Hơn 200 bộ hồ sơ chiến tranh được chuyển từ Mỹ về Việt Nam
Trung tâm và Lưu trữ Chiến tranh Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) đã tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Việt Nam hơn 200 bộ hồ sơ, dữ liệu chứng tích chiến tranh để quản lý và tiếp tục trao trả cho các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh.
Nỗi đau chiến tranh của thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh đã phần nào được xoa dịu nhờ những hồ sơ, chứng tích chiến tranh trong tổng số 200 hồ sơ do Trung tâm và Lưu trữ Chiến tranh Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) trao tặng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ và 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Để những bộ hồ sơ đến được tay của các gia đình còn có nỗ lực biên soạn, giới thiệu và kết nối của tổ chức "Trái tim người lính Việt Nam", câu lạc bộ "Mãi mãi tuổi 20" và kỷ vật kháng chiến ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tiến sĩ Steve Maxner - Giám đốc Trung tâm và Lưu trữ Chiến tranh Việt Nam, Đại học Công nghệ Texas cho biết: "Chúng tôi có tất cả hơn 30 triệu trang tài liệu, trong đó có hơn 2,7 triệu trang là tài liệu thu được trong chiến tranh và từ số đó, chúng tôi nghiên cứu và trao trả cho Việt Nam vào hôm nay. Tôi rất xúc động khi trao trả lại những bức thư, kỷ vật thời chiến mà nhiều gia đình chưa từng thấy trước đây".
Với 29 gia đình thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh có mặt ở buỗi lễ, có lẽ vết thương chiến tranh của họ đã phần nào được xoa dịu nhờ những hồ sơ chứng tích chiến tranh mà phía Mỹ trao tặng. Với họ, đây còn là hy vọng trên hành trình đi tìm người thân .
Đại sứ Phạm Quang Vinh - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết: "Trước đó là nỗi đau từ chiến tranh, sau chiến tranh thì là sự thù địch và cấm vận. Để vượt qua những điều đó là nỗ lực hàn gắn quan hệ từ cả hai nước Việt Nam - Mỹ, mà trước hết do chủ trương rất nhân đạo từ phía Việt Nam là khép lại quá khứ - hướng tới tương lai".
TS Vũ Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Việc trưng bày những hồ sơ, chứng tích chiến tranh là một việc làm hết sức ý nghĩa, đối với gia đình những vị anh hùng liệt sỹ đã ra đi và đặc biệt khi có sự góp mặt của rất nhiều cơ quan lưu trữ ngày hôm nay".
Thân nhân liệt sĩ đã vỡ òa xúc động khi nhận lại những trang tài liệu liên quan đến người thân, gia đình mình. Đó có thể là những nét chữ, di bút quen thuộc, thiêng liêng của người đã mất. Cũng có thể là những lá thư hậu phương gửi ra tiền tuyến, hay những trang sổ tay nhật ký, ghi chép trong kháng chiến. Tất cả cùng rưng rưng, nghẹn ngào, chứng kiến một phần sự “trở về” của những người thân yêu, sau hàng chục năm hy sinh.