Huấn luyện nguồn nhân lực cho tương lai đường sắt cao tốc
Việc đào tạo nguồn nhân lực là điều kiện tiên quyết trong bối cảnh các dự án đường sắt tốc độ cao đang được đẩy nhanh nghiên cứu và chuẩn bị.
Là công nhân kỹ thuật đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trực tiếp sửa chữa, bảo trì tuyến đường sắt truyền thống, anh Đào Đình Chiên là một trong 120 học viên tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tham gia khóa học đầu tiên của Việt Nam về đường sắt tốc độ cao. Khóa học đầu tiên không chỉ nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về công nghệ tàu cao tốc, mà còn đặt nền móng cho việc hình thành một đội ngũ kỹ thuật viên, kỹ sư và chuyên gia vận hành có đủ năng lực làm chủ hệ thống hiện đại – điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tự tin triển khai các tuyến đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
"Các giảng viên truyền đạt các kinh nghiệm đã từng trải. Sau này học xong, hy vọng tôi sẽ được tiếp tục bắt tay vào thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao tại Việt Nam. Chúng ta sẽ phát triển công nghệ đường sắt sánh với các cường quốc, đưa cơ sở hạ tầng ngành đường sắt đến với các đột phá", anh Chiên chia sẻ.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo sát với thực tế, khóa học lần này có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ Trung Quốc – quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao lớn nhất thế giới. Đây là lực lượng giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn, giúp học viên Việt Nam tiếp cận trực tiếp với các quy trình công nghệ, vận hành và bảo trì hiện đại đang được áp dụng ở các tuyến tàu cao tốc quốc tế.
Ông Lý Tiền Hào - giảng viên nước ngoài của khóa học Tổng quan đường sắt cao tốc cho biết: "Học viên ở đây đều là các kỹ sư có kinh nghiệm cùng thái độ cầu tiến. Tôi tin tưởng rằng các kỹ sư này sẽ là một phần không thể thiếu của đường sắt cao tốc Việt Nam".
Khóa học ngắn hạn chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng, nhưng rất nhiều nội dung từ phần tổng quan hệ thống đường sắt cao tốc đến các môn học chuyên môn sâu đòi hỏi người học phải có trình độ, hiểu biết về chuyên ngành và hết sức tập trung, nỗ lực nghiên cứu học hỏi. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 đào tạo về lý thuyết tại Trường Cao đẳng Đường sắt Việt Nam từ 3-4 tháng do các giảng viên, chuyên gia chuyên môn đường sắt cao tốc Trung Quốc giảng dạy, trong đó có sự tham gia trợ giảng của các giảng viên Trường Cao đẳng Đường sắt, giai đoạn 2 sẽ đào tạo thực hành thực tập, thực tế khoảng ba tháng tại Trung Quốc.
Tiến sĩ Trương Trọng Vương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt cho hay: "Muốn làm chủ được đường sắt tốc độ cao, trước hết cần có các kiến thức cơ bản, nắm được các kỹ năng thi công và bảo trì".
Hai ngành đào tạo đường sắt tốc độ cao thực hiện đầu tiên là Công trình đường sắt và Thông tin tín hiệu đường sắt. Đây là bước đi quan trọng, kịp thời chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho đường sắt tốc độ cao và tiếp tục đào tạo trong các năm tiếp theo cho cả khối vận hành ngành lái tàu và điều hành chạy tàu hỏa.