Nhiều dư địa phát triển ngành quản lý tài sản
Nhiều người hiện nay có xu hướng tìm đến các tổ chức chuyên nghiệp để sử dụng dịch vụ quản lý tài sản, mở ra dư địa lớn cho sự phát triển của ngành này.
Khi thu nhập và tài sản tích lũy ngày càng tăng, nhu cầu bảo toàn và phát triển tài sản trở thành một nhu cầu tất yếu. Thay vì tự quản lý, nhiều người có xu hướng tìm đến các tổ chức chuyên nghiệp để sử dụng dịch vụ quản lý tài sản - giải pháp an toàn và hiệu quả hơn. Xu hướng này cũng mở ra dư địa lớn cho sự phát triển của ngành quản lý tài sản tại Việt Nam.
Lâu nay, anh Lê Ngọc Long (nhà đầu tư) chủ yếu đầu tư theo hai kênh quen thuộc: 70% nguồn vốn đổ vào chính công ty nông sản của mình, còn 30% dành cho bất động sản. Trung bình mỗi năm, danh mục đầu tư này mang lại lợi nhuận từ 10-15%. Tuy nhiên, khi tài sản tích lũy ngày càng tăng, anh bắt đầu cân nhắc đến việc tìm đến các dịch vụ quản lý tài sản.
Anh Long chia sẻ: "Mình đang cân nhắc tìm đến quỹ đầu tư hoặc là các công ty quản lý tài sản vì họ sẽ có kiến thức chuyên môn hơn về các lĩnh vực mà mình không biết ví dụ như chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu… Mình có rất nhiều cái để cân nhắc khi chọn các công ty này. Thứ nhất là uy tín, kinh nghiệm, kể cả lịch sử đầu tư của họ, con số có tốt hay không? Ngoài ra còn vấn đề khác là tính minh bạch, ví dụ như họ cầm tiền của mình thì họ sẽ đầu tư như thế nào? Hoặc là họ sẽ có những báo cáo thường kỳ cho mình hay không? Cách họ chăm sóc khác hàng như thế nào?".
Theo McKinsey & Company, đến năm 2035, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Thị trường tư vấn tài chính cá nhân cũng được dự báo đạt quy mô 600 tỷ USD vào năm 2027, tăng từ mức 360 tỷ USD cuối năm 2022, tương ứng tốc độ tăng trưởng hơn 11% mỗi năm. Đây là cơ hội lớn cho ngành quản lý tài sản phát triển.
Ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt cho biết: "Xuất hiện một tệp khách hàng gọi là Affluent nghĩa là các bạn cấp quản lý trung cấp, có thu nhập khoảng 30 triệu đồng trở lên bắt đầu có sự tích lũy và họ cũng là những người trẻ. Họ bắt đầu cởi mở hơn với việc đầu tư chứng khoán và thậm chí là thị trường vàng, tiền số. Và đó chính là tệp khách mà rất nhiều công ty quản lý quỹ đầu tư hiện nay hướng tới. Hiện nay, chúng tôi sẽ bắt đầu thiết kế và đưa ra những sản phẩm như chứng chỉ quỹ, ngoài ra cũng có những sản phẩm chuyên biệt dành cho tệp khách hàng private".
Các chuyên gia nhận định, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, khi tổng tài sản do các công ty quản lý quỹ nắm giữ mới chỉ chiếm gần 6% GDP - thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Để thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, ngoài việc nâng cao kiến thức tài chính, cần có chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế và khung pháp lý minh bạch, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đầu tư phù hợp với nhóm khách hàng có tài sản lớn.