Thị trường bất động sản 'mắc ba căn bệnh như người già'

Thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay được ví như cơ thể của một người già đang mắc phải ba căn bệnh, chỉ chữa trị được khi được kê đúng đơn và điều trị đúng hướng.

Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 9/4 đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, trước những vấn đề lớn mà thị trường đang vướng mắc, các chuyên gia đã bắt mạch của thị trường và đưa ra nhận định thị trường BĐS hiện nay được ví như cơ thể của một người già đang mắc phải ba căn bệnh.

Thị trường BĐS đang mắc 3 căn bệnh của người già

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP. HCM, thị trường BĐS như một bệnh nhân đang mắc phải 3 căn bệnh của người già: huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Nếu ví thị trường BĐS là một cơ thể sống, thì khi ba căn bệnh này diễn biến nặng sẽ rất dễ dẫn đến đột quỵ.

"Căn bệnh thứ nhất là huyết áp cao, thể hiện qua việc giá nhà quá cao. Người lao động khó có thể sở hữu được một căn nhà. Nếu như chúng ta không xử lý tình trạng này sẽ gây ra nhiều mối nguy hiểm cho thị trường trong tương lai", GS.TS Trần Ngọc Thơ chia sẻ.

Theo số liệu thống kê, trong quý I năm nay, giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội đạt 75 triệu đồng/m², tăng 34% so với cùng kỳ. Giá nhà thấp tầng đạt 226 triệu đồng/m², tăng 3% theo quý và 17% theo năm. Đây là những con số biết nói, phản ánh một thực trạng đáng báo động, bởi lẽ giá tăng cao nhưng thực tế giao dịch lại rất ít, hầu như chững lại. Đây chính là những dấu hiệu về nguy cơ đóng băng thị trường, bong bóng BĐS.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ: "Căn bệnh thứ hai liên quan đến cơ chế đặc thù và dòng vốn, đó là đường huyết cao, thể hiện qua việc ngành BĐS phụ thuộc quá nhiều vào dòng vốn gây 'nghiện đường ngọt' là dòng tín dụng và trá hình qua các kênh phát hành trái phiếu liên quan tới hệ thống ngân hàng. Đường huyết khi bị tắc nghẽn lập tức thanh khoản tụt, thị trường mất niềm tin".

Được biết trong năm nay, sẽ có khoảng 100.000 tỉ trái phiếu BĐS cần được đáo hạn, trong đó 1/3 là trái phiếu đã được tái cơ cấu từ năm 2023. Ngoài ra, hiện hơn 50% vốn của các doanh nghiệp bất động sản đến từ tín dụng ngân hàng, trong khi ngân hàng lại lấy vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, gây rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính. Vì vậy, để khắc phục tình trạng quá lệ thuộc vào tín dụng, việc khơi thông nhiều kênh dẫn vốn khác như trái phiếu, tín phiếu, quỹ đầu tư, quỹ phát triển là rất cần thiết.

"Căn bệnh thứ ba là cholesterol. Cholesterol cao thể hiện qua việc hàng tồn kho BĐS quá cao. Đây là những tài sản nợ xấu tích lũy trong hệ thống ngân hàng âm thầm, nếu chúng ta không xử lý các mảng nợ xấu này sẽ dẫn tới đột quỵ tài chính", GS.TS Trần Ngọc Thơ phân tích.

Các diễn giả tại Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản” do Đài Hà Nội tổ chức sáng ngày 9/4 tại TP.HCM

Thị trường BĐS cần đơn thuốc và phác đồ điều trị

Theo số liệu thống kê từ 103 doanh nghiệp niêm yết đã có công bố Báo cáo tài chính quý IV/2024 thuộc nhóm bất động sản, bao gồm nhà ở và khu công nghiệp, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2024 là hơn 491 nghìn tỉ đồng. Đây là mức tồn kho cao kỷ lục trong hơn 2 thập niên qua.

Có thể thấy, những chỉ số về "sức khỏe" thị trường BĐS hiện nay đang ở mức đáng báo động. Do đó, cần phải có đơn thuốc phù hợp và phác đồ điều trị thật tốt.

Tại Diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản”, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đều cho rằng, Nghị quyết 170 và Nghị quyết 171 chính là cơ chế đặc thù, là liều thuốc để giúp cải thiện sức khỏe thị trường BĐS.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: “Cơ chế đặc thù Quốc hội thông qua hai Nghị quyết 170 và 171 giải quyết cho hai nhóm. Nhóm 1 là nhóm những dự án trước đây đã triển khai nhưng vi phạm, đã xử lý, nhà đầu tư phải dừng dự án, hiện tại đưa ra một cơ chế để dự án ấy tiếp tục thực hiện. Nhóm 2 là những dự án trước đây quy định phải có đất ở, bây giờ không có đất ở vẫn được chuyển sang nhà ở thương mại, tuy nhiên, đây là thí điểm cần có sự đồng ý của địa phương".

Riêng tại TP. HCM, hiện có 86 dự án với quy mô khoảng 57.000 căn nhà đang bị vướng  từ năm 2015 không thể triển khai được vì đất trên dự án không có m² đất ở nào. Tuy nhiên, với Nghị quyết 171, các dự án sẽ được tháo gỡ. Cho đến nay, với hướng dẫn của Nghị định 75, TP. HCM nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với hơn 1.900 ha.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết: “Mỗi dự án có 830 căn nhà thì 343 dự án sẽ có một lượng nhà ở ra thị trường rất lớn. Dự kiến sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường trong vòng 3-10 năm tới. Khi chúng ta đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho mỗi ha dự án nhà ở thương mại sẽ có 1 triệu 910 tỷ đồng đầu tư ra ngoài xã hội và kéo theo 35 ngành kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động”.

Có thể thấy, cơ chế đặc thù chính là “bàn đạp”, còn dòng vốn là “động lực” giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, yếu tố then chốt vẫn là sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước, địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi tài sản công là nhà, đất đối với trường hợp bị bỏ hoang quá 12 tháng.

Khi tiến hành sáp nhập các tỉnh thành, nhiều người lo ngại phải làm lại các giấy tờ, đặc biệt là sổ đỏ. Trước băn khoăn đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể.

Ba trụ sở cơ quan nằm trên đường Tô Hiệu, quận Hà Đông đã bị bỏ hoang 17 năm kể từ thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Việc sử dụng không hiểu quả quỹ đất công hàng nghìn mét vuông này đang gây lãng phí lớn.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương dừng lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị từ nay tới tháng 7 – thời điểm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sửa đổi có hiệu lực.

Sau hơn hai năm thi công, tuyến đường Lê Quang Đạo (TP. Hà Nội) kéo dài - một trong những công trình giao thông trọng điểm đang dần được hoàn thiện và sẽ thông xe toàn tuyến vào ngày 19/4.

UBND quận Nam Từ Liêm vừa thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 28 hộ gia đình tại phường Mễ Trì để phục vụ xây dựng công viên giải trí, trường học và các dự án thương mại.