Thế hệ trẻ 'thồi hồn' Việt vào phục trang phim dã sử

Với dự án phim đặc biệt "Huyền tình Dạ Trạch" tái hiện thời kỳ Hùng Vương, ê-kíp sản xuất phục trang đã dồn toàn bộ tâm sức để tạo nên gần 300 bộ mang đậm bản sắc Việt cổ.

Trong những năm gần đây, các nhà làm phim Việt đang chú trọng khai thác đề tài về lịch sử, văn hóa để tạo ra những tác phẩm độc đáo, giàu giá trị nghệ thuật và nhân văn. Nhưng để làm một bộ phim lịch sử chỉn chu, ngoài kịch bản, diễn xuất, thì yếu tố phục trang đóng vai trò rất quan trọng. Chính vì thế, với dự án phim đặc biệt "Huyền tình Dạ Trạch" tái hiện thời kỳ Hùng Vương, ê-kíp sản xuất phục trang đã dồn toàn bộ tâm sức để tạo nên gần 300 bộ mang đậm bản sắc Việt cổ. Dù là thế hệ trẻ, nhưng với niềm đam mê lịch sử và sự sáng tạo không ngừng, họ đã và đang góp phần "thổi hồn" Việt vào từng bộ trang phục, mang đến cái nhìn chân thực và sống động về văn hóa của người Việt xưa.

Để hiện thực hóa một cách chân thực nét đẹp văn hóa thời kỳ Hùng Vương trên màn ảnh, nhà thiết kế Phạm Trần Thu Hằng cùng ê-kíp đã dồn toàn bộ tâm huyết, tạm gác các dự án cá nhân trong nửa năm để tập trung sáng tạo gần 300 bộ phục trang cho bộ phim "Huyền tình Dạ Trạch".

Việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về các các ghi chép lịch sử, không chỉ giúp các bạn trẻ tái hiện được chính xác mà còn đưa vào những chi tiết sáng tạo, phù hợp với bối cảnh phim nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của phục trang Việt.

Nhà thiết kế Phạm Trần Thu Hằng chia sẻ: "Khi nhận một dự án về văn hoá, nhóm chúng mình rất là hồ hởi. Chúng mình đã thống nhất sẽ hoàn thành dự án mặc dù thời gian khá gấp. Nhóm quyết định dời lại 1/2 số công việc đã nhận để tập trung cho dự án 'Huyền tình Dạ Trạch' - là bộ phim điện ảnh đầu tiên làm về thời kỳ Hùng Vương".

Sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, việc lựa chọn chất liệu vải, màu sắc và cả các họa tiết thêu dệt đều được chú trọng. Ê-kíp sản xuất phục trang đã tìm đến các nghệ nhân tại làng nghề truyền thống ở Mù Cang Chải. Toàn bộ quy trình nhuộm màu đều được thực hiện tự nhiên. Các họa tiết cũng được vẽ thủ công bằng sáp ong, một kỹ thuật truyền thống tinh xảo.

Nhà thiết Phạm Trần Thu Hằng cho biết thêm: "Rất may mắn khi mình tìm được Hợp tác xã Ná Nả gồm 6 bạn rất trẻ. Khi nhận thông tin của bọn mình về dự án thì các bạn rất nhiệt tình. Khi tham gia dự án này, các bạn mong muốn phát triển thêm nữa văn hoá dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh, sản phẩm cho bản làng của mình".

Phục trang trong phim, không chỉ đơn thuần là thẩm mỹ mà còn khơi gợi ký ức tập thể của người Việt. Nếu phục trang đúng tinh thần, nó sẽ truyền tải được ý đồ của đạo diễn mà không mà không cần lời thoại, góp phần đưa khán giả về giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chính vì thế, sự đầu tư tỉ mỉ và công phu vào từng bộ phục trang của "Huyền tình Dạ Trạch" sẽ không chỉ mãn nhãn, mà còn có chiều sâu về giá trị văn hóa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời