HoREA kiến nghị sửa quyết định cấm Airbnb

Theo Quyết định 26/2025/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 27/02/2025, việc cho thuê căn hộ trong nhà chung cư phải “đúng mục đích để ở”, đồng nghĩa với việc cấm hoàn toàn hình thức cho thuê lưu trú ngắn ngày qua nền tảng Airbnb, trừ khi căn hộ đó nằm trong nhà chung cư có chức năng sử dụng hỗn hợp và được thiết kế, phê duyệt là “căn hộ du lịch”.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), quyết định này không chỉ phản ánh một thực tế pháp lý đang có nhiều cách hiểu khác nhau, mà còn đặt ra vấn đề lớn hơn về cách nhìn nhận mô hình kinh tế chia sẻ trong bối cảnh phát triển đô thị và ngành du lịch của thành phố.
HoREA lập luận rằng, việc một người thuê ở lại căn hộ trong vài ngày với mục đích nghỉ ngơi, công tác, thăm thân nhân hay chăm sóc bệnh nhân đều được coi là “ở” đúng nghĩa. Do đó, cấm cho thuê căn hộ ngắn ngày vì cho rằng đó “không phải để ở” là chưa chính xác và dễ dẫn đến hiểu lầm trong thi hành pháp luật và không phù hợp với tinh thần Luật Nhà ở 2023 cũng như Luật Cư trú và Luật Xuất nhập cảnh.
Kênh lưu trú linh hoạt, hỗ trợ phát triển du lịch
Mô hình Airbnb thực chất là sự mở rộng hợp lý của nhu cầu lưu trú hiện đại. Không chỉ khách du lịch, mà cả người dân trong nước đi công tác, tham gia sự kiện, có nhu cầu ở ngắn hạn đều đang sử dụng dịch vụ này. Airbnb đã trở thành một phần trong hệ sinh thái lưu trú, tạo thêm nguồn cung thay thế cho khách sạn truyền thống, giúp giảm áp lực lên hạ tầng du lịch vào mùa cao điểm.

Từ năm 2015, Airbnb bắt đầu phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như TP.HCM. Theo thống kê từ đại diện tập thể người dân cung cấp dịch vụ Airbnb, tại TP.HCM có tới 8.740 căn hộ đang hoạt động cho thuê ngắn hạn. Đây không chỉ là con số đáng kể về mặt lưu trú mà còn góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động như nhân viên vệ sinh, bảo trì, lễ tân, giao nhận...
Với mức đầu tư bình quân khoảng 5 tỷ đồng mỗi căn, tổng giá trị đầu tư vào 8.740 căn hộ Airbnb ước tính lên đến 43.700 tỷ đồng (tương đương 1,74 tỷ USD). Trong đó, nếu 70% vốn là tín dụng với lãi suất 9%/năm, tổng dư nợ lên đến hơn 30.000 tỷ đồng và chi phí lãi vay hàng năm khoảng 2.753 tỷ đồng.
Cần lưu ý rằng phần lớn các chủ sở hữu căn hộ đều đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế, nên không thể quy kết hoạt động này là “phi pháp” hay “biến tướng”. Ngược lại, nếu có khung pháp lý phù hợp, đây có thể là một nguồn thu thuế đáng kể, đồng thời giúp thành phố đạt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cần một hướng tiếp cận linh hoạt, thực tiễn và hài hòa lợi ích
Một điểm đáng chú ý là trong khi TP.HCM ban hành quyết định cấm cho thuê căn hộ theo mô hình Airbnb, thì các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… vẫn chưa có động thái tương tự. Điều này đặt ra câu hỏi về sự nhất quán trong cách hiểu và áp dụng luật trên phạm vi cả nước.

HoREA khẳng định, nếu thống nhất “căn hộ cho thuê dù dài hạn hay ngắn hạn, miễn người thuê sử dụng với mục đích lưu trú” thì cả Luật Nhà ở, Luật Cư trú và các quy định liên quan đều không bị vi phạm. Bên cạnh đó, Luật Cư trú 2013 và Luật Xuất nhập cảnh 2014 đều quy định rất rõ việc khai báo tạm trú, nghĩa là pháp luật đã có công cụ để quản lý việc cho thuê ngắn hạn nếu được áp dụng đúng cách.
Mô hình Airbnb đặt ra một thách thức mới trong quản lý đô thị, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn về mặt kinh tế. Thay vì cấm đoán, TP.HCM cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý linh hoạt hơn, ví dụ như phân loại rõ “căn hộ lưu trú du lịch” và “căn hộ ở thuần túy”; quy định rõ nghĩa vụ thuế, trách nhiệm an ninh, phòng cháy chữa cháy, khai báo lưu trú...
Việc điều chỉnh cách hiểu và bổ sung quy định hướng dẫn là điều cần thiết, thay vì áp dụng một cách máy móc, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới đang đóng góp tích cực vào kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh TP.HCM đang nỗ lực phục hồi kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch và hỗ trợ người dân khởi nghiệp, việc siết chặt hoạt động cho thuê căn hộ qua ứng dụng Airbnb theo cách hiểu hiện nay có thể gây tác dụng ngược. Một quyết định quản lý hiệu quả là quyết định dung hòa được lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, thay vì chỉ nghiêng về một phía.


Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội - Chi nhánh số 06 cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 200 hồ sơ thực hiện thủ tục xác nhận điều kiện nhà ở.
Giá nhà đất hiện vượt quá xa so với thu nhập của người lao động khiến giấc mơ an cư tại những đô thị lớn ngày càng xa vời.
Dự án nhà ở tái định cư N01 - D17 phố Duy Tân nằm tại vị trí đắc địa thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội), hiện đang bị bỏ hoang hàng chục năm nay, gây lãng phí.
Được giới thiệu tới thị trường vào tháng 2/2022, nhưng đến nay dự án nhà ở xã hội 4-6-8 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu của việc thi công.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương báo cáo tình hình ban hành văn bản pháp luật liên quan đến xác định giá đất cụ thể, cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Dù giá tăng một cách phi lý nhưng nhu cầu mua biệt thự liền kề tại Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Vậy, làm thế nào để mua biệt thự liền kề với tiềm năng sinh lời cao trong thời gian ngắn nhất và an toàn nhất?
0