Hợp tác kinh tế thương mại: Trụ cột quan hệ Việt - Pháp

Quan hệ Việt Nam - Pháp đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục...và phát triển bền vững trong hơn 5 thập kỷ.

Việt Nam – Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Trong đó, kinh tế thương mại và phát triển bền vững được coi là trụ cột ưu tiên trong quan hệ hai nước.

Tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội hay tuyến metro số 1 mới đi vào hoạt động gần đây tại Hà Nội và TP.HCM.... Đây là 2 trong số nhiều dự án phát triển bền vững mà Pháp đã và đang hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam.

Ông Olivier Brochet – Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 là một cam kết rất  quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam và sẵn sàng ủng hộ hết mình để Việt Nam thực hiện được mục tiêu đưa ra.”

Trong bức tranh hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp, thương mại luôn là một trong những trụ cột chủ đạo, phản ánh chiều sâu và hiệu quả thực chất của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Những năm gần đây, bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Pháp vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực với những điểm sáng nổi bật, cả về cơ cấu mặt hàng, lẫn tiềm năng hợp tác.

Ông Jean Alexandre Egea – Tham tán Kinh tế, Trưởng Cơ quan Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cho biết: “ Quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước chúng ta đã có những bước phát triển thực sự mạnh mẽ trong năm vừa qua, dù là trong lĩnh vực đầu tư, hợp tác tài chính hay thương mại. Thương mại giữa Pháp và Việt Nam đã tăng 12% trong năm 2024.”

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỉ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Pháp trong khối các nước ASEAN.

Năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 5,4 tỷ đô la Mỹ tăng 12,9% so với năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 3,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,5% và nhập khẩu hơn 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 23,1%. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 là cú hích đối với thương mại song phương Việt Nam và  Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thực phẩm chế biến, dệt may, thâm nhập sâu hơn vào thị trường Pháp. Ngược lại, những mặt hàng của Pháp như dược phẩm, công nghệ, nông nghiệp cũng có mặt ngày càng nhiều tại Việt Nam.

Ông Jean Alexandre Egea cho biết thêm: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu Việt Nam sang Pháp nhờ vào chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam, cũng như nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, cho phép hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp với thuế suất 0%.”

Ông Olivier Brochet – Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: “Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp sang Việt Nam chủ yếu là máy bay, hàng không, dược phẩm, y tế. Năm 2025 đánh dấu một năm với nhiều hợp đồng được ký kết  giữa hàng không Pháp với Vietjet Air của Việt Nam. Phía Pháp chúng tôi coi Việt Nam  không đơn thuần như là một khách hàng thương mại mà là một đối tác quan trọng.”

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 250 chi nhánh của các doanh nghiệp Pháp đang hoạt động  chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư hạ tầng, công nghệ, ô tô, mỹ phẩm và phát triển bền vững.

Ông Jean Alexandre Egea cho biết: “Hiện 250 doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam đã tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam xem Việt Nam như một nơi để thiết kế và phát triển sản phẩm.”

Trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm và chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Pháp Macron, hai nhà lãnh đạo đã khẳng định tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại và đầu tư là trụ cột trong quan hệ hai nước.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời