Kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế
Việc nâng cao kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế và giải pháp an ninh trong bệnh viện cần được quan tâm đúng mức, có giải pháp đồng bộ để hạn chế sự cố không mong muốn.
Qua thực tế ghi nhận từ các vụ việc mất an ninh trật tự tại bệnh viện, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ chiếm 70%, còn lại là điều dưỡng, y tá chiếm 15-90% vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện. Trong đó bệnh viện tuyến huyện chiếm 60%, bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 20%. Những sự việc xảy ra có tác động tâm lý khiến cán bộ y tế bị stress, trầm cảm, làm giảm lòng yêu nghề, nhiệt huyết công việc. Mỗi nhân viên y tế đều mong muốn được trang bị những kỹ năng về ứng phó với bạo lực trong cơ sở y tế.
Bác sĩ Bạch Văn Thắng - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội chia sẻ: “Các ca trực của mình đã gặp rất nhiều trường hợp xảy ra tình trạng bạo lực trong y tế, mình cũng cảm thấy rất bối rối. Việc được tập huấn, xử lý ứng phó với bạo lực trong cơ sở y tế sẽ đảm bảo cho nhân viên y tế được làm việc trong môi trường y tế an toàn, từ đấy nâng cao chất lượng làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho bệnh nhân. Qua đó, giảm thiểu các sự rủi ro về mặt tài chính, mặt thương tích, tổn thương tâm lý cho nhân viên y tế”.
Nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ứng phó tình hướng khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề "Kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế và các giải pháp an ninh trong bệnh viện". Thượng tá Đào Trung Hiếu – Chuyên gia Tội phạm học, cựu Điều tra viên Đội điều tra trọng án, phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã có những hướng dẫn và chia sẻ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện về các tình huống có thể xảy ra.
Khi xảy ra hành hung, bảo vệ bệnh viện phải kiên quyết, quyết liệt ngăn cản, thậm chí là tấn công bắt giữ đối tượng có hành vi hành hung. Đối với nhân viên y tế có quyền chạy khỏi khu vực nguy hiểm, không nên đứng yên để đối tượng có cơ hội đánh đập, hành hung, bởi đây là hành vi phạm tội quả tang, có thể khởi tố đối tượng về tội giết người, cố ý gây thương tích.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cho hay: “Trước khi trở thành một nhân viên y tế, họ là con người, là công dân nên họ được hưởng những quyền là pháp luật cho phép. Trong đó có quyền được tự phòng vệ, tự bảo vệ minh. Điều 22 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ về chế định phòng vệ chính đáng, nghĩa là được quyền chống lại người đang có hành vi tấn công, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của mình và của người khác. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Nhân viên y tế được quyền tự vệ, được quyền bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe của mình để ngăn chặn hành vi tấn công".
Bà Nguyễn Thị Phượng - Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội chia sẻ: “Được Ban Giám đốc bệnh viện tổ chức buổi tập huấn kỹ năng ứng phó với bạo lực tại cơ sở y tế, chúng tôi trang bị cho mình thêm một số kiến thức để có thể vững tin hơn trong quá trình công tác sau này”.
Các bệnh viện phải thực sự coi trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự trong cơ sở y tế, chú trọng phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh.