Phân loại hộ kinh theo bốn ngưỡng doanh thu
Cục thuế Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó phân loại hộ kinh doanh theo bốn ngưỡng doanh thu nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Lâu nay, các hộ và cá nhân kinh doanh vẫn đang nộp thuế theo phương thức thuế khoán. Từ 1/1/2026, hình thức thuế này sẽ chính thức bị bãi bỏ. Cùng với quy định này, Cục thuế Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế, trong đó, phân loại hộ kinh doanh theo bốn ngưỡng doanh thu, nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn.
Chị Vũ Thu Thủy - chủ cửa hàng hoa cỏ Florist đã từng giải thể doanh nghiệp để chuyển sang mô hình hộ kinh doanh, bởi phương pháp nộp thuế khoán đơn giản và ít chi phí hơn. Nhất là khi chính sách bỏ thuế khoán có hiệu lực từ năm 2026 tới, với quy mô nhỏ của cửa hàng như hiện tại, việc thực hiện kê khai của chị Thủy sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chị Vũ Thu Thủy cho biết: "Mặt hàng hoa là một mặt hàng nông nghiệp nên rất khó để theo dõi hết các hóa đơn đầu vào. Ví dụ, mình mua ở các công ty lớn thì còn có hóa đơn nhưng nếu mình mua của các tiểu thương ở chợ chẳng hạn thì hoàn toàn không có. Đó là một khó khăn để tôi có thể xác định hóa đơn đầu vào, trừ đi khấu hao doanh thu để đóng thuế".
Sau khi bỏ thuế khoán từ 2026, ngành thuế định hướng chia hộ kinh doanh thành bốn nhóm theo doanh thu để quản lý và ban hành chính sách phù hợp:
Nhóm 1: Doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm - dưới ngưỡng phải chịu thuế.
Nhóm 2: Doanh thu từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Nhóm 3: Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng: 1-3 tỷ đồng/năm; trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ: 1-10 tỷ đồng/năm.
Nhóm 4: Doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.
Việc phân chia này vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến của người dân, chuyên gia và các cơ quan liên quan. Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế - Bộ Tài chính cho biết: "Khi ở ngưỡng 3, 4 là các hộ kinh doanh phải làm hóa đơn, còn ngưỡng 1 và 2 thì chúng tôi khuyến khích sử dụng hóa đơn".
Thực tế, nhóm doanh thu 2 đa phần là các cá nhân hộ kinh doanh nhỏ, lợi nhuận thực lĩnh sau khi trừ chi phí vào khoảng 7 -10%/năm. Như vậy nếu tính trên phần doanh thu từ 200 – 1 tỷ đồng/ năm họ chỉ nhận phần lãi cả năm nhiều nhất khoảng 70 – 100 triệu đồng. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, bất kỳ động thái siết thuế hay thêm thủ tục nào đều cần phải suy nghĩ thấu đáo.
Bà Lê Thị Yến – Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thuế Hà Nội cho biết: "Tôi nghĩ từ năm nay đến 2027 có thể vẫn áp dụng thuế khoán cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ được, tại vì đa phần đối tượng thuộc trường hợp này đều yếu về mặt công nghệ và tiếp thu công nghệ rất chậm. Khi họ dần thích nghi được rồi, lúc đó chúng ta mới đổi lại".
Phân loại hộ kinh doanh theo ngưỡng doanh thu và hỗ trợ chuyển đổi sang kê khai cần có lộ trình dài hạn. Quan trọng nhất là sự đồng hành, hướng dẫn tận tình, để hộ kinh doanh thấy rằng minh bạch không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội phát triển.
Mỗi hộ kinh doanh là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế. Sự minh bạch và tuân thủ tốt chính sách thuế sẽ giúp niềm tin thị trường sẽ được củng cố, môi trường kinh doanh trở nên công bằng và bền vững hơn.