Hà Nội thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tạo ra nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ để Hà Nội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Thành phố hiện thực hoá việc ứng dụng công nghệ để bứt phá.

Thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ

Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 57) đã được thành lập do Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài làm Trưởng ban.

Hà Nội xác định gương mẫu, đi đầu, nhanh chóng đưa Nghị quyết 57 vào đời sống của Thủ đô. Hà Nội sẽ có cơ chế thu hút nhân tài, thu hút các nhà khoa học, trí thức công nghệ người Việt ở nước ngoài trở về, hoặc có thể nhập tịch, miễn visa cho chuyên gia nước ngoài, hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm.

Được tiếp cận với những tri thức tiên tiến của thế giới, những nhà khoa học, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một trong những lực lượng quan trọng có thể giúp Hà Nội bứt phá trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn - Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã từ bỏ cơ hội làm việc cho các trường đại học và các công ty công nghệ lớn tại Mỹ và quyết định trở về nước. Tại Thủ đô Hà Nội, những tài năng trẻ AI của Việt Nam được anh trao truyền những kiến thức tiên tiến của thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ “Tôi tin rằng những đóng góp của mình sẽ được phát huy mạnh mẽ nhất khi tôi được đóng góp cho cội nguồn của mình, nơi tôi sinh ra, lớn lên và được đào tạo. Tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, những tài năng tương lai của đất nước, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước”.

Sinh viên Nguyễn Đức Dương - Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Em và thầy Sơn cùng các bạn vừa cho đời Qestin, một phần mềm tư vấn viên AI. Sản phẩm này sẽ giúp cho các doanh nghiệp, các nhà bán hàng nhỏ tiết kiệm được chi phí, tạo ra các nền tảng tư vấn viên hoạt động 24/7 và chính xác tuyệt đối. Thầy Sơn luôn chú trọng vào tính thực tiễn của giải pháp. Thầy dạy em rất nhiều kỹ năng như tư vấn, tiếp thị, marketing cho sản phẩm của mình”.

Hiện Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn đang tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính là kỹ nghệ phần mềm tự động và kỹ nghệ AI tự động. Các nghiên cứu này giúp tối ưu hoá việc phát hiện lỗ hổng phần mềm và giúp tất cả mọi người dân có thể tiếp cận AI một cách dễ dàng hơn.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Vũ, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học CMC đã trở về nước sau thời gian học tập tại Pháp. Anh được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo, học máy cùng với các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và phân tích dữ liệu kinh doanh. Khi AI được ứng dụng trong y tế, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh trở nên chính xác hơn. “Tôi luôn nghĩ, mình có kiến thức đã tích luỹ được khi ở nước ngoài, tôi sẽ chia sẻ cho sinh viên và cùng các đồng nghiệp hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giảng dạy. Bên cạnh đó, tôi cũng có điều kiện để thâm nhập môi trường thực tế hơn. Tôi hay làm việc trong lĩnh vực về y tế ở các bệnh viện hay các doanh nghiệp và khi họ có bài toán gì thì tôi có các giải pháp để giải quyết”, PGS.TS Vũ Việt Vũ chia sẻ.

Cơ chế đãi ngộ, trọng dụng nhân tài

Ngày càng có nhiều nhà khoa học, trí thức Việt Nam chọn con đường "trở về". Bên cạnh các trí thức người Việt ở nước ngoài trở về, các trường đại học cũng đang chủ động đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Các doanh nghiệp Hà Nội cũng không ngại chi mạnh để thu hút nhân tài.

Phấn khởi chia sẻ về số lượng sinh viên và giảng viên chất lượng cao ngày càng tăng, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là kết quả của chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đang được nhà trường triển khai. Nhiều sinh viên tài năng học lên cao học được nhà trường miễn học phí và hỗ trợ cả chi phí sinh hoạt để tập trung học tập. Tất cả các cán bộ trẻ của nhà trường cũng sẽ được tham gia vào các nhóm nghiên cứu lớn.

Giáo sư, tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi hiện giờ tuyển tất các giảng viên ở các trường đại học lớn trên thế giới và các bạn trẻ người Việt sau khi học tiến sĩ ở nước ngoài. Chúng tôi cũng tuyển cả người nước ngoài mong muốn làm việc ở Việt Nam. Ngoài ra có một đội ngũ tài năng cũng rất quan trọng đó là sinh viên đầu vào. Chỉ khi nào sinh viên đầu vào tài năng thì chúng ta mới có một lứa sinh viên đầu ra tài năng, sau khi tốt nghiệp có thể dẫn dắt được sự phát triển công nghệ kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay. Rất mong trong thời gian tới, Hà Nội với vai trò của mình, với lợi thế về địa chính trị, với lợi thế về sự hội tụ tài năng toàn quốc về thì chúng ta sẽ có nhiều mô hình để phát triển được các cơ sở công nghiệp, các danh nghiệp đầu tư vào R&D - phát triển sản phẩm”.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng sẵn sàng chi mạnh để hút nhân tài, du học sinh, các chuyên gia công nghệ ở nước ngoài về nước làm việc. Họ là chủ của rất nhiều sáng kiến công nghệ về kiểm soát an ninh và dịch vụ công đang được áp dụng trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Chúng ta có 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong số này có khoảng 10% là trí thức và rất nhiều chuyên gia. Đây là nguồn lực rất quý báu với sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số của đất nước. Khi Nghị quyết 57 được ban hành đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với lợi thế của mình, đặc biệt là với Luật Thủ đô thì chúng tôi nghĩ Hà Nội có rất nhiều lợi thế để thu hút các chuyên gia, trí thức kiều bào trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Lâu nay chúng ta vẫn hay nói về hai yếu tố là chế độ đãi ngộ và trọng dụng. Hiện chúng tôi nghĩ là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã phát triển và họ quan tâm việc trọng dụng hơn là đãi ngộ. Chủ trương, chính sách của chúng ta phải làm sao để những người có đóng góp họ thực sự được coi trọng, thực sự có được không gian làm việc để phát huy tất cả trí tuệ cao nhất”.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô (sửa đổi) đang tạo ra nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ để Hà Nội thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp thành phố hiện thực hoá việc ứng dụng công nghệ để bứt phá.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 19/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp.

Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm các biện pháp PCCC, nếu cơ sở nào chưa hoặc chậm trễ trong khắc phục tồn tại sẽ phải gắn biển nhà trọ không đảm bảo an toàn PCCC, đối mặt với những biện pháp xử lý cứng rắn, thậm chí là tạm dừng hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi kiểm tra vận hành Nhà ga T3, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 19/4; dự Lễ công bố và thực hiện nghi thức triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ thủ tục lên tàu bay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải thực hiện tinh thần “năm nhất”: chuẩn bị kỹ lưỡng nhất; tinh thần tốt nhất; động tác đẹp nhất; hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả nhất; bảo đảm hậu cần chu đáo nhất.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bốn đối tượng là chủ bốn cơ sở sản xuất giá đỗ về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Lực lượng CSGT sẽ triển khai phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.