Tống cựu nghinh tân, phong tục đón Tết đẹp của người Việt
Đúng vào dịp cuối năm, Khu Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long đã tái hiện Lễ Tống cựu nghinh tân với nhiều nghi lễ đón Tết trong triều đình ở Kinh thành Thăng Long xưa như Lễ Tiến lịch thời Lê, Lễ Đổi gác và các không gian trưng bày Tết Cung đình, Tết Việt thời bao cấp. Dự nghi lễ linh thiêng này có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thị Thu Hà và Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Baker.
Trong cung đình xưa, sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, đoàn rước ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, áo the, khăn xếp. Những con cá chép đỏ được đựng trong chậu đồng thau. Sau khi làm lễ cúng, cá được rước ra dòng sông cổ, nay là khu di tích khảo cổ 18 đường Hoàng Diệu, để phóng sinh.
Trong cung, nhà vua tổ chức lễ dựng cây nêu trước cổng Đoan Môn. Cây nêu biểu trưng cho vũ trụ, là biểu tượng tồn tại trong nhiều nền văn hóa Á Đông, được xem là sự giao hòa giữa trời, đất và con người, dưới sự che chở của thần linh. Cây nêu được treo những tế khí bằng đất nung, mỗi khánh đất nung lại mang một hình tượng khác nhau về các linh vật, hình cá chép.
Tống cựu - nghinh tân nghĩa là tiễn cái cũ để đón cái mới. Trong cung đình Thăng Long, nghi lễ này được các triều đại thực hiện với nhiều nghi thức khác nhau. Ở thời Lê, có một nghi lễ rất quan trọng là Lễ Tiến lịch, hay còn gọi là “Ngự lịch lên vua”. Nghi lễ mang nhiều ý nghĩa về tinh thần độc lập, tự chủ, thể hiện trình độ phát triển của văn minh, văn hóa nước ta.
Ở thời Lê, việc làm lịch do vua chỉ định và chỉ sau lễ tiến lịch cho nhà vua, quần thần văn võ và dân chúng mới bắt đầu dùng lịch của năm mới. Quan dùng quan lịch, dân dùng dân lịch.
Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, cho biết: "Tôi tin rằng Lễ Tống cựu nghinh tân hôm nay sẽ cho chúng ta chìm vào kho tàng di sản văn hóa trù phú của Việt Nam, mà nổi bật chính là các nghi lễ truyền thống về Tết Nguyên đán. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc tại đất nước luôn đề cao gìn giữ, phát huy giá trị di sản và tôi ghi nhận cao tất cả những sáng kiến và nỗ lực của các bạn".
Tái hiện các nghi lễ đón Tết - vui Xuân trong cung đình là sản phẩm du lịch độc đáo nhất cả nước, chỉ có ở Hoàng thành Thăng Long. Các nghi lễ và phong tục mang vẻ đẹp thiêng liêng, thấm đẫm giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.


Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh đá tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao chủ đề “Sắc màu thành phố Bác” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào tối 19/4.
Đến thăm làng nghề gốm Bát Tràng, du khách được chứng kiến sự tài hoa của người thợ và tìm hiểu lịch sử của làng nghề truyền thống qua những di tích lịch sử, với nhiều họa tiết bằng chất liệu gốm sứ độc đáo.
Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề đặc biệt ý nghĩa: "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" vào sáng nay 19/4.
Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc giới thiệu về các làng nghề truyền thống sẽ diễn ra từ ngày 18/4 đến 1/6 tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV năm 2025 là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, là dịp để tôn vinh giá trị của sách.
Chương trình “Gặp gỡ mùa xuân” tại Bảo tàng Hà Nội đã mang đến không gian trải nghiệm đặc sắc cho công chúng với các hoạt động giao lưu cùng các nghệ nhân Việt Nam - Nhật Bản.
0