Cần tạo ra những 'Cholesterol' tốt cho thị trường BĐS
Sáng 9/4, tại TP.HCM, Đài PT-TH Hà Nội đã tổ chức diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản”.
Diễn đàn đã quy tụ hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các chuyên gia tài chính và bất động sản tham dự, cùng thảo luận về những cơ chế cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Sự kiện một lần nữa thể hiện trách nhiệm xã hội của các cơ quan truyền thông đại chúng trong đó có Đài Hà Nội trong việc cung cấp thông tin, đưa ra các khuyến nghị đối với cơ quan quản lý nhằm trả lại sự minh bạch, lành mạnh cho thị trường BĐS, vốn có nhiều vấn đề bất cập trong thời gian qua.
Tại diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đều cho rằng, Nghị quyết 170 và Nghị quyết 171 chính là cơ chế đặc thù tháo gỡ những điểm nghẽn cho hai nhóm dự án gặp nhiều vướng mắc hiện nay.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua trong hai Nghị quyết 170 và 171 giải quyết cho hai nhóm. Trong đó: nhóm 1 là những dự án trước đây đã triển khai nhưng vi phạm, đã xử lý, nhà đầu tư phải dừng dự án, bây giờ cần một cơ chế để dự án ấy tiếp tục được thực hiện. Nhóm 2 là những dự án trước đây quy định phải có đất ở thì bây giờ không có đất ở vẫn được chuyển sang nhà ở thương mại, nhưng đây là thí điểm và cần có sự đồng ý của địa phương".
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quản lý đất đai - Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: "Bây giờ là lúc chúng ta phải bắt tay vào để triển khai ngay. Thứ nhất là các địa phương cần triển khai thực hiện các dự án thí điểm về nhà ở thương mại đối với người đã có quyền sử dụng đất mà không có diện tích đất ở. Thứ hai, các dự có các kết luận thanh tra, kiểm tra mà có sai phạm nhưng đã khắc phục sai phạm mà bây giờ cũng cần triển khai thì khẩn trương báo cáo với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương giải quyết; vấn đề còn vướng mắc cần trình xin ý kiến và giải quyết từ Chính phủ thì Chính phủ giải quyết; vấn đề của Quốc hội thì Quốc hội sẽ giải quyết".
Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, Thành phố hiện có 86 dự án với quy mô khoảng 57.000 căn nhà đang bị vướng từ năm 2015 không thể triển khai được vì đất trên dự án không có m² đất ở nào. Tuy nhiên, với Nghị quyết 171, các dự án sẽ được tháo gỡ. Cho đến nay, với hướng dẫn của Nghị định 75, TP.HCM nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với hơn 1.900 ha. Số dự này sẽ tạo ra nguồn cung lớn với khoảng 216.000 căn nhà trong 3-10 năm tới.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tiền đâu để các nhà đầu tư làm dự án? Nếu các doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào nguồn tín dụng ngân hàng thì sẽ rất dễ dẫn đến “đột quỵ tài chính”. Vì vậy, để thị trường phát triển bền vững, cần cơ chế cho chính sách vốn và cần tạo ra những “cholesterol” tốt cho thị trường.
Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhìn nhận: "Bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề lắm. Tại sao chúng ta nói vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản mà chúng ta không nói nhiều kênh khác trong nền kinh tế. Nguồn lực tài chính của quốc gia này, của đất nước này là hữu hạn và việc phân bổ như thế nào cần phải có một định hướng. Tại sao chúng ta không phát hành trái phiếu doanh nghiệp được và tại sao chúng ta không chỉnh sửa cơ chế phát hành trái phiếu riêng lẻ để cho những doanh nghiệp bất động sản có thể phát hành an toàn, hiệu quả và nhà đầu tư riêng lẻ không bị mất tiền".
GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: "Cuộc cách mạng tinh giảm biên chế của chúng ta đã dẫn tới có rất nhiều cơ sở hành chính công, đất đai dôi ra hàng loạt trên cả nước. Nên chăng Chính phủ, Quốc hội đưa ra một quy định khẩn cấp là hợp tác công tư giữa Nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp bất động sản để khai thác các quỹ đất, cơ sở hành chính khổng lồ để tạo ra nguồn cung, tạo ra 'Cholesterol' tốt cho xã hội".
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan, các diễn giả kỳ vọng thị trường bất động sản đang đứng trước cơ hội bước vào một chu kỳ phát triển mới lành mạnh và bền vững hơn. Khi các nút thắt được gỡ, nguồn cung sẽ tăng, giá nhà dần quay về giá trị thực thay vì bị đẩy lên ảo như trước, mở ra nhiều cơ hội hơn để người dân hiện thực hóa giấc mơ “an cư”.


Bộ Xây dựng vừa thông báo kết quả kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao trên địa bàn các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thành phố Huế.
Dự án bất động sản QMS Top Tower tại điểm giao phố Tố Hữu và phố Vũ Trọng Khánh, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm vừa công bố mở bán đợt cuối.
Sáng 19/4, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Nhất An Phú tổ chức đấu giá 19 thửa đất tại thị trấn Chúc Sơn với 550 hồ sơ tham gia.
Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Theo đó, Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi tài sản công là nhà, đất đối với trường hợp bị bỏ hoang quá 12 tháng.
Khi tiến hành sáp nhập các tỉnh thành, nhiều người lo ngại phải làm lại các giấy tờ, đặc biệt là sổ đỏ. Trước băn khoăn đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể.
Ba trụ sở cơ quan nằm trên đường Tô Hiệu, quận Hà Đông đã bị bỏ hoang 17 năm kể từ thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Việc sử dụng không hiểu quả quỹ đất công hàng nghìn mét vuông này đang gây lãng phí lớn.
0