Pháp lên kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/7 đã cam kết tăng chi tiêu quân sự thêm 6,5 tỷ euro trong hai năm tới.
Theo ông Macron, nỗ lực này là cấp bách và cần thiết trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng. Theo kế hoạch của Tổng thống Pháp, ngân sách quốc phòng năm 2026 của nước này sẽ được tăng thêm 3,5 tỷ euro và 3 tỷ euro nữa sẽ được bổ sung vào năm 2027. Con số này sẽ tăng khoảng 6% so với tổng số 110 tỷ euro đã được lên kế hoạch cho cả năm 2026 và 2027 cộng lại. “Nỗ lực chi tiêu lịch sử mới này là tương xứng, đáng tin cậy và không thể thiếu”, ông Macron phát biểu trước các quan chức quân sự ngay trước thềm Quốc khánh Pháp.
Quốc phòng dường như sẽ là lĩnh vực duy nhất được bổ sung nguồn lực khi Thủ tướng Pháp Francois Bayrou công bố kế hoạch ngân sách năm 2026 vào ngày 15/7 tới. Trong bối cảnh hầu hết các đảng đối lập đã ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, kế hoạch trên được dự báo là sẽ nhanh chóng được thông qua.
“Kể từ năm 1945, tự do chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng đến vậy, và chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến các mối đe dọa quân sự thông thường và an ninh mạng mà châu Âu đang phải đối mặt.
Kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của Pháp được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu đang chịu áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc phải hành động nhiều hơn để đảm bảo an ninh của chính họ. Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tăng chi tiêu quốc phòng cốt lõi lên 3,5% GDP.
Con số này thể hiện sự gia tăng đáng kể so với mục tiêu 2% trước đây, mà khoảng ba phần tư trong số 32 thành viên NATO hiện đang đạt được, bao gồm cả Pháp.
Theo các nhà lập pháp và nhà phân tích, Paris sẽ khó đạt được mục tiêu mới của NATO do tình hình tài chính công căng thẳng. Tuy nhiên, Tổng thống Macron tuyên bố rằng Paris vẫn có đủ khả năng để tăng cường chi tiêu quốc phòng, bất chấp nhu cầu cấp thiết phải cải thiện tình hình tài chính công đang xuống cấp. Ông Macron lập luận rằng EU nên bắt tay vào việc vay nợ chung để tăng cường quốc phòng khu vực, nhưng các quốc gia thành viên khác, bao gồm cả Đức, vẫn phản đối. Thay vào đó, Đức đã bắt đầu một làn sóng chi tiêu quốc phòng khổng lồ mà họ sẽ tài trợ bằng cách vay thêm nợ.
Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, Berlin có đủ khả năng làm như vậy vì tỷ lệ nợ trên GDP của nước này là 62,5% vào cuối năm 2024, trong khi tỷ lệ của Pháp là 113%, chỉ sau Hy Lạp và Italy. Để bắt đầu thu hẹp thâm hụt ngân sách, chính phủ Pháp đang xây dựng một gói tài chính lên tới 40 tỷ euro thông qua cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, đồng thời cảnh báo người dân rằng mọi người sẽ phải đóng góp vào nỗ lực này.
Kể từ khi đắc cử lần đầu vào năm 2017, ông Macron đã ưu tiên tái thiết quân đội sau nhiều thập kỷ cắt giảm ngân sách sau Chiến tranh Lạnh. Pháp đã thông qua các ngân sách quân sự nhiều năm liên tiếp nhằm mục đích phục hồi lực lượng quân sự đã xuống cấp và tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm từ mức năm 2017 vào năm 2030.
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết khoản tăng chi tiêu mới được công bố sẽ đồng nghĩa với việc ngân sách quốc phòng sẽ tăng gấp đôi, đạt 64 tỷ euro vào cuối năm 2027 - năm cuối cùng ông tại nhiệm.
Theo báo cáo gần đây của France Strategie, ngân sách quân sự hàng năm của Pháp sẽ cần tăng lên khoảng 100 tỷ euro mới đạt được mục tiêu chi 3% GDP cho quốc phòng. Pháp sở hữu một trong những quân đội mạnh nhất châu Âu với nhiều năng lực, bao gồm vũ khí hạt nhân có thể được trang bị trên tàu ngầm và máy bay chiến đấu. Năng lực hạt nhân chiếm khoảng 13% tổng ngân sách trang thiết bị. Pháp cũng duy trì một tàu sân bay và có khoảng 200.000 quân nhân.