Rối nước – Linh hồn làng Việt
Tại Hà Nội có ba phường vẫn giữ gìn tốt nghệ thuật truyền thống múa rối nước, bao gồm phường rối nước làng Ra, làng Yên và Chàng Sơn.
Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát triển, nghệ nhân tại các làng rối vẫn kiên trì gắn bó với nghề, tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ và mang nghệ thuật múa rối nước đến gần hơn với công chúng. Những nỗ lực ấy không chỉ giữ gìn một di sản văn hóa quý báu mà còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.
Ở phường rối nước làng Yên, nay thuộc xã Tây Phương, nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, phường rối làng Yên thường diễn tại hội làng và nhiều nơi khác, có lần được mời vào Hoàng cung Huế diễn cho Vua Bảo Đại xem. Sau này, do chiến tranh và những khó khăn của thời kỳ bao cấp, phường rối ngừng hoạt động.
Năm 1980, phường rối làng Yên chính thức được phục hồi. Trải qua nhiều vất vả, phường rối vẫn cố gắng duy trì hoạt động, giữ gìn nguyên vẹn các tích trò cổ phản ánh nét sinh hoạt văn hóa của làng quê. Hàng năm, du khách về chùa Tây Phương trẩy hội đều được thưởng thức màn múa rối nước của phường rối làng Yên.
Còn tại làng Ra, các tích trò rối nước của làng luôn độc đáo, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn cao, nội dung các trò kết hợp hài hòa giữa vốn văn hóa cổ truyền với hiện đại. Nhiều tiết mục rối nước cổ tiêu biểu, đặc sắc thường xuyên được biểu diễn như: “Vinh quy bái tổ”, “Mời trầu”, “Leo cột cắm cờ”, “Rước kiệu rời tượng”, “Múa rồng”…Phường rối làng Ra đã từng đi biểu diễn và tham gia nhiều sự kiện quan trọng trong nước, tham dự triển lãm múa rối nước ở quốc tế.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trụ (phường rối nước Làng Ra, xã Tây Phương) chia sẻ: "Khác biệt giữa phường rối nước làng Ra với các phường khác là đa số rối được điều khiển bằng hệ thống máy dây, gồm có ba hệ thống máy, máy ở giữa gọi là máy cái. Máy cái gồm một hệ thống ròng rọc được định vị bằng một bàn trượt và ở trên đó có những sợi dây. Khi dây trượt ở trên đó thì quản trò có thể kéo rối được ra tới tận bờ bên kia, như trong tiết mục 'Rước kiệu rời tượng', 'Mời trầu tặng hoa'".
Bản thân mỗi con rối có sự phức tạp riêng và phải đảm đương được nhiều động tác linh hoạt. Với múa Chàm, đầu con rối phải lắc; múa Lục cúng hoa đăng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa từ thao tác điều khiển con rối múa đơn đến khi kết thành hình tháp... để đưa vào bộ xử lý con rối. Có những động tác phức tạp phải cần 3-4 người phối hợp mới thực hiện được.
Dù vẫn giữ được nét sinh động và thu hút người xem, các phường rối nước hiện đang gặp nhiều thách thức trong việc bảo tồn. Con rối đã cũ kỹ, bong tróc, trong khi chi phí làm mới cao, vượt quá khả năng tài chính của các phường rối. Nghệ nhân chủ yếu mưu sinh bằng nghề khác, chỉ biểu diễn khi có dịp. Tập luyện vất vả nhưng thu nhập ít khiến lớp trẻ không mặn mà nối nghề, đặt ra nhiều lo ngại cho sự tồn tại lâu dài của nghệ thuật múa rối nước truyền thống.
Để gìn giữ múa rối nước không chỉ đòi hỏi sự say mê, tâm huyết với nghề mà còn cần có cơ chế khuyến khích, thu hút giới trẻ - thế hệ kế cận chung tay bảo vệ bộ môn nghệ thuật truyền thống. Cùng với đó, các phường rối cũng rất cần sự quan tâm đầu tư bài bản, có chiều sâu của thành phố đưa múa rối nước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Ông Nguyễn Trung Kiên (phường rối nước Chàng Sơn, xã Tây Phương) cho hay: "Chất liệu gỗ làm rối có nhiều loại, như gỗ xông, gỗ vàng tâm. Gỗ vàng tâm thì vừa nhẹ, vừa bền. Để tạo được một con rối đẹp, đòi hỏi tay nghề của mình phải điêu luyện cộng với tâm huyết nghề nghiệp".