Tín dụng tăng sốc, tín hiệu gì?
Tín dụng tăng mạnh trong thời gian ngắn là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang được khơi thông, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, hay là lời cảnh báo về áp lực lạm phát và rủi ro nợ xấu tiềm ẩn?
Những con số về tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2025 vừa được công bố cho thấy một sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Nếu so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng này ấn tượng hơn nữa, lên tới 19,32%. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tín dụng từ lâu được ví như dòng máu của nền kinh tế. Bởi lẽ, tiền phải được bơm vào hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể tạo ra hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, quy mô tín dụng của nước ta hiện nay đang ở mức tương đương 134% GDP. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã từng nhận định rằng, nền kinh tế của chúng ta đang quá phụ thuộc vào tín dụng và điều này tiềm ẩn không ít rủi ro.
Có một nghịch lý đang diễn ra: trong khi con số tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm nhưng dường như cả người dân và doanh nghiệp đều đang kêu "thiếu tiền". Vậy, dòng tiền tín dụng khổng lồ này thực sự đang chảy đi đâu?
Ví dụ từ dữ liệu vay nợ của hơn 1.000 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán để tìm câu trả lời. Dữ liệu từ FiinPro cho thấy, trong Quý I vừa qua, tổng số tiền hơn 1.000 doanh nghiệp này đang vay nợ là khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4% chỉ sau 3 tháng và tăng hơn 9% so với một năm trước đó.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hơn vào nhóm 20 doanh nghiệp vay nợ nhiều nhất trên sàn chứng khoán, câu chuyện hoàn toàn khác. Nhóm "đại gia" này tăng cường vay nợ một cách mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cụ thể, chỉ sau 3 tháng đầu năm, tổng nợ vay của nhóm 20 doanh nghiệp này đã tăng tới 5,8%. Nếu so với một năm trước, con số này tăng tới 12,5%. Đây là một thông tin quan trọng: 20 doanh nghiệp này chiếm tới quá nửa tổng nợ vay của hơn 1.000 doanh nghiệp chúng ta đang xem xét.
Các doanh nghiệp lớn không chỉ đang vay nợ nhiều nhất mà còn đang tăng tốc vay nợ nhanh nhất. Chính những con số này đã thúc đẩy chỉ số tăng trưởng tín dụng chung của cả thị trường lên cao. Tín dụng dường như đang tập trung chủ yếu vào một nhóm nhỏ các doanh nghiệp lớn hơn là được phân bổ một cách đồng đều cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đó có thể là lý do khi nhìn xung quanh, chúng ta vẫn nghe thấy nhiều tiếng than "thiếu tiền", mặc dù lượng tiền được bơm ra thị trường thông qua kênh tín dụng không hề nhỏ.
Các ngân hàng có lý do để ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn vay. Họ có tài sản bảo đảm, đặc biệt là bất động sản và thường được xem là những "khách hàng" an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện vĩ mô, tình trạng tập trung tín dụng này đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho sự phát triển cân bằng của nền kinh tế.
Mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực có một phát biểu đáng chú ý, vòng quay của tiền trong nửa đầu năm nay đang ở mức thấp. Tiền được bơm ra nhiều và chủ yếu bơm vào các doanh nghiệp lớn nhưng vòng quay của tiền lại thấp, điều này cho thấy một vấn đề là vòng quay vốn của chính các doanh nghiệp lớn này đang chậm lại.
Qua đó có thể thấy, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ là chưa đủ. Điều quan trọng hơn là dòng tiền đó phải được bơm đúng nơi, đúng chỗ, đi vào những hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự sôi động, có khả năng quay vòng vốn nhanh để có thể tạo ra sản phẩm và dịch vụ thiết thực cho xã hội.
Hàng triệu hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cần vốn và họ cần một cơ chế đủ cởi mở để tiếp cận vốn, để không phải đứng ngoài trong dòng chảy tín dụng mạnh mẽ trong thời gian tới.