Mỹ-Indonesia đạt thỏa thuận thương mại mới: Đôi bên cùng thắng?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại “quan trọng và tuyệt vời” với Indonesia, sau cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Prabowo Subianto.
Thông báo này được đăng tải trên nền tảng Truth Social, trong đó ông Trump khẳng định thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Phía Indonesia cũng xác nhận đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, mô tả đây là kết quả của một “cuộc đàm phán phi thường.” Tuy nhiên, chi tiết cụ thể chưa được Jakarta công bố.
Dù được giới chức hai bên đánh giá tích cực, thỏa thuận này vẫn gây chú ý trong dư luận quốc tế, khi Mỹ sẽ áp mức thuế 19% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia, trong khi hàng hóa Mỹ vào quốc gia Đông Nam Á lại không bị đánh thuế.
Theo tuyên bố của ông Trump, ngoài việc miễn thuế cho hàng hóa Mỹ, Indonesia còn cam kết mua 15 tỷ USD năng lượng, 4,5 tỷ USD nông sản và 50 máy bay Boeing của Mỹ, chủ yếu là dòng Boeing 777. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Chúng ta sẽ được tiếp cận hoàn toàn thị trường Indonesia, điều mà trước đây chưa từng có. Trong khi đó, họ sẽ phải trả 19%. Tôi tin đây là một thỏa thuận tốt cho cả hai bên”.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái Indonesia xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, chủ yếu là dệt may, giày dép và hàng tiêu dùng; đồng thời nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD từ Mỹ, gồm dầu thô, khí đốt và nông sản như đậu nành, ngũ cốc. Tổng kim ngạch song phương đạt khoảng 38 tỷ USD, chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ.
Việc Mỹ áp mức thuế 19% với hàng hóa Indonesia có thể khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Jakarta trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên giá tiêu dùng trong nước. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang chật vật kiểm soát lạm phát, nguy cơ gia tăng giá từ các chính sách thuế bất ngờ là điều khiến giới kinh tế đặc biệt quan ngại.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho hay: “Kể từ sau Thế chiến thứ hai, xu hướng toàn cầu là giảm thuế quan, vì vậy không có nhiều tiền lệ hiện đại để rút kinh nghiệm. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, một số mức thuế được áp dụng nhưng chỉ bằng khoảng 1/6 so với các đề xuất hiện nay. Khi đó, năm 2019, nền kinh tế đang chậm lại, lạm phát chỉ khoảng 1,5% và chúng tôi đã phải cắt giảm lãi suất ba lần. Lần này rất khác. Chúng ta cần thận trọng, bởi vì chưa có mô hình rõ ràng để dự đoán tác động lạm phát. Có thể sự ảnh hưởng sẽ lớn hơn, hoặc nhỏ hơn so với kỳ vọng. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn dành thời gian và ra quyết định một cách thận trọng".
Từ góc độ Indonesia, việc cam kết mua hàng hóa Mỹ, đặc biệt là năng lượng, nông sản và máy bay, có thể giúp nước này duy trì ưu đãi thương mại, tránh bị áp thêm các biện pháp trừng phạt hoặc thuế nặng hơn trong tương lai. Trong bối cảnh Chính phủ Indonesia đang thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đây có thể là một lựa chọn chiến lược. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng đây là “một thỏa thuận không cân bằng”, khi Indonesia không đánh thuế hàng Mỹ, trong khi vẫn phải chấp nhận mức thuế 19% từ phía Mỹ. Việc này có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Indonesia, nhất là khi thị trường Mỹ là điểm đến quan trọng cho các ngành xuất khẩu chủ lực.
Ông Deddy Mulyadi - Giám đốc công ty dệt may ở Indonesia khẳng định: "Thứ nhất, khả năng cạnh tranh của chúng tôi sẽ giảm. Thứ hai, nhiều đơn hàng có khả năng sẽ bị hoãn lại. Thứ ba, phía Mỹ thường yêu cầu giảm giá để chia sẻ tổn thất. Điều đó chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận của chúng tôi giảm sút".
Không chỉ gây tranh cãi tại Indonesia, thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Indonesia cũng làm dấy lên tranh cãi trong giới doanh nghiệp Mỹ. Nhiều công ty cho rằng chính sách thuế đột ngột và không có dự báo trước của chính quyền Trump khiến họ khó lập kế hoạch sản xuất, dễ gặp rủi ro khi đơn hàng bị đội chi phí hoặc bị đánh thuế giữa chừng.
Dù Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp có thể “chuyển sản xuất về Mỹ” song theo các chuyên gia, điều đó không dễ thực hiện vì phải mất nhiều năm, tốn hàng trăm triệu USD để di dời nhà máy, đào tạo nhân công và xây dựng chuỗi cung ứng mới.