Liên minh cầm quyền Nhật Bản mất đa số tại Thượng viện

Đài truyền hình NHK đưa tin, liên minh cầm quyền của Nhật Bản chắc chắn sẽ mất quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 20/7.

Kết quả trên, nếu thành sự thật, sẽ làm suy yếu thêm quyền lực của Thủ tướng Shigeru Ishiba khi thời hạn áp thuế quan của Mỹ đang đến gần.

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba và đối tác liên minh là Đảng Công Minh chắc chắn sẽ không đạt được 50 ghế cần thiết để đảm bảo có 248 ghế trong Thượng viện trong cuộc bầu cử mà một nửa số ghế sẽ được tranh cử, NHK đưa tin vào sáng 21/7, ở thời điểm vẫn còn sáu ghế chưa được công bố. Kết quả thăm dò ý kiến cử tri sau bỏ phiếu của đài truyền hình NHK cho thấy số ghế mà liên minh có thể giành được dao động từ 32 đến 51 ghế.

Đài PTTH Hà Nội
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong cuộc họp báo tại Tokyo ngày 20/7.

Mặc dù cuộc bỏ phiếu không trực tiếp quyết định liệu chính quyền của Thủ tướng Ishiba có sụp đổ hay không, nhưng lại gây thêm áp lực chính trị lên nhà lãnh đạo vốn đang gặp khó khăn sau khi mất quyền kiểm soát Hạ viện hồi tháng 10/2024. Cuộc bỏ phiếu lần này khiến chính quyền của ông Ishiba dễ bị tổn thương trước các động thái bất tín nhiệm và những lời kêu gọi thay đổi lãnh đạo từ chính đảng của ông. 

Phát biểu vào tối 20/7 sau khi kết thúc thăm dò ý kiến cử tri, ông Ishiba tuyên bố rằng ông "trân trọng" chấp nhận "kết quả khắc nghiệt".

"Chúng tôi đang tham gia vào các cuộc đàm phán thuế quan cực kỳ quan trọng với Mỹ... chúng tôi không bao giờ được phép phá hỏng các cuộc đàm phán này. Việc chúng tôi dành toàn bộ sự tận tâm và năng lượng để hiện thực hóa lợi ích quốc gia là điều hoàn toàn tự nhiên", ông Ishiba tuyên bố với báo giới. 

Khi được hỏi liệu ông có ý định tiếp tục giữ chức Thủ tướng và lãnh đạo Đảng LDP hay không, ông Ishiba đã trả lời "đúng vậy".

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, phải đối mặt với thời hạn chót là ngày 1/8 để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ hoặc phải đối mặt với mức thuế trừng phạt tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình. Ngày 7/7, ông Trump gửi đợt thư báo thuế đầu tiên đến các đối tác thương mại chưa đạt thỏa thuận với Mỹ. Theo đó, toàn bộ hàng hóa từ Nhật Bản sang Mỹ sẽ chịu thuế nhập khẩu 25%, bắt đầu từ ngày 1/8. Mức này cao hơn so với mức công bố ngày 2/4 là 24%.

Kết quả kiểm phiếu cho thấy Đảng Dân chủ Lập hiến đối lập chính được dự đoán sẽ giành vị trí thứ hai.

Đảng cực hữu Sanseito, ra đời trên YouTube vài năm trước, đã tuyên bố tham gia chính trường chính thống với chiến dịch "Nhật Bản trên hết" và cảnh báo về một "cuộc xâm lược âm thầm" của người nước ngoài đang giành được sự ủng hộ rộng rãi hơn. Đảng này dự kiến sẽ giành thêm ít nhất 13 ghế so với một ghế đã được bầu trước đó.

Các đảng đối lập ủng hộ việc cắt giảm thuế và chi tiêu phúc lợi đã gây được sự đồng tình của cử tri, vì giá tiêu dùng tăng cao, đặc biệt là giá gạo tăng vọt, đã gieo rắc sự thất vọng trong dân chúng về phản ứng của chính phủ.

Đảng LDP đã thúc giục kiềm chế tài khóa, đồng thời chú ý đến thị trường trái phiếu chính phủ đang rất bất ổn, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về khả năng tái cấp vốn cho khoản nợ lớn nhất thế giới của Nhật Bản. Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ nhượng bộ nào mà LDP phải đạt được với các đảng đối lập để thông qua chính sách sẽ chỉ càng làm tăng thêm sự lo lắng của họ.

Ông Yu Uchiyama, giáo sư chính trị tại Đại học Tokyo, cho biết: "Đảng cầm quyền sẽ phải thỏa hiệp để có được sự hợp tác của phe đối lập và ngân sách sẽ tiếp tục tăng. Đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về nền kinh tế Nhật Bản cũng sẽ khá khắc nghiệt."

Đài PTTH Hà Nội
Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh là Đảng Công Minh được dự báo thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản.

Đảng cực hữu Sanseito, lần đầu tiên xuất hiện trong đại dịch Covid-19 khi lan truyền các thuyết âm mưu về tiêm chủng và một nhóm tinh hoa toàn cầu, là một trong những nhóm ủng hộ việc mở rộng tài khóa. Song chính những lời lẽ cứng rắn về vấn đề nhập cư của họ đã thu hút sự chú ý. Hiện vẫn chưa biết liệu đảng này có thể đi theo con đường của các đảng cực hữu khác trên thế giới, chẳng hạn như AfD của Đức và Reform của Anh hay không.

"Tôi đang theo học cao học nhưng xung quanh tôi không có người Nhật nào cả. Tất cả đều là người nước ngoài", chị Yu Nagai, một sinh viên 25 tuổi, cho biết sau khi bỏ phiếu cho Sanseito. "Khi tôi nhìn vào cách chi tiền và tiền bồi thường cho người nước ngoài, tôi nghĩ rằng người Nhật Bản có phần không được tôn trọng". chị Nagai cho biết thêm. 

Nhật Bản, quốc gia có dân số già nhất thế giới, đã chứng kiến số lượng cư dân sinh ra ở nước ngoài đạt mức kỷ lục khoảng 3,8 triệu người vào năm ngoái. Con số này chỉ chiếm 3% tổng dân số, nhỏ hơn nhiều so với ở Mỹ và châu Âu, nhưng lại diễn ra trong bối cảnh du lịch bùng nổ khiến người nước ngoài dễ nhận thấy hơn trên khắp đất nước mặt trời mọc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời