Phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ em

Các tật khúc xạ thường gặp ở trẻ nhỏ đó là cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ... trong đó, tỷ lệ trẻ bị cận thị chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ nhỏ.

Các tật khúc xạ thường gặp

Khi ta nhìn đồ vật thấy rõ nét, tức là mắt bình thường, lúc đó đồ vật sẽ hiện đúng trên võng mạc của mắt. Khi mắt bị tật khúc xạ tức là mắt có thiếu sót ở các thành phần quang học (như giác mạc, thể thủy tinh) làm cho ánh sáng đi vào mắt qua các thành phần này không tạo thành tiêu điểm rõ nét trên võng mạc, như vậy, mắt bị tật khúc xạ nhìn đồ vật sẽ bị nhòe, mờ, không rõ nét.

Tật khúc xạ khiến trẻ em không nhìn rõ hình ảnh.

Cận thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở trước võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt cận thị nhẹ thường nhìn gần vẫn bình thường, nhưng nhìn xa không rõ. Cận thị có thể đơn độc hoặc kèm theo loạn thị.

Viễn thị là khi các tia sáng từ xa tới mắt hội tụ ở sau võng mạc (thay vì đúng trên võng mạc). Mắt viễn thị nhẹ có thể nhìn bình thường nhưng thường bị mỏi mắt do điều tiết. Nếu viễn thị nặng thì nhìn các vật ở cả xa và gần đều mờ. Viễn thị có thể kèm theo loạn thị.

Loạn thị là khi các tia sáng tới mắt không hội tụ ở một điểm mà ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc (thường là do giác mạc có độ cong khác nhau giữa các kinh tuyến làm cho giác mạc không phải là dạng chỏm cầu thực sự). Mắt loạn thị nhìn vật bị mờ và biến dạng. Loạn thị có thể phối hợp với cận thị hoặc viễn thị.

Dấu hiệu nhận biết tật khúc xạ ở trẻ em

Biểu hiện của tật khúc xạ khá phức tạp, tùy thuộc vào từng loại tật. Tuy nhiên, mờ mắt là biểu hiện phổ biến nhất. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khác như:

- Trẻ thường không nhìn rõ các vật ở xa

- Đọc chữ hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc

- Hay nheo mắt lại hoặc lại gần mới thấy rõ hình ảnh của vật

- Trẻ hay bị nhức đầu

- Trẻ hay bị mỏi mắt, hay chảy nước mắt

- Vùng nhìn bị chói hoặc bị quầng sáng

- Nhìn đôi

Phòng ngừa tật khúc xạ

Một chế độ sinh hoạt khoa học có thể hỗ trợ ngăn ngừa trẻ mắc các tật khúc xạ kể trên. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý tới các vấn đề sau đây để có thể bảo vệ trẻ một cách toàn diện nhất:

– Điều chỉnh tư thế ngồi của trẻ khi học bài, tránh nhìn gần, cúi gù lưng khi học tập.

Tránh để trẻ đọc sách, xem tivi, điện thoại… ở khoảng cách gần.

– Hạn chế để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên khi không cần thiết, nên có thời gian nghỉ sau khoảng từ 30-45 phút học tập để thư giãn mắt.

– Đảm bảo không gian trẻ học tập luôn có điều kiện ánh sáng tốt, sáng và thoáng đãng.

– Có chế độ dinh dưỡng khoa học, đảm bảo đủ vitamin cần thiết cho cơ thể và có thể bổ sung thêm nhiều rau củ, trái cây tươi giàu vitamin A, E…

– Để trẻ nghỉ ngơi khoa học, ngủ đủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày và từ bỏ các thói quen dụi mắt, nheo mắt…

– Khám thị lực cho trẻ thường xuyên, định kỳ 2 lần/năm để kiểm soát và chẩn đoán sớm các bệnh lý giúp điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của bệnh tới thị lực trẻ.

Tổng hợp

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời