Hà Nội sẽ có quảng trường - công viên đặc biệt

Trái tim của Hà Nội - Hồ Gươm, đang dần bị thu hẹp ở không gian quanh hồ. Với sự gia tăng dân số và nhu cầu về không gian sống xanh, rộng rãi hơn, việc khôi phục không gian công cộng tại Hồ Gươm trở thành một nhu cầu cấp thiết.

Vì sao cần mở rộng không gian Hồ Gươm?

Hồ Gươm đã từng có không gian thoáng đãng nhưng do dân số tăng lên cùng với quá trình đô thị hóa, không gian quảng trường nơi đây dần bị thu hẹp.

Việc khôi phục không gian công cộng ở Hồ Gươm không chỉ bảo tồn được vẻ đẹp của một di tích lịch sử quan trọng mà còn tạo ra một môi trường đáng sống, nơi người dân có thể tận hưởng không gian công cộng sạch đẹp, văn minh và đầy sức sống.

Không gian Hồ Gươm sau khi khôi phục sẽ trở thành nơi lý tưởng để người dân và du khách đến tham quan, thư giãn và tìm hiểu về những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Đây sẽ là một điểm đến mang tính biểu tượng, thể hiện sự phát triển bền vững và sự quan tâm của chính quyền đối với chất lượng đời sống cộng đồng.

KTS Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết: "Toàn bộ các phố dọc theo từ 'Hàm cá mập' cho đến khu vực UBND thành phố sẽ được dùng để tạo dựng những không gian mang tính chất công cộng, văn hóa và cơ bản là để phục vụ cho cộng đồng".

Kết nối và tôn vinh các giá trị cảnh quan, kiến trúc

Các phương án kiến trúc tại khu vực phía đông Hồ Gươm đã được thành phố Hà Nội nghiên cứu, triển khai theo hướng trở thành khu quảng trường - công viên đặc biệt. Nhưng trước hết, đối với các các công trình kiến trúc có giá trị, như kiến trúc Pháp, kiến trúc nhà cổ Hà Nội, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện quy hoạch Xây dựng khảo sát kỹ, cần bảo tồn để phát huy các giá trị di sản kiến trúc. Đó là công trình kiến trúc Pháp tại Sở Văn hóa và Thể thao - 47 Hàng Dầu, Viện Văn học số 20 Lý Thái Tổ.

Một số công trình mang tính biểu tượng, di tích (di tích lịch sử cách mạng Bác Hồ thăm nhà Đèn) sẽ đề xuất chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu quy hoạch, tổ chức không gian ngầm tại khu vực phía Đông Hồ Hoàn Kiếm với khoảng ba tầng hầm, có kết nối không gian ngầm.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp kỹ thuật phù hợp đối với các công trình bảo tồn trong quá trình thi công tầng hầm; đề xuất sử dụng đa chức năng gồm công cộng, văn hóa, dịch vụ, thương mại, hạ tầng đối với không gian ngầm để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

Riêng khu vực trụ sở Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Khách sạn Điện lực, thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, đề xuất vị trí làm trụ sở mới cho các đơn vị tại khu vực trụ sở các Tổng công ty - Khu đô thị mới Cầu Giấy. Trụ sở tiếp công dân của thành phố cũng sẽ bố trí địa điểm mới, đảm bảo khang trang, thuận lợi cho công tác tiếp công dân, trước khi di chuyển, báo cáo trước ngày 15/3/2025.

Về cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tạm cư cho các tổ chức, hộ gia đình trong phạm vi dự án đầu tư, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát quỹ nhà, đất thành phố quản lý và căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đề xuất địa điểm làm trụ sở mới cho các đơn vị gồm Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Văn học - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Chi cục dân số Hà Nội và Hội người mù Hà Nội theo quy định.

Nhiều hộ dân quanh Hồ Gươm sắp được di dời

Mặc dù nhiều người dân và các hộ kinh doanh xung quanh Hồ Gươm khá bất ngờ trước thông tin di dời, nhưng đa phần đều thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ với chủ trương của thành phố.

Anh Bùi Chí Thành, truyền nhân đời thứ ba của phở Thìn Bờ Hồ, là một trong những người như vậy. Mặc dù không khỏi tiếc nuối vì quán phở gia truyền 70 năm tuổi của gia đình sắp phải di dời, anh Thành vẫn sẵn sàng tìm một địa điểm mới gần khu vực Hồ Gươm để tiếp tục duy trì thương hiệu phở của gia đình.

Anh Thành chia sẻ: "Tôi cảm thấy rất tiếc nếu nhà tôi bị di dời, vì thương hiệu phở Thìn Bờ Hồ đã gắn liền với địa điểm này từ những năm 1955 đến nay. Rất mong Nhà nước có phương án cho tôi tìm địa điểm gần khu vực Bờ Hồ, để gia đình tôi duy trì quán phở này".

Dự kiến, thành phố sẽ di dời nhiều hộ dân quanh hồ Hoàn Kiếm, kèm theo chính sách đền bù và tái định cư tại huyện Đông Anh. Mặc dù việc cải tạo không gian khu vực phía Đông Hồ Gươm, theo hướng tạo ra một quảng trường - công viên đặc biệt là rất cần thiết, nhưng việc làm sao để ổn định cuộc sống của người dân và các hộ kinh doanh sau di dời cũng là một bài toán cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bà Ngô Thị Sao (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) đã chứng kiến nhiều đổi thay của Hồ Gươm từ thời còn xe điện leng keng chạy qua. Sắp tới đây, khi Hồ Gươm sắp khoác lên mình diện mạo mới, cũng như nhiều người dân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bà mong muốn việc cải tạo sẽ không làm mất đi nét cổ kính của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Bà Ngô Thị Sao chia sẻ: "Hồ Hoàn Kiếm là linh hồn của Thủ đô. Mỗi lần đi xa chúng tôi đều hướng về Hà Nội. Chúng tôi mong muốn dù có cải tạo, có xây mới thì đừng phá đi những nét rất đặc trưng của Thủ đô".

Trong hành trình phát triển, thành phố vẫn luôn đặt giá trị con người và sự hài hòa giữa quá khứ và hiện tại lên hàng đầu. Cùng với chính sách đền bù hợp lý và sự hỗ trợ tận tình, người dân có thể yên tâm về một tương lai ổn định. Hồ Gươm sẽ không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, mà còn là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn, mang lại niềm tự hào cho mỗi người dân Thủ đô.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cán bộ Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) đã phát hiện và bắt giữ một người phụ nữ vận chuyển trái phép 4 kg vàng qua biên giới.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là minh chứng khẳng định đường lối cách mạng của Đảng, là thắng lợi của sức mạnh chiến tranh nhân dân.

Đông đảo người dân và du khách đã đổ về khu vực trung tâm Quận 1 để thưởng thức màn trình diễn pháo hoa bên bờ sông Sài Gòn diễn ra vào tối 19/4.

Không chỉ là một chương trình nghệ thuật, “Ký ức để lại” còn là lời tri ân sâu sắc đối với các thế hệ chiến sĩ Công an nhân dân đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước.

Ngày 19/4, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố để thực hiện lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức kỳ họp HĐND các cấp.

Hà Nội đang triển khai đợt cao điểm các biện pháp PCCC, nếu cơ sở nào chưa hoặc chậm trễ trong khắc phục tồn tại sẽ phải gắn biển nhà trọ không đảm bảo an toàn PCCC, đối mặt với những biện pháp xử lý cứng rắn, thậm chí là tạm dừng hoạt động.