‘Kho vàng ròng’ trong văn hóa dân gian
Hò Cửa đình, múa hát Bài Bông và hát trống quân là những âm hưởng cổ truyền đặc biệt mà ngày nay vẫn được biết đến như kho “vàng ròng” trong văn hóa dân gian.
Hò Cửa đình và múa hát Bài Bông là hai hình thức diễn xướng mang dáng dấp nghi lễ cung đình xưa vẫn đang được gìn giữ qua nhiều thế hệ tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên – nay là xã Quang Hà, Hà Nội. Từ năm 1996, địa phương chính thức khôi phục hò Cửa đình và múa hát Bài Bông. Câu lạc bộ hiện có gần 200 thành viên, trải đều nhiều thế hệ – từ các cụ cao tuổi đến những em nhỏ mới 6, 7 tuổi. Một đời sống văn hóa cộng đồng sinh động, đầy gắn bó đang hồi sinh từ chính những câu hò, điệu múa cổ truyền.
Ở tuổi 83, Nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên đã chứng kiến bao biến động thăng trầm của nghệ thuật hát múa Bài Bông – Hò Cửa đình. Từ một cô bé 10 tuổi được truyền dạy bởi các cụ cao niên trong làng, bà trở thành chứng nhân sống của một giai đoạn tưởng chừng như di sản này đã bị quên lãng.
Ông Lê Văn Tâm – thành viên câu lạc bộ chia sẻ: "Những ngày rằm tháng Tám, các giai hò gồm các ông, các anh sẽ đến trước cửa đình để hò".
Đến nay, thôn Phú Nhiêu, xã Quang Hà là nơi duy nhất còn lưu giữ được làn điệu này sau hơn 300 năm tồn tại. Không chỉ là nghệ thuật trình diễn, hò Cửa đình và múa hát Bài Bông là một phần của nghi lễ làng xã – biểu hiện sự thành kính với tổ tiên, trời đất, đồng thời thể hiện tinh thần cộng đồng cố kết, đồng lòng, bền bỉ. Đó cũng là một kho “vàng ròng” trong lòng xứ Bắc, cần được gìn giữ, tôn vinh và lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong đời sống đương đại.
Về Khánh Hà nghe điệu trống quân
Cứ mỗi lần cất lên điệu hát trống quân, chị Nguyễn Thị Hồng thuộc CLB hát trống quân Khánh Hà (xã Thường Tín) lại cảm thấy thêm yêu quê hương Khánh Hà và làn điệu trống quân mà cha ông đã truyền lại từ hàng trăm năm trước.
Chị Hồng chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất yêu quê hương Khánh Hà cũng như làn điệu cha ông truyền lại. Mỗi khi khán giả hào hứng cổ vũ, tôi càng hăng say tập luyện để đem đến những tiếng hát truyền cảm".
Từ lâu, xã Khánh Hà được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với những làn điệu trống quân da diết. Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Bôn - CLB hát trống quân Khánh Hà (xã Thường Tín) cho biết: "Làn điệu trống quân Khánh Hà xưa, nay đã được truyền dạy cho con cháu. Những ngày mùa tháng 7,8, sau khi làm xong, các chị em, anh em đứng hát đối, hỏi nhau về quê quán, công việc".
Năm 2007, CLB hát trống quân Khánh Hà được thành lập đã tập hợp những người am hiểu về hát trống quân, từ đó tìm kiếm, sưu tầm được hơn 200 lời hát cổ. Các làn điệu trống quân khác nhau đã được biên tập và đóng thành quyển để lưu truyền cho các thế hệ sau. Những câu hát dân gian mượt mà, thắm đượm ân tình đất và người Khánh Hà trở nên đẹp hơn, thơ mộng hơn. Bề dày truyền thống cũng từ đó được vun đắp qua từng thế hệ.
"Bây giờ, khi được đi nghe các cụ, các cháu hát tôi rất phấn khởi. Vì bản thân tôi đã phần nào duy trì, bảo tồn làn điệu hát trống quân cho con cháu sau này, cũng là một phần bảo tồn nét văn hoá cổ truyền của dân tộc", bà Đinh Thị Loan – Nguyên Phó chủ nhiệm CLB hát trống quân Khánh Hà (xã Thường Tín) cho hay.
Việc lưu giữ và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Làn điệu trống quân Khánh Hà giờ đây ngày càng vang xa như một nét văn hóa không thể thiếu mỗi khi nhắc đến quê hương Thường Tín.