Trung học nghề - một lựa chọn, nhiều cơ hội

Mô hình 9+ đang mở ra cơ hội học tập thực tiễn cho học sinh sau lớp 9, khi các em vừa học văn hóa, vừa học nghề ngay tại trường cao đẳng.

Tuy nhiên, hiện nay chương trình vẫn chưa được tích hợp thống nhất, do phần giảng dạy văn hóa vẫn do trung tâm giáo dục thường xuyên đảm nhiệm.

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đang đề xuất xây dựng chương trình trung học nghề tích hợp toàn diện, do chính các trường nghề tổ chức. Đây được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng.

Tại Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, mô hình 9+ đã được triển khai nhiều năm nay, tạo điều kiện cho học sinh sau lớp 9 được học nghề và văn hóa trong cùng một môi trường. Tuy nhiên, do chương trình hiện vẫn do hai đơn vị phối hợp tổ chức, nên việc xây dựng nội dung giảng dạy thống nhất và quản lý chất lượng đào tạo còn gặp một số vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ: “Các em vẫn là đối tượng do nhà trường đào tạo ra, nhưng về quản lý Nhà nước, về sổ sách, về chỉ tiêu, về quy định quản lý của Sở Giáo dục ở các tỉnh, thành và ở Hà Nội thì bắt buộc chúng tôi vẫn phải liên kết, tôi nghĩ rằng cái này chúng ta cần điều chỉnh".

Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) đề xuất các trường nghề thiết kế chương trình trung học nghề tích hợp - nơi học sinh vừa học văn hóa phổ thông, vừa học nghề ngay tại trường nghề. Điều này sẽ giúp nhà trường chủ động trong đào tạo, tích hợp nội dung học văn hóa gắn với ngành nghề cụ thể, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội cho hay: “Tôi cho rằng mô hình này sẽ rất tốt cho người học, bởi vì không ai hết các em được quản lý đồng bộ trên một nhà trường: từ kỷ luật học sinh, giờ giấc chấp hành học đường cũng như là đào tạo văn hóa và nghề".

Một trong những điểm tích cực nhất của chương trình trung học nghề là học sinh sẽ có bằng tốt nghiệp tương đương THPT, vừa có kỹ năng nghề, vừa có thể tiếp tục học lên cao hơn. Điều này giúp thay đổi nhận thức xã hội, giảm áp lực thi cử. Nhiều phụ huynh ủng hộ mô hình này vì mang lại hướng đi rõ ràng và phù hợp với năng lực của con em mình.

Chị Tạ Thị Thuận (phường Láng, thành phố Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy chương trình vừa học văn hóa, vừa học nghề này khá phù hợp để các cháu theo học".

Để mô hình này phát huy hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chương trình tích hợp chặt chẽ, nội dung văn hóa phải gắn với định hướng nghề nghiệp; đồng thời, cần trao quyền chủ động cho các trường nghề đủ năng lực trong thiết kế và tổ chức đào tạo.

Nếu được triển khai đồng bộ và linh hoạt, chương trình trung học nghề tích hợp sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng trong giáo dục nghề nghiệp, mở ra con đường học tập thiết thực và bền vững cho học sinh sau lớp 9. Đây là bước đệm vững chắc giúp các em trang bị kiến thức và kỹ năng, tự tin bước vào thị trường lao động.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời