Không sử dụng xe xăng để định hình đô thị xanh, bền vững
Việc cấm xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1 được xem là cơ hội để Hà Nội tái định hình đô thị theo hướng xanh, thông minh, bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo nội dung chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi xe cộ, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực vành đai 1.
Quyết định này mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô trong nỗ lực cải thiện chất lượng không khí, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng đô thị phát thải thấp. Đặc biệt là các khí thải độc hại, như CO, NOx và bụi mịn PM2.5 - vốn đang làm chất lượng không khí Hà Nội nhiều lần rơi vào mức xấu. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội tái định hình đô thị theo hướng xanh - thông minh - bền vững. Trong dài hạn, việc giảm phụ thuộc vào xe máy cá nhân còn giúp thành phố tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn môi trường và giao thông hiện đại mà nhiều đô thị hàng đầu thế giới đang áp dụng thành công.
Theo quy hoạch, Vành đai 1 có tổng chiều dài khoảng hơn 40km, được giới hạn bởi các tuyến phố từ cầu Nhật Tân dọc theo đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục - Cầu Giấy - Bưởi - Lạc Long Quân. Trong đó, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục dài khoảng 2,2km chưa được đầu tư; đi qua địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa trước đây. Đây là trục chính đô thị kết nối theo hướng Đông Tây, qua khu vực trung tâm thành phố. Việc khuyến khích sử dụng xe điện trong khu vực này được người dân quan tâm.
Các chuyên gia đánh giá, đây là một quyết tâm cần thiết của Chính phủ nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều, do đó, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân.
TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: "Xe máy cũng là một tài sản không hề nhỏ đối với các gia đình. Tôi cho rằng quy định đó sẽ có tác động lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự chuẩn bị thật tốt, không chỉ cấm mà còn đồng bộ cùng các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe chạy điện hay những phương tiện khác xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn"
Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng. Song song với đó, việc phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt điện là giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.
Theo chỉ thị, lộ trình tiếp theo được đặt ra từ 1/1/2028, sẽ hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong vành đai 1 và vành đai 2. Đến năm 2030, áp dụng quy định trên với toàn bộ phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3. Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp sẽ phải thực hiện đồng bộ gồm phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân.