Phương tiện công cộng phát triển sẽ dần hạn chế xe máy

Thành phố Hà Nội sẽ phát triển mạnh vận tải công cộng gồm metro, BRT, xe buýt thường và hệ thống kết nối liên thông, hướng đến 45-50% người dân sử dụng.

Lộ trình hạn chế xe máy vào nội đô được Hà Nội giữ nguyên mốc thời gian, đến năm 2030 phải triển khai trong thực tế. Trước nhu cầu đi lại phục vụ công việc, sinh hoạt… của người dân, việc phát triển mạng lưới phương tiện công cộng được xem là giải pháp thay thế quan trọng nhất. Vậy, từ nay đến 2030, theo kế hoạch, mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội có những gì? 

Chưa tính tới các phương tiện từ nhiều tỉnh, thành khác thường xuyên ra vào Thủ đô, chỉ riêng số mô tô, xe máy đăng ký lưu hành tại Hà Nội hiện đã đạt khoảng 6,9 triệu chiếc. Vào giờ cao điểm, các phương tiện cá nhân này bung tỏa khắp nhiều cung đường, tuyến phố. 

TS Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông, Trưởng đại diện Văn phòng Tư vấn OCG Nhật Bản cho biết: "Mỗi người dân đều có lựa chọn của mình và người ta chỉ chọn từ bỏ xe cá nhân của mình là xe máy, là ô tô khi phương tiện giao thông công cộng đủ tiện lợi".

Xe buýt là một trong hai nhóm phương tiện chủ lực được Thành phố xác định mở rộng mạng lưới để dần thay thế xe cá nhân, trong đó có mô tô, xe máy. Hiện toàn Thành phố có tổng số 153 tuyến buýt đang khai thác, vận hành với trên 2.100 phương tiện; trong đó có 127 tuyến buýt trợ giá. Đáng chú ý, 89% trong đó là các tuyến kết nối với khu vực nội đô. Tính trong 6 tháng đầu năm 2025, mỗi ngày, các tuyến buýt này vận chuyển gần 1,1 triệu lượt khách. 

Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Kế hoạch Vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông TP. Hà Nội cho biết: "Các tuyến kết nối khu vực nội đô có 113 tuyến với trên 1.500 phương tiện. Mỗi một ngày vận chuyển trên 14.500 lượt xe. Các tuyến buýt này đã cơ bản bao phủ các tuyến đường khu vực nội đô và phục vụ rất tốt cho người dân".

Theo kế hoạch, đến năm 2030, Thành phố sẽ mở thêm 27 tuyến buýt mới với trên 400 phương tiện đều dùng năng lượng điện, năng lượng xanh; đồng thời, nghiên cứu thêm một số tuyến để đưa xe buýt nhỏ vào khai thác.

Riêng với hệ thống đường sắt đô thị, tuyến metro số 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác hiện đang được nghiên cứu kéo dài đoạn Hà Đông - Xuân Mai dài hơn 20km. Tuyến Metro số 3, Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến thông tuyến cả đoạn trên cao và đoạn ngầm vào năm 2026. Với sự phát triển mạng lưới phương tiện giao thông công cộng Thủ đô, nhiều người đã dần thay đổi phương thức di chuyển.

Chị Trần Thị Thùy Dung, Phó phòng Khoa học Công nghệ, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chia sẻ: "Trước đây tôi hay dùng xe cá nhân nhưng thời gian gần đây, tôi đã chuyển hoàn toàn từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng vì chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ khá tốt".

TP. Hà Nội tiếp tục khởi công tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc ngay trong năm nay. Tuyến Metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự kiến khởi công toàn tuyến vào Quý IV/2026.

Nhiều tuyến metro khác cũng đang được nghiên cứu để sớm đưa vào triển khai trong giai đoạn từ nay tới 2030, mục tiêu nhằm nâng cao tính kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt. Qua đó, giúp gia tăng khả năng vận tải hành khách công cộng khu vực nội đô, đảm bảo lộ trình hạn chế mô tô, xe máy vào năm 2030.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời