trong nhiều lĩnh vực. Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu thế giới về robot hình người tân tiến đang bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt nhằm khẳng định vị thế trên toàn cầu. Cuộc đua giờ đây tập trung vào việc ai có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, với số lượng lớn hơn và các robot thông minh hơn. Trong khi Mỹ vượt trội về phát triển AI và phần mềm điều khiển robot thì Trung Quốc lại chiếm ưu thế về phần cứng, sản xuất quy mô lớn với chi phí thấp.
Robot trí tuệ nhân tạo là robot kết hợp trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot. Chúng có thể tự động nhận thức, suy nghĩ và hành động trong môi trường thực tế, tương tự như con người. Trong năm nay, hai quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển robot hình người là Mỹ và Trung Quốc đã ra mắt những mẫu robot ấn tượng.
Tại Thế vận hội trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Vô Tích, miền Đông Trung Quốc, công chúng được chiêm ngưỡng những robot thành thạo các kỹ năng như chơi cờ vua, lặn dưới nước, pha cà phê và thậm chí là nướng thịt.
"Trước đây, robot có khả năng chơi cờ vua chủ yếu được trưng bày trong các bảo tàng khoa học, với những cánh tay cơ khí lớn có giá lên tới hàng chục nghìn nhân dân tệ. Tuy nhiên, với công nghệ thuật toán của mình, chúng tôi đã hiện thực hóa điều này bằng những thiết bị nhỏ gọn như vậy, giảm giá xuống còn khoảng một nghìn nhân dân tệ. chúng tôi có kế hoạch phát triển thêm nhiều thiết bị robot để sử dụng trong gia đình".
Ông Ma Kun, Chủ tịch Công ty Công nghệ thông minh
Ngoài việc khám phá khả năng của robot, các nhà phát triển cũng đang tập trung vào các ứng dụng trong thực tế. Các robot hình người đã ược triển khai trên đường phố của thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để hỗ trợ quản lý giao thông trong giờ cao điểm, từ 8:00 sáng đến 17:00 chiều. Được thiết kế với khả năng trí tuệ nhân tạo đa mô hình, các robot này tương tác hiệu quả với môi trường xung quanh, phối hợp cùng các sĩ quan cảnh sát để đảm bảo giao thông thông suốt.
Trong khi đó các công ty của Mỹ cũng đã giới thiệu những mẫu robot tân tiến nhất của họ. Robot Optimus Gen 2 của Tesla được cải tiến trong năm 2025 không chỉ thể hiện tham vọng của Elon Musk trong việc cách mạng hóa tự động hóa mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới tích hợp robot vào đời sống công nghiệp, gia đình và thậm chí khám phá không gian.
Optimus Gen 2 có dáng đi tự nhiên, gần giống con người nhờ thuật toán điều khiển mới và phần cứng khớp cải tiến. Nó có thể thực hiện động tác tinh tế như cầm nắm, gấp quần áo. Nó cũng có khả năng di chuyển, giữ thăng bằng, xoay người, nhún nhảy, lên xuống cầu thang và điều hướng trong môi trường nhà máy đông đúc. Dự kiến vào cuối năm 2025, robot này có thể giao tiếp tự nhiên hơn, tương tác cơ bản qua giọng nói. Tỉ phú Elon Musk - người sở hữu Tesla dự đoán rằng, giá thành của Optimus sẽ thấp hơn một nửa so với giá của một chiếc ô tô khi Tesla có kế hoạch sản xuất 5.000-12.000 đơn vị trong năm 2025. Tesla đã bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho dây chuyền sản xuất Optimus tại Fremont, California và dự định mở rộng sang các cơ sở khác như Giga Texas.
Robot Digit của Agility Robotics được Amazon đầu tư 150 triệu USD để triển khai trong các kho hàng. Với chiều cao 1,75m, nặng 63,5kg, phiên bản mới của robot nổi bật với đôi chân kiểu "chân chim" giúp di chuyển linh hoạt trên địa hình gồ ghề, cầu thang và không gian hẹp. Cánh tay robot với bộ gắp cải tiến tối ưu cho việc xử lý thùng hàng. Robot còn được trang bị camera và cảm biến âm thanh, hỗ trợ điều hướng tự động và nhận diện môi trường, đáp ứng nhu cầu tự động hóa trong môi trường làm việc của con người. Amazon tích hợp Digit vào hệ thống logistics, tận dụng dữ liệu từ kho vận để cải thiện khả năng điều hướng và xử lý hàng hóa của robot.
Figure 02, robot hình người thế hệ thứ hai của Figure AI, đã ghi dấu ấn trong năm 2025 với những cải tiến vượt trội về thiết kế, trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng ứng dụng thực tế. Được công bố vào tháng 8/2024 và triển khai mạnh mẽ trong năm 2025, Figure 02 không chỉ nâng cao hiệu suất trong môi trường công nghiệp mà còn mở rộng tiềm năng sang lĩnh vực gia đình, đánh dấu bước tiến quan trọng trong ngành robot hình người
Figure 02 sử dụng mô hình AI Helix (dựa trên ChatGPT) để hỗ trợ các nhiệm vụ công nghiệp và dịch vụ, hợp tác với các công ty sản xuất như BMW để triển khai robot trong dây chuyền lắp ráp.
Trung Quốc vượt trội về sản xuất robot chi phí thấp
Trung Quốc đang nhanh chóng nổi lên là một trong những quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua phát triển robot hình người, nhờ lợi thế về chuỗi cung ứng tinh gọn và chi phí sản xuất thấp. Với chiến lược "Made in China 2025", chính phủ nước này mạnh tay đầu tư vào công nghệ robot, tạo đà cho các doanh nghiệp nội địa ra mắt hàng loạt mô hình robot giá rẻ, có khả năng làm việc bền bỉ và học hỏi các kỹ năng như con người. Với tham vọng trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu, Trung Quốc coi robot hình người là giải pháp then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động trong bối cảnh dân số già hóa nhanh.
Sau nhiều năm đầu tư vào các ngành công nghiệp pin, năng lượng mặt trời và xe điện, Trung Quốc thống lĩnh nguồn cung vật liệu chính như nam châm, đất hiếm và pin. Chuỗi cung ứng trong nước tinh gọn giúp rút ngắn thời gian vận chuyển và sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu đề ra và giúp nâng cao vị thế cạnh tranh trong sản xuất robot hình người. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ngành này đã chứng kiến sự bùng nổ của các mô hình robot mới với chi phí thấp.
Theo Morgan Stanley, vào năm 2024, 31 công ty Trung Quốc đã công bố 36 mô hình người máy cạnh tranh so với 8 mô hình của các công ty Mỹ. Các công ty như UBTech Unitree và Agibot đã bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Trong khi đó công ty AgiBot là một ví dụ điển hình cho việc sản xuất robot hình người, với mục tiêu giao 3.000-5.000 robot trong năm 2025. Các robot của AgiBot học cách là áo, gấp áo phông, làm bánh sandwich hay mở cửa liên tục trong 17 giờ một ngày. Mục tiêu của công ty là tạo ra hàng loạt dữ liệu để đào tạo robot cách điều hướng thế giới loài người.
Còn Unitree gần đây cũng đã mở rộng thành một cơ sở rộng 10.000 m² và cho biết chính quyền thành phố Hàng Châu cũng cung cấp nhà ở cho nhân tài công nghệ của họ.
Phần lớn lợi thế của Trung Quốc nằm ở sự thống trị về phần cứng tạo nên người máy. Theo các nhà phân tích và công ty khởi nghiệp, quốc gia này có khả năng sản xuất tới 90% các thành phần hình người máy, giúp giảm rào cản gia nhập. Trung Quốc hiện chiếm phần lớn các nhà sản xuất làm việc trên các dự án như vậy trên toàn cầu và thống trị chuỗi cung ứng, theo Morgan Stanley.
"Bạn có thể đưa ra yêu cầu vào buổi sáng. Vào buổi chiều, các nhà cung cấp có thể mang vật liệu hoặc sản phẩm của họ đến công ty của bạn hoặc bạn có thể trực tiếp đến địa điểm của họ để kiểm tra".
Ông Zhang Miao, Giám đốc điều hành Công ty Casbot
Theo công ty nghiên cứu SemiAnalysis (Mỹ), chi phí sản xuất một cánh tay robot ở Mỹ cao hơn 2,2 lần so với ở Trung Quốc, trong khi giá một bộ pin tại Trung Quốc chỉ 127 USD, thấp hơn 24% so với Bắc Mỹ và 33% so với châu Âu. Một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đang bán robot với giá rẻ chỉ khoảng 100.000 nhân dân tệ (tương đương 13.622 USD).
Để thực hiện kế hoạch, chính phủ Trung Quốc đầu tư mạnh tay vào ngành này, bao gồm quỹ 137 tỷ USD hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như AI và robot và hơn 20 tỷ USD phân bổ cho robot hình người. Nhiều môt hình AI ấn tượng đã ra đời như DeepSeek-R1 và AgiBot Genie Operator-1 (GO-1), giúp robot xử lý dữ liệu hình ảnh và tương tác giống con người. Năm 2025, chính phủ nước này đặt mục tiêu đưa 2-3 công ty robot hình người vào nhóm dẫn đầu thế giới.
Trung Quốc đặt cược vào cuộc cách mạng công nghiệp mới giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Robot hình người là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực như chăm sóc người già, nơi nhu cầu đang tăng lên khi dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc già đi.
Mỹ tăng cường năng lực sản xuất robot
Mỹ xem robot hình người là chiến lược trọng yếu để giữ vững vị thế công nghệ, giảm phụ thuộc vào lao động giá rẻ và cạnh tranh với Trung Quốc trong các ngành công nghiệp tương lai. Ưu thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực này đến từ sự kết hợp giữa công nghệ AI tiên tiến, nguồn vốn dồi dào, tầm nhìn thương mại hóa rõ ràng và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới. Không chỉ dừng lại ở việc chế tạo robot có khả năng “hành động”, Mỹ đang phát triển những cỗ máy có thể học hỏi, thích nghi và hỗ trợ con người trong đời sống hàng ngày, điều mà đến nay, chỉ rất ít quốc gia có thể sánh kịp.
Mỹ tập trung phát triển AI tiên tiến, được xem là "bộ não" của robot hình người. Chính phủ nước này tận dụng thế mạnh nghiên cứu của các gã khổng lồ công nghệ như OpenAI, NVIDIA để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), giúp robot không chỉ thực hiện các nhiệm vụ lập trình sẵn mà còn học hỏi và đưa ra quyết định độc lập. Các công ty như Tesla, Figure AI cho ra đời nhiều mẫu robot mới có khả năng xử lý thông minh, thích ứng môi trường và mô phỏng hành vi con người.
Do lo ngại về khả năng Trung Quốc thống trị ngành robot, đặc biệt khi Trung Quốc có lợi thế về sản xuất và chi phí, các công ty Mỹ kêu gọi chính phủ ban hành chiến lược quốc gia về robot, bao gồm thành lập văn phòng liên bang, ưu đãi thuế và hỗ trợ nghiên cứu. Điều này nhằm củng cố chuỗi cung ứng nội địa và giảm phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc. Công ty Mỹ cũng đang thúc đẩy việc tái cấu trúc sản xuất trong nước và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển robot đa ứng dụng để thương mại hóa.
Mỹ hướng đến việc tích hợp robot vào đời sống hàng ngày, từ công nghiệp đến gia đình các công ty như Agility Robotics đã nhận đầu tư lớn (150 triệu USD từ Amazon) để xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt, với mục tiêu đạt hàng chục nghìn đơn vị mỗi năm.
Mỹ cũng chú trọng phát triển các tiêu chuẩn đạo đức và an toàn để đảm bảo robot hình người không gây ra rủi ro khi phổ biến rộng rãi.
Những người ủng hộ cho rằng, cuộc cách mạng robot tiếp theo, được thúc đẩy bởi AI mang lại cơ hội mới để Mỹ dẫn đầu. Họ nhấn mạnh thế mạnh hiện tại của Mỹ trong phát triển AI và khẳng định rằng, một chiến lược quốc gia là cần thiết để tận dụng lợi thế này và vượt qua các đối thủ cạnh tranh.
Các nhà sản xuất robot đã đề xuất các yếu tố cốt lõi cho chiến lược như ưu đãi thuế để khuyến khích sử dụng robot, mở các chương trình đào tạo do chính phủ tài trợ để phát triển lực lượng lao động lành nghề và hỗ trợ nghiên cứu học thuật cũng như đổi mới thương mại. Hiệp hội cũng đề xuất thành lập một văn phòng liên bang chuyên về robot để đối phó với cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng và sự phức tạp của công nghệ robot. Ông Jonathan Chen, thành viên của nhóm Kỹ thuật Optimus của Tesla - nơi phát triển robot hình người cho mục tiêu triển khai trên sao Hỏa, cho rằng vai trò của năng lực sản xuất robot hình người quyết định khả năng cạnh tranh quốc gia.
Mỹ đã áp dụng các chính sách bảo vệ thị trường nội địa, bao gồm việc áp đặt thuế quan đối với các linh kiện robot nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù như vậy, chi phí sản xuất có thể tăng nhưng lại tạo thuận lợi cho các công ty Mỹ như Agility Robotics chuyển sang sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy tự động hóa trong các nhà máy Mỹ. Các công nghệ AI của Mỹ trong robot hình người đang dần trở thành chuẩn mực toàn cầu.
Các phần mềm mô phỏng như Isaac Sim của NVIDIA hay thư viện học máy TensorFlow của Google đều được dùng phổ biến bởi các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất robot trên toàn thế giới. Điều này cho thấy Mỹ không chỉ là nước dẫn đầu mà còn là nước định hình luật chơi trong lĩnh vực robot AI.
Cuộc đua sản xuất robot hình người không chỉ là cuộc cạnh tranh công nghệ, mà còn là bước chuẩn bị cho một cuộc cách mạng công nghiệp mới, nơi máy móc thông minh sẽ trở thành lực lượng lao động chủ chốt. Trong thời kỳ công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc, thì tốc độ, quy mô và trí tuệ của robot sẽ là một trong những thước đo quan trọng về sức mạnh công nghệ của một quốc gia.


Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra tại London vào hôm nay 19/5.
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden được chẩn đoán mắc “dạng ung thư tuyến tiền liệt ác tính”, hiện căn bệnh đã lan đến xương.
Indonesia và Thái Lan ngày 19/5 đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác Chiến lược trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Indonesia tới Thái Lan sau 20 năm.
Các mức thuế quan sẽ sớm quay trở lại mức đối ứng, nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời gian tạm hoãn kéo dài 90 ngày.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố vụ đánh bom phòng khám hỗ trợ sinh sản ở bang California là cuộc tấn công khủng bố.
Đảng Liên minh Dân chủ (AD) theo đường lối trung hữu cầm quyền tại Bồ Đào Nha đã giành được nhiều ghế nhất tại Quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 18/5.
0