Phường Thanh Xuân: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Thanh Xuân được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); Trung Hoà (quận Cầu Giấy).

Lý do lấy tên phường mới là Thanh Xuân bởi tên gọi này có từ thời Pháp thuộc. Trên đường đi vào nội thành Hà Nội, trước cửa chùa Thanh Xuân xuất hiện một dãy phố nên gọi là phố Thanh Xuân, có bến xe điện Thanh Xuân. Đến đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nhiều khu chung cư được xây dựng thành khu tập thể Thanh Xuân. Sau trở thành tiểu khu Thanh Xuân thuộc khu phố Đống Đa (năm 1981 đổi thành phường Thanh Xuân, quận Đống Đa, nay là phường Thanh Xuân Trung trong quận).

Năm 1982 thành lập phường Thanh Xuân Bắc, quận Đống Đa (nay là 2 phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam trong quận). Vì vậy, lấy tên đơn vị hành chính mới là Thanh Xuân bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa; đồng thời phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Trao quyết định công tác cán bộ tại phường Thanh Xuân.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Thanh Xuân

Phường Thanh Xuân giáp các phường: Đống Đa, Khương Đình, Đại Mỗ, Thanh Liệt, Yên Hòa, Láng của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 3,24 km2; quy mô dân số là 106.316 người.

Phường Thanh Xuân được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); Trung Hoà (quận Cầu Giấy), trong đó:

  • Phường Trung Hoà (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 0,11; Quy mô dân số: 1.957
  • Phường Nhân Chính (Quận Thanh Xuân): Diện tích: 1,30; Quy mô dân số: 37.191
  • Phường Thượng Đình (Quận Thanh Xuân): Diện tích: 0,31; Quy mô dân số: 11.322
  • Phường Thanh Xuân Trung (Quận Thanh Xuân): Diện tích: 0,78; Quy mô dân số: 27.235
  • Phường Thanh Xuân Bắc (Quận Thanh Xuân): Diện tích: 0,49; Quy mô dân số: 25.201
  • Phường Trung Văn (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 0,25; Quy mô dân số: 3.410

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Thanh Xuân

Thanh Xuân có vị trí thuận lợi cho di chuyển nội đô và liên tỉnh cũng như phát triển dịch vụ - thương mại, giáo dục. Với quy mô dân cư lớn và hạ tầng phát triển, phường đóng vai trò như động lực tăng trưởng đô thị mới ở phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, có tiềm năng trở thành khu đô thị trung tâm kiểu mẫu; là điểm nhấn về hạ tầng xanh, đô thị thông minh; là khu vực có chất lượng sống cao, hấp dẫn nhà đầu tư và cư dân tri thức.

Đặc điểm kinh tế phường Thanh Xuân

Với vị trí trung tâm, mật độ dân cư cao và hạ tầng phát triển đồng bộ, phường Thanh Xuân phát triển kinh tế mang đặc trưng đô thị hiện đại, năng động và đa dạng. Đây là phường có cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, phản ánh rõ đặc điểm của một trung tâm kinh tế đô thị phát triển. Các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu như bán lẻ - bán buôn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, y tế, dịch vụ ăn uống, vận tải, logistics đô thị. 

Phường Thanh Xuân là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện lớn cùng với hệ thống trung tâm thương mại, văn phòng, cơ quan nhà nước và dịch vụ sầm uất. Nhờ đó, phường giữ vai trò hạt nhân trong phát triển dịch vụ - thương mại, giáo dục và y tế chất lượng cao cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội. 

Phường Thanh Xuân là khu vực có giá trị bất động sản cao, tập trung nhiều dự án chung cư, nhà cao tầng, khu căn hộ cao cấp và nhà ở thương mại, văn phòng cho thuê tại các tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Trung Hòa,... Sự phát triển bất động sản kéo theo nhiều dịch vụ hỗ trợ.

Phường Thanh Xuân có hạ tầng thương mại tương đối hiện đại với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đồng thời, hình thành được các dãy phố chuyên doanh dịch vụ - thương mại như: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Ngụy Như Kon Tum tập trung nhiều ngân hàng, showroom kết hợp văn phòng đại diện, nhà hàng, cà phê...; Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Nhân Hòa phát triển nhiều hiệu thuốc, quán ăn…; Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Huy Tưởng là phố thương mại kết hợp văn phòng cho thuê, spa, phòng tập, trung tâm ngoại ngữ,… Ngoài ra còn có hệ thống chợ dân sinh như chợ Nhân Chính, chợ Thượng Đình, chợ Thanh Xuân Bắc vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân trên địa bàn phường. 

Phường Thanh Xuân nằm gần một số cơ sở công nghiệp lớn như Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Nhà máy cao su Sao Vàng, Nhà máy Xà phòng Hà Nội, Công ty giày Thượng Đình có nhiều sản phẩm được xét chọn là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở này thuộc diện phải di dời nhằm đảm bảo cảnh quan và môi trường đô thị. 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Thanh Xuân

Sau sắp xếp, phường Thanh Xuân trở thành một trong những phường có quy mô dân số lớn. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm cho các làng xã xưa của phường Thanh Xuân có những thay đổi mạnh mẽ, hình thành nên các nhóm cư dân đa dạng. Một bộ phận cư dân sống trong các khu chung cư cao tầng hiện đại như Royal City, Hapulico, StarCity,… Tại khu vực Thượng Đình, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung và một phần Nhân Chính, đại bộ phận dân cư sống trong các khu nhà lắp ghép, tập thể, nhà cao tầng khép kín tách biệt. Đồng thời vẫn còn một số khu dân cư truyền thống, lâu đời xen kẽ tại khu vực các làng Nhân Chính, làng Thượng Đình,…

Dân cư đa dạng gồm nhiều nhóm khác nhau: cán bộ công chức, trí thức, sinh viên, người lao động trong các ngành dịch vụ, kinh doanh và công nghệ,... Thành phần dân cư có mức sống và trình độ học vấn khá cao, tập trung nhiều người trẻ, lao động trí thức và chuyên gia, tạo nên lực lượng lao động dồi dào và chất lượng cho địa phương. 

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, tụ khí anh hoa, phường Thanh Xuân trở thành một trong những trung tâm, cái nôi hội tụ tinh hoa văn hóa với nhiều di tích văn hóa - lịch sử có giá trị, được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia như: đình Giáp Nhất thờ Phùng Luông Đại Vương, người có công cùng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh quân Nhà Đường Thế kỉ VIII (1992); đình Cự Chính thờ Lã Đại Liệu người có công giúp vua Thục chống quân Triệu thuở xưa (là ngôi đình thờ chung của làng Cự Lộc và làng Chính Kinh xưa (1990); đình làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương tức Hùng Lãng Công người có công dẹp giặc Nam Chiếu giữa thế kỉ IX (1989); chùa Giáp Nhất (1992); chùa Bồ Đề, đình Cự Chính (1990) . Ngoài ra, phường còn có Phủ Dục Đức; miếu Hai Cô; giếng cổ đình Cự Chính, Văn chỉ làng Quan Nhân. nhà thờ họ Nguyễn Thái Bảo. Dòng họ Mục Tộc,…

Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn phường như: lễ hội 5 làng Mọc ở Hà Nội tổ chức 10-12/2 (Nhân Chính); lễ hội đình Thượng Đình tổ chức 7/10 tháng Giêng; lễ hội đình Giáp Nhất, Quan Nhân, Cự Chính tổ chức 10-11/2 (Nhân Chính);… Trong lễ hội, nhân dân thường tổ chức các trò chơi đánh đu, cờ người, bịt mắt đập niêu, chọi gà.

Về y tế: Các cơ sở y tế lớn trên địa bàn phường như: Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hà Nội - Bộ Công An, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội (cơ sở 1). Ngoài ra, hệ thống trung tâm y tế cùng nhiều phòng khám tư nhân trên địa bàn đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Về giáo dục: Phường có nhiều trường học tiêu biểu, đạt chuẩn quốc gia, có bề dày thành tích như: Tiểu học và THCS Phan đình Giót, Tiểu học Nguyễn Tuân, Tiểu học và THCS Nhân Chính, Tiểu học và THCS Thanh Xuân Trung, THCS  và THPT Nhân Chính, THCS Thanh Xuân,... Ngoài ra, trên địa bàn phường cũng có nhiều trường tư thục đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn và khu vực lân cận.

Trên địa bàn có nhiều trường đại học lớn như trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ giao thông, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy...

 ● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Thanh Xuân: Số 9 Khuất Duy Tiến

 ● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thanh Xuân: đồng chí Bùi Huyền Mai

 ● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân: đồng chí Đỗ Quang Dương

 ● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thanh Xuân: đồng chí Nguyễn Xuân Hải.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời