Mỹ và Ukraine: Được gì, mất gì từ thỏa thuận khoáng sản?

Theo giới quan sát, thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine là bước đi chiến lược có thể mang lại lợi ích kinh tế và an ninh cho cả hai bên. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chủ quyền tài nguyên, mối quan hệ với EU và khả năng dẫn đến sự phụ thuộc mới.

Hé lộ các điều khoản tiềm năng của thoả thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine

Ngày 17/4, Ukraine thông báo nước này và Mỹ đã ký một bản ghi nhớ nhằm hướng tới việc đạt thoả thuận khoáng sản, mở đường cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kim loại chiến lược. Dự kiến việc ký kết thoả thuận cuối cùng có thể diễn ra vào cuối tuần tới.

Trên mạng xã hội X, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko viết: “Chúng tôi vui mừng thông báo về việc ký kết bản ghi nhớ về ý định (còn gọi là ý định thư) với đối tác Mỹ, tạo tiền đề cho thỏa thuận đối tác kinh tế và việc thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Ukraine. Chúng tôi hy vọng rằng quỹ sẽ trở thành một công cụ hiệu quả để thu hút đầu tư vào việc tái thiết đất nước, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo ra các cơ hội kinh tế mới”.

Việc ký kết được thực hiện qua cuộc gọi trực tuyến giữa bà Svyrydenko với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Theo ông Bessent, các chi tiết của thỏa thuận vẫn đang được hoàn thiện và việc ký kết có thể diễn ra vào ngày 25/4 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ám chỉ đến thỏa thuận này trong cuộc họp báo với Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.

Chúng tôi có một thỏa thuận về khoáng sản mà tôi đoán là sẽ được ký vào thứ Năm tuần tới. Sớm thôi. Và tôi cho rằng họ sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó. Vì vậy, chúng ta hãy cùng chờ xem.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thoả thuận khoảng sản ban đầu giữa Mỹ và Ukraine từng dự kiến được ký trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Zelensky vào ngày 28/2, nhưng kế hoạch đã đổ vỡ sau cuộc tranh cãi gay gắt trong Phòng Bầu dục giữa ông Zelensky, Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance. Ông Zelensky rời Mỹ mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Kể từ đó, Ukraine đã mời hãng luật quốc tế Hogan Lovells tham gia tư vấn chiến lược cho các vòng đàm phán tiếp theo.

Quá trình đàm phán được nối lại vào ngày 11 - 12/4, khi đại diện của Mỹ và Ukraine nhóm họp tại Washington để thảo luận về thỏa thuận khoáng sản ở cấp độ nhóm kỹ thuật.

Mặc dù chưa có bình luận chính thức nào từ Nhà Trắng hoặc Bộ Tài chính Mỹ liên quan đến nội dung của bản ghi nhớ mà hai bên vừa đạt được, nhưng truyền thông phương Tây đã trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ và đưa tin về các điều khoản tiềm năng của thỏa thuận.

Theo Bloomberg, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đã giảm nhẹ yêu cầu liên quan đến việc hoàn trả khoản viện trợ trước đây đã cung cấp cho Ukraine. Theo đó, sau vòng đàm phán mới nhất tại Washington, phía Mỹ đã giảm ước tính về số tiền viện trợ mà họ dự kiến sẽ được hoàn trả từ 300 tỷ USD xuống còn khoảng 100 tỷ USD. Con số này gần với ước tính của Ukraine là hơn 90 tỷ USD.

Theo Bloomberg, Mỹ nhấn mạnh rằng, các khoản chi này được tính là đóng góp vào một quỹ đầu tư đặc biệt. Tuy nhiên, quy mô chính xác của quỹ và cam kết của Mỹ đối với các khoản đầu tư trong tương lai vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Reuters và The New York Times trước đó đã đưa tin rằng, dự thảo thỏa thuận quy định cấp cho Mỹ quyền tiếp cận đặc quyền đối với các mỏ khoáng sản của Ukraine. Các phương tiện truyền thông cũng đề cập đến một quỹ đầu tư mà Ukraine sẽ phải đầu tư toàn bộ doanh thu từ việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của cả công ty nhà nước và tư nhân. Lợi nhuận từ quỹ sẽ được Mỹ nhận cho đến khi Kiev hoàn trả toàn bộ viện trợ đã cung cấp.

Ngoài ra, theo nguồn tin được Reuters trích dẫn, Mỹ có thể yêu cầu Ukraine chuyển giao quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt của Nga được vận chuyển tới châu Âu.

Đồng thời, thỏa thuận được đề xuất không bao gồm các đảm bảo an ninh cho Ukraine từ Mỹ, vốn là một trong những ưu tiên của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ukraine được và mất gì?

Theo các nhà phân tích, mặc dù thỏa thuận khoáng sản với Mỹ không bao gồm các đảm bảo an ninh mà Kiev mong muốn, nhưng việc Mỹ có tài sản đầu tư tại Ukraine được xem là một cách để khuyến khích Washington tham gia nhiều hơn vào quốc phòng Ukraine, đồng thời mang lại cho Kiev nguồn vốn đầu tư quan trọng để khai thác những nguồn tài nguyên còn ẩn sâu dưới lòng đất.

Ukraine ước tính rằng khoảng 5% “nguyên liệu thô quan trọng” của thế giới nằm ở nước này, trong đó bao gồm khoảng 19 triệu tấn trữ lượng than chì, khiến Ukraine “trở thành một trong năm quốc gia hàng đầu” về cung cấp khoáng sản. Than chì có thể được sử dụng để sản xuất pin xe điện. Ngoài ra, Ukraine cũng sở hữu 7% nguồn cung titan của châu Âu, một kim loại nhẹ được sử dụng trong chế tạo mọi thứ, từ máy bay đến nhà máy điện. Nơi đây cũng là nơi có một phần ba trữ lượng lithium của toàn châu Âu, thành phần chính trong các loại pin hiện nay.

Các nguyên tố khác được tìm thấy ở Ukraine bao gồm berili và urani, cả hai đều rất quan trọng đối với vũ khí hạt nhân và lò phản ứng. Các mỏ đồng, chì, kẽm, bạc, niken, coban và mangan cũng có trữ lượng rất đáng kể. Hơn nữa, Ukraine có trữ lượng đáng kể kim loại đất hiếm. Đây là nhóm 17 nguyên tố được sử dụng để sản xuất vũ khí, tua bin gió, thiết bị điện tử và các sản phẩm khác quan trọng trong thế giới hiện đại.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ukraine có khoảng 20.000 mỏ khoáng sản thuộc 116 loại, nhưng chỉ có khoảng 15% địa điểm đang được khai thác tích cực vào thời điểm xung đột nổ ra vào năm 2022. Các mỏ lithium lớn của đất nước này vẫn chưa được khai thác nhiều. Trong khi các mỏ đất hiếm được biết đến là có tồn tại, nhưng chưa có mỏ nào được khai thác vì thiếu đầu tư. Việc khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản này cực kỳ khó khăn và tốn kém.

Theo giới quan sát, đối với Ukraine, thoả thuận khoáng sản vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn. Cơ hội nằm ở việc thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến từ Mỹ, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và năng lượng.

Nếu Ukraine có thể thu hút các nhà đầu tư Mỹ giúp phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế của đất nước.

Bà Iryna Suprun - Giám đốc điều hành của Geological Investment Group.

Mặt khác, dù hiện chưa rõ thỏa thuận cuối cùng giữa Mỹ và Ukraine có mang theo bất kỳ bảo đảm an ninh cụ thể nào của Mỹ, hay liệu Washington có cam kết gửi thêm viện trợ quân sự cho Kiev hay không, nhưng một quan chức Chính phủ Ukraine cho biết, Kiev hy vọng rằng, việc ký kết thỏa thuận khoáng sản sẽ bảo đảm dòng chảy viện trợ quân sự liên tục của Mỹ mà Ukraine đang rất cần.

Tuy nhiên, thách thức mà thoả thuận mang lại cũng không nhỏ khi Ukraine sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát tài nguyên chiến lược nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, đồng thời phải đối diện với sự phụ thuộc vào Mỹ về kinh tế và chính trị.

Một số nhà quan sát cũng cho rằng, thoả thuận này cũng có thể khiến Ukraine rơi vào thế bất lợi, đồng thời làm suy yếu một thỏa thuận hợp tác khai khoáng mà Kiev đã ký với Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2021. Việc làm mất lòng EU có thể làm trầm trọng thêm những rào cản trên con đường gia nhập EU của Ukraine.

Khoáng sản Ukraine: Quân bài chiến lược

Đối với Mỹ, thoả thuận khoáng sản với Ukraine không chỉ mang lại nguồn thu giúp Washington lấy lại chi phí viện trợ đã bỏ ra cho Kiev trong ba năm xung đột, mà còn mang ý nghĩa chiến lược sâu rộng trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Ukraine, quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là các khoáng sản chiến lược đang trở thành “quân bài chiến lược” trong cuộc đối đầu giữa các siêu cường.

Theo giới quan sát, thỏa thuận khoáng sản với Ukraine dường như không chỉ giúp Mỹ tiếp cận các nguồn tài nguyên quý của Ukraine mà còn nhằm củng cố ảnh hưởng của Washington tại Đông Âu, đồng thời kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga và ngăn chặn sự thâm nhập của Trung Quốc vào khu vực này.

Có thể thấy, việc Mỹ tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine không phải là một quyết định ngẫu nhiên. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, đặc biệt là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc về công nghệ cao và năng lượng sạch, khoáng sản chiến lược đã trở thành yếu tố then chốt trong cuộc chơi quyền lực toàn cầu.

Mỹ từ lâu đã phụ thuộc vào Trung Quốc về các khoáng sản đất hiếm. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa hai nước leo thang, nhằm đáp trả mức thuế 245% do chính quyền Trump áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, từ đầu tháng này Bắc Kinh đã bắt đầu ra lệnh hạn chế xuất khẩu 7 loại khoáng sản đất hiếm vốn giữ vai trò quan trọng đối với ngành quốc phòng. Do đó, thỏa thuận với Ukraine không chỉ giúp Mỹ đa dạng hóa nguồn cung mà còn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ.

Đây không chỉ là bước đi quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế sau xung đột của Ukraine, mà còn là cơ hội để Mỹ giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Katser-Buchkovska - Cựu nghị sĩ Quốc hội Ukraine.

Trong khi đó, thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các mỏ khoáng sản tại châu Phi và Mỹ Latinh, tạo ra một mạng lưới kiểm soát nguồn cung khoáng sản toàn cầu.

Tại châu Phi, Trung Quốc hiện kiểm soát tới 70% nguồn cung cobalt - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion. Thỏa thuận với Ukraine của Mỹ có thể coi là một phản ứng chiến lược nhằm đối phó với Bắc Kinh, đồng thời củng cố vị thế của Washington trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.

Đối với Mỹ, thỏa thuận này mang lại nhiều lợi ích chiến lược. Washington không chỉ đảm bảo được nguồn cung khoáng sản chiến lược mà còn củng cố ảnh hưởng địa chính trị tại Đông Âu - khu vực vốn là “sân sau” của Nga. Tuy nhiên, rủi ro cũng hiện hữu khi Mỹ phải đầu tư vào một khu vực đang bất ổn về chính trị và an ninh. Bất kỳ biến động nào tại Ukraine cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới lợi ích của Mỹ.

Mặt khác, mặc dù Ukraine sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn, gần 40% các mỏ này vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc ở khu vực tiền tuyến, gây khó khăn cho việc khai thác từ phương Tây. Do đó, theo các nhà phân tích, ngay cả khi Washington đạt thỏa thuận khoáng sản với Kiev, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn khó đạt được lợi ích lớn nếu không có sự hợp tác của Moscow.

Có hai vấn đề. Trước hết, cơ sở kiến thức của chúng ta về các nguồn tài nguyên của Ukraine, đất hiếm, titan, mangan và các loại khác là không đủ. Vì vậy, trước tiên chúng ta cần nhiều thông tin hơn về các loại khoáng sản có tại Ukraine. Thứ hai, một vấn đề lớn đối với Mỹ là không có nhiều công ty Mỹ có khả năng khai thác và chế biến các nguyên tố đất hiếm này, bởi vì trong gần hai thập kỷ, các công ty Trung Quốc đã thống trị lĩnh vực này. Vì vậy, ở cấp độ chính trị, thật dễ dàng để nói hãy lấy những nguyên tố quan trọng này từ Ukraine. Nhưng ở cấp độ thực tế, vẫn chưa rõ công ty nào, Mỹ, Anh hay Đức hay bất kỳ công ty nào sẽ có thể làm được điều này ngay bây giờ khi chiến tranh vẫn tiếp diễn.

Giáo sư Julie Michelle Klinger - Viện Khoa học Con người.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/2 đã để ngỏ khả năng làm việc cùng các đối tác Mỹ trong việc phát triển khoáng sản đất hiếm, thậm chí là ở các khu vực đã sáp nhập vào Nga. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dù hợp tác với Mỹ nhưng Nga “sẽ không bao giờ chấp nhận” việc quân đội hoặc các nhà thầu quân sự Mỹ tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản ở Ukraine. Thỏa thuận này đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Nga tại Ukraine. Còn với Trung Quốc, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi một thị trường quan trọng và nguồn cung khoáng sản chiến lược từ Ukraine.

Có thể nói, thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine không chỉ thay đổi cục diện kinh tế của một quốc gia mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đối đầu địa chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thành công, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy kinh tế Ukraine và củng cố quan hệ Mỹ - Ukraine. Ngược lại, nếu không được quản lý chặt chẽ, nó có thể khiến Ukraine mất đi quyền kiểm soát tài nguyên chiến lược và trở thành “con tốt” trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa các siêu cường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đáp lại đề xuất ngừng bắn của phía Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky tỏ ý sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn sau thời hạn này.

Từ một người làm nông tay ngang, chị Sophy Musabeni đã trở thành một trong những nữ nông dân tiêu biểu của đất nước, nổi bật với mô hình sản xuất rau củ đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp.

Giải chạy bán marathon lần đầu tiên giữa robot và con người đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 19/4.

Nằm trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc thuộc các đối tác thương mại của Mỹ chịu thuế đối ứng cao hơn mức cơ sở 10%. Cùng với nhiều quốc gia khác, hai quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á này đang xem xét các biện pháp phù hợp để ứng phó với các đòn thuế quan của ông Trump.

Quân đội Nga vừa hạ thêm ba bệ phóng MLRS M142 HIMARS được trang bị tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết việc nước này chậm chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa cho Ukraine trong giai đoạn năm 2022 - 2023 không phải do lo ngại xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn cầu, mà là vì tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng loại khí tài này trong kho vũ khí của Mỹ.